Người suy thận “né” COVID-19 nhờ lọc màng bụng tại nhà

28/04/2020 - 06:01

PNO - Thay vì mỗi tuần phải đến bệnh viện ba lần để chạy thận nhân tạo, người bệnh có thể ở nhà sử dụng máy lọc màng bụng giúp máu được lọc liên tục, gần giống chức năng thận tự nhiên, mà không phải đến bệnh viện.

Vừa chạy thận, vừa lo lây nhiễm COVID-19

Nhân viên y tế hướng dẫn ông V. sử dụng máy lọc màng bụng
Nhân viên y tế hướng dẫn ông V. sử dụng máy lọc màng bụng

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những người mắc bệnh mạn tính, suy thận giai đoạn cuối có chỉ định chạy thận nhân tạo định kỳ không khỏi lo lắng, bởi mỗi tuần phải vào bệnh viện (BV) 2-3 lần để lọc máu, nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Mắc bệnh suy thận mạn tính, bà P.T.K.L. (62 tuổi, H.Cần Giuộc, tỉnh Long An) phải lọc máu định kỳ ba ngày mỗi tuần đã hơn sáu năm. Khi đến đợt chạy thận nhân tạo, khoảng bốn giờ sáng bà đã thức dậy, chuẩn bị cơm nước rồi bắt xe buýt đến BV Chợ Rẫy TP.HCM lọc máu. Thói quen của bà gần đây bị xáo trộn đôi chút bởi xe buýt đã tạm ngừng hoạt động nhằm phòng, chống COVID-19, nhưng bà sợ lây nhiễm chéo trong BV hơn là bất tiện trong đi lại. 

Còn chị T.N.T. (35 tuổi, Q.2, TP.HCM) cho hay, chị đã chạy thận được bốn năm. Do nhà gần BV Quận 2 nên chị chủ động hơn trong việc đi lại nhưng cũng phải mất 4-5 tiếng để lọc máu. “Khi có dịch COVID-19, tôi nói người thân đưa tới cổng BV rồi tự vào Khoa Thận nhân tạo để lọc máu. BV cũng có nhân viên sàng lọc trước cổng, nhưng trong môi trường này mình không biết ai có bệnh hay không. Nếu người nhà đưa đến đây, ngồi đợi tôi lọc máu mà lỡ mắc COVID-19 thì bản thân mình sẽ rất áy náy”, chị T. cho biết.

Còn trường hợp của ông T.Q.V. (78 tuổi, quốc tịch Pháp, Q.2, TP.HCM) từ Pháp đến Việt Nam trong thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu tăng mạnh ở các nước châu Âu nên tạm thời ông chưa về Pháp được. Bị suy thận mạn đã ba năm, ông V. điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong lần đi khám sức khỏe định kỳ tại một BV ở TP.HCM, bác sĩ chỉ định ông phải lọc thận định kỳ bởi suy thận đã vào giai đoạn cuối. Theo ông V., ở Pháp, khi người bệnh phải lọc thận sẽ được thực hiện phương pháp thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) bằng máy, phương pháp này giúp người suy thận duy trì được chất lượng cuộc sống, không phải mất thời gian vào BV.

Ông V. chia sẻ: “Tôi đi nhiều BV tư ở Việt Nam nhưng không nơi nào có lọc màng bụng bằng máy. Mặc dù tôi đã được bác sĩ làm phẫu thuật đặt cầu nối FAV ở cổ tay nhưng tôi cứ chần chừ đi chạy thận, sẽ bị ràng buộc rất nhiều, chưa kể dịch COVID-19, BV là nơi dễ lây nhiễm”. 

Lọc thận tại nhà cho bệnh nhân mắc suy thận mạn tính

Ở nhà một thời gian, các chất độc trong máu tăng cao, kèm theo bệnh tim mạch, ông V. liên tục mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, cơ thể đau nhức. Do đó, ông đến BV Quận 2 đăng ký chạy thận. Ông kể: “Mới vô, tôi cũng sợ, nhưng may mắn khi đang được tư vấn về chạy thận nhân tạo, bác sĩ nói có máy thẩm phân phúc mạc tự động. Tôi xin sử dụng máy ngay và thấy khá hơn. Tôi cũng mua một chiếc để lọc thận tại nhà, không phải thường xuyên đến BV nữa”. Theo ông V., từ khi mua máy lọc, ông khá thoải mái khi sáng sinh hoạt bình thường, tối chỉ cần nối dây, bật máy lọc rồi ngủ thì lại khỏe mạnh. 

Tương tự, bà N.T.A. (63 tuổi, Q.2, TP.HCM) cũng đã được mua máy thẩm phân phúc mạc. Bà A. mắc suy thận phải lọc máu nhiều năm, nhìn hai con cứ thay phiên đưa rước, công việc bị ảnh hưởng vì mình, bà A. mắc thêm bệnh trầm cảm. Năm 2019, khi BV triển khai phương pháp thẩm phân phúc mạc, hai con của bà đã quyết định mua máy lọc về cho mẹ sử dụng. Hiện tại, bà đã quay lại với cuộc sống gần như bình thường.

Bác sĩ CK2 Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Quận 2 cho biết, bệnh nhân khi đã suy thận giai đoạn cuối thì phải có phương pháp thay thế thận: ghép thận, chạy thận, thẩm phân phúc mạc. Muốn ghép thận, người bệnh cần có thời gian đợi tìm thận tương thích. Lúc này, chạy thận hoặc thẩm phân phúc mạc sẽ được lựa chọn. 

Thẩm phân phúc mạc là lọc thận qua một lớp màng bụng, phương pháp này có thể thực hiện bằng tay hoặc bằng máy. Nếu thực hiện bằng tay, bệnh nhân phải tự thay dịch bốn lần: sáng thức dậy, người bệnh phải xả dịch ngâm trong bụng, thay dịch khác vào ngâm, khoảng 4-6 tiếng, phải tiếp tục xả và thay dịch. Do thực hiện thủ công nên bệnh nhân rất dễ nhiễm trùng nếu không tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Còn nếu lọc màng bụng bằng máy, người bệnh sẽ được phẫu thuật đặt ống Catheter trong ổ bụng. Trước khi ngủ, người bệnh gắn một ống nối của máy lọc vào ống Catheter, máy sẽ tự động thực hiện tám chu kỳ từ bơm dịch vào màng bụng để ngâm, xả dịch nhằm rút độc chất ra ngoài, quy trình hoạt động từ 6-8 tiếng. Để tiện sử dụng, người bệnh có thể khởi động máy trước khi đi ngủ, sáng thức dậy đã hoàn tất chu trình. Bệnh nhân có thể rút ống nối, sinh hoạt, ăn uống như người bình thường mà không phải kiêng cử nhiều như trước đây.

Bác sĩ Thanh nói thêm: “Thông thường, bệnh nhân nếu thực hiện thẩm phân phúc mạc sẽ được nhận dịch lọc hai tuần một lần. Sau khi hết dịch, người bệnh sẽ vào BV để được bác sĩ khám và nhận dịch lọc tiếp theo. Tuy nhiên, giai đoạn này đang có dịch bệnh COVID-19, nên bệnh nhân được nhận dịch lọc theo tháng”.

Theo bác sĩ Thanh, tuy phương pháp thẩm phân phúc mạc có nhiều lợi ích cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối như kể trên nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng. Bởi ngoài việc bệnh nhân tự thực hiện thao tác theo hướng dẫn của bác sĩ, nơi ở phải có không gian để lắp đặt phòng riêng đảm bảo vô trùng khi lọc màng bụng. Bên cạnh đó, chi phí để thẩm phân phúc mạc bằng máy cao hơn so với chạy thận định kỳ bởi bảo hiểm y tế chỉ thanh toán các loại thuốc có trong danh mục. Về thiết bị, bệnh nhân phải tự chi trả, nhất là máy lọc tự động có giá cao. 
Mặc dù vậy, phương pháp này đang được nhiều người tìm hiểu và mong muốn sử dụng. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI