Người trong cuộc: Lập 'phố nhạy cảm' thì tốt quá!

28/08/2015 - 07:35

PNO - Nhiều người đang hành nghề massage, quán bar… ở TP.HCM đã bày tỏ quan điểm trước đề xuất lập “phố nhạy cảm” .

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ở TP.HCM, ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đã đề xuất:

“Trung ương nên mạnh dạn chỉ đạo cho thí điểm tại một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội… tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ nhạy cảm như khách sạn, quán bar, vũ trường, mát xa, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ… vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước tốt hơn.

Không thể chấp nhận mại dâm phát triển tràn lan như hiện nay, nơi nào cũng có, huyện nào cũng có, thậm chí xã nào cũng có, rồi chúng ta cứ chạy theo phòng chống suốt đời, chống mãi mà nó vẫn còn”.

Nguoi trong cuoc: Lap 'pho nhay cam' thi tot qua!
Nhiều cô gái hành nghề mại dâm đã phải đối mặt với nạn bảo kê, bị đánh đập, đặc biệt là ít có biện pháp bảo vệ để tránh các căn bệnh xã hội.

Tuy nhiên ông Quý lưu ý, không gọi đây là "khu đèn đỏ" như một số nước mà chỉ là “tập trung” để có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lây lan ra cộng đồng, đảm bảo sức khỏe, an ninh trật tự cho người vào vui chơi giải trí.

Những người trong cuộc tỏ ra khá vui mừng khi có một khu vực hoạt động của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, Kim Hiền (hành nghề mại dâm ở đường Hồng Bàng, quận 5) cho hay: “Trước giờ em làm công việc này sợ nhất là nạn “bảo kê”, hôm nào cũng bị chúng nó “cướp cạn” mất một nửa số tiền mình làm được.

Khi tập trung những người làm nghề này lại rồi thì sẽ có lực lượng chức năng quản lý hẳn hoi như vậy thì bọn bảo kê hết đường lộng hành. Tụi em coi như sống khỏe hơn. Nếu “phố nhạy cảm” được thành lập thì tốt quá”.

Ngoài chuyện có “phố nhạy cảm” sẽ chống lại được nạn “bảo kê” thì nhiều người tin tưởng rằng, khi quy hoạch “phố nhạy cảm” thì những người làm việc trong khu vực này sẽ được hưởng những chế độ như lương, hợp đồng lao động và được pháp luật bảo vệ như những ngành nghề khác.

Thu Trang (26 tuổi, nhân viên quán massage Đệ Nhất, quận Bình Tân) chia sẻ: “Từ lúc bước chân vào cái nghề này, em đã làm ở 5 tiệm nhưng chưa có tiệm nào có chế độ lương bổng đàng hoàng.

Tụi em toàn phải sống nhờ vào tiền boa của khách, hôm nào boa ít thì tụi em không đủ ăn.

Nếu có “phố nhạy cảm” cho tụi em làm việc và bảo đảm các chế độ lương, bảo hiểm và được nhà nước bảo vệ hoạt động trong nghề nghiệp của mình thì tốt quá, khỏi phải lo nữa”.

Ngoài việc mong muốn lập “phố nhạy cảm” để cơ quan chức năng dễ quản lý thì nhiều người hoạt động trong lĩnh vực “nhạy cảm” còn bày tỏ mong muốn khi lập “phố nhạy cảm” thì cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện tốt nhất về y tế, đời sống, an sinh xã hội và tuyên truyền về cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho những người làm trong lĩnh vực này.

Chị Kim Liên (38 tuổi, ngụ quận 6) chia sẻ: “Trước giờ hành nghề lén lút bên cạnh sợ công an còn sợ những người làm cùng nghề cạnh tranh đuổi đánh. Nếu có “phố nhạy cảm" tập trung thì đỡ rồi không còn sợ nữa.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn là nếu lập “phố nhạy cảm”, cơ quan chức năng cũng nên tính đến chuyện hỗ trợ đời sống giải trí, y tế, sinh hoạt…, cho những người làm tại khu vực này. Như vậy thì chúng tôi mới an tâm được”.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Vinh Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI