Người nhà hoang mang, sợ mình đã... chôn sống người thân

19/11/2020 - 14:07

PNO - Sau khi bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc xong, gia đình sốt ruột vì không được xử trí gì thêm, hỏi thì điều dưỡng chỉ trả lời ngắn gọn: “Chờ đi”.

 

Bệnh viện nhân dân 115 (TPHCM)
Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM)

Nhiều tháng sau cái chết của bà ngoại, chị L.T.B. (31 tuổi, nhà ở quận 10, TPHCM) và mẹ ruột vẫn day dứt việc đưa bà về nhà, sau đó rút ống thở là đúng hay sai. Chị bàng hoàng không thể hiểu vì sao gia đình đã nhanh chóng đưa bà vào 2 bệnh viện sau cơn nhồi máu cơ tim nhưng bác sĩ vẫn không cứu được, dù lúc đó bà còn tỉnh táo.

Thậm chí, chị còn nghi ngờ bà ngoại vẫn còn sống mà gia đình không hay biết nên rút ống thở và làm đám ma. Không chỉ trách bản thân mình, chị bức xúc cả việc bác sĩ không chịu trao đổi về tiên lượng tình trạng bệnh hoặc tư vấn để gia đình chuẩn bị tâm lý.

Vì vậy, chị đã gửi đơn phản ánh đến Báo Phụ nữ TPHCM.  

Cho uống thuốc gì hỏi không ai nói

Tỉnh dậy vào lúc 5 giờ sáng 18/4/2020, bà L.L.K, (sinh năm 1931, quận 10, TPHCM) thấy nhói đau ở ngực trái, cảm giác lạnh, mệt người, khó thở. Cơn đau lan xuống bụng và sau đó 10 phút thì bà ngất đi, mặt đỏ, chân tay rủ, đại tiện không kiểm soát.

Bà K. được cháu ngoại là chị L.T.B. đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện tư nhân ở quận 10. Nơi này chẩn đoán bà K. viêm phổi nên cho kháng sinh, truyền nước biển. Mãi đến khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, nơi này nghi ngờ bà K. bị nhồi máu cơ tim nên vội chuyển bà sang Bệnh viện Nhân dân 115.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận bà L.L.K. vào lúc 14 giờ ngày 18/4. 

Theo lời kể của chị L.T.B., bà ngoại chị lúc này vẫn tỉnh táo. Khi bác sĩ đến khám hỏi tên gì, bà vẫn trả lời đúng, còn gợi ý bác sĩ hỗ trợ mình: “Bị đau ở ngực trái quá bác sĩ ơi!”.

Bác sĩ này sau khi cho đo điện tim đã chẩn đoán bà ngoại chị K. bị tình trạng “tắc van tim” và yêu cầu người nhà đi đóng tiền mua thuốc.

Phòng cấp cứu của Bệnh viện nhân dân 115 vào ngày 18/4/2020, theo chị B. là vẫn còn có giường trống, chứng tỏ không đông như bình thường
Phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115 vào ngày 18/4/2020, theo chị B. vẫn có giường trống, chứng tỏ không đông như bình thường. 

Vài giờ sau khi đóng tiền, điều dưỡng vào cho uống thuốc và tiêm một loại thuốc màu vàng. "Khi tôi hỏi tên thuốc và điều trị bệnh gì thì cô điều dưỡng không thèm trả lời. Quay lại hỏi bác sĩ điều trị, tắc van tim là bệnh gì thì cũng không được trả lời. Điều này đã khiến gia đình rất ức chế vì ngay cả người thân bị bệnh gì, uống thuốc nào mà cũng không hề được thông tin rõ ràng", chị B. bức xúc.

Sau khi bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc xong, gia đình sốt ruột vì không được xử trí gì thêm, hỏi thì điều dưỡng chỉ trả lời ngắn gọn: “Chờ đi”.

Giấy xuất viện của bà L.L.K. cho thấy bà nằm tại phòng cấp cứu từ 14 giờ đến 18 giờ ngày 18/4/2020 thì chuyển lên khoa Tim mạch can thiệp. Bà K. tử vong vào lúc 4 giờ 44 phút sáng 19/4/2020 tại khoa này.

Trong giấy xuất viện, không hề có dòng chữ nào ghi bà K. bị tắc van tim. “Vậy chính xác thì bà ngoại bị bệnh gì, chết do đâu?”, chị L.T.B. nghi vấn có uẩn khúc. 

Gia đình bệnh nhân đã  gửi email cho đường dây nóng Bộ Y tế và cả gọi điện cho số điện thoại đường dây nóng của Bệnh viện Nhân dân 115 nhưng không được giải quyết. 

Gần 7 tháng trời, chị B. mới có thể găp để phản ánh bức xúc và nghe bác sĩ Bệnh viện 115 giải thích về cái chết của người thân mình
Gần 7 tháng trời, chị B. mới có thể gặp lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 để phản ánh bức xúc và nghe bác sĩ giải thích về cái chết của người thân mình.

Tới tận ngày 17/11/2020, sau khi nhận được thông tin từ Báo Phụ nữ TPHCM, Bệnh viện Nhân dân 115 đã gặp gỡ để trao đổi với gia đình bệnh nhân, tuy nhiên không có mặt của 2 bác sĩ trực tiếp điều trị cho bà ngoại của chị B. 

Tại buổi gặp, bác sĩ Trần Văn Sóng – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định: “Bà L.L.K tử vong do tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh lý tắc van tim gần như rất hiếm. Có khả năng người nhà nghe nhầm từ tắc mạch vành tim thành tắc van tim”. Tuy nhiên, chị B. khẳng định lúc đó bác sĩ cấp cứu chỉ nói có 2 câu: “Bệnh nhân bị tắc van tim” và “Người nhà đi đóng tiền mua thuốc”.

Về những loại thuốc chỉ định cho bà K. ở phòng cấp cứu, bác sĩ Khổng Minh Tuấn – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định lúc tiếp nhận, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nặng nhưng huyết áp đã ổn định, nồng độ oxy trong máu 96% là tốt.

Vì thế, bác sĩ trực cấp cứu đã kê các loại thuốc để tái thông mạch máu, phục hồi cơ tim gồm loại thuốc tiêm vào bụng để chống đông máu; thuốc Plavix chống kết tập tiểu cầu; thuốc chống rối loạn mỡ máu.

“Bệnh nhân L.L.K bị nhồi máu cơ tim cấp thể ST không chênh lên. Tình trạng bệnh lý nặng, có thể ảnh hưởng tính mạng, có thể có biến chứng loạn nhịp tim, sốc tim. Tuy nhiên, việc đưa ra chiến lược điều trị và dùng thuốc nào là trách nhiệm của bác sĩ. Chiến lược điều trị nội khoa và loại thuốc chỉ định cho bệnh nhân là đúng với chẩn đoán và đúng phác đồ của Bộ Y tế”, bác sĩ Tuấn trình bày.

Khu vực cấp cứu của Bệnh viện nhân dân 115 vào ngày 18/4/2020. Ảnh: gia đình cung cấp
Khu vực cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115 vào ngày 18/4/2020. Ảnh: gia đình cung cấp

Có nguy cơ đột tử nhưng được theo dõi 6 giờ một lần?

Khoảng 4g30 sáng 19/4/2020, người nhà thấy bà L.L.K. không thở, không còn nhúc nhích nên vội gọi điều dưỡng thì người nhà được kêu "đi kiếm bác sĩ đi".

Bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân 115 vào phòng, hồi sức tim phổi. 10 phút sau, bác sĩ thông báo bà K. đã chết não, gia đình nên cho bóp bóng khi đưa về nhà.

Gia đình hoảng hốt đưa bà L.L.K về nhà. Một nhân viên tang lễ nhanh chóng có mặt trên xe cấp cứu và rút ống thở khỏi cơ thể bà K. vào lúc 6 giờ sáng. Chính nhân viên tang lễ nhớ lại: khi đó bà K. còn co giật thêm vài lần rồi mới ra đi.

Chị B. thông tin khi biết người này không phải là nhân viên y tế, gia đình vô cùng hốt hoảng. "Không phải nhân viên y tế sao lại đi theo xe cấp cứu và dám rút ống thở bệnh nhân? Lỡ bệnh nhân vẫn còn cứu được thì sao? Làm sao biết người nhà mình đã mất hay còn sống? Lẽ nào, gia đình đã quá vội vàng...?". Những suy nghĩ này đã ám ảnh chị B. và mẹ ruột của chị suốt gần 7 tháng trời.

Trao đổi với chị B., bác sĩ Trần Văn Sóng khẳng định bà ngoại của chị đã ở trong tình trạng không thể cứu sống được nữa nên bác sĩ mới cho về: “Một ngày bệnh viện có khoảng 20 ca bệnh quá nặng nên gia đình xin về. Tình trạng nhồi máu cơ tim của bà K. rất nặng, có thể đột tử bất cứ lúc nào.

Bác sĩ căn cứ vào phản xạ, vào thời gian cấp cứu, huyết áp, đồng tử... để đưa ra kết luận về tình trạng tổn thương của bệnh nhân. Về lý thuyết, chừng 5 phút cấp cứu nhưng không phát hiện có nhịp tim nữa thì bệnh nhân đã có tổn thương não, tiên lượng không qua khỏi. Bóp bóng là để duy trì thêm nhịp tim khi đưa bệnh nhân về nhà”.

Về nhận định bà K. đã chết não, bác sĩ Trần Văn Sóng cho rằng đây là cách giải thích một cách dễ hiểu của bác sĩ, giống như tình trạng giãn đồng tử thường được người dân nói là “đứng tròng”. Trường hợp nếu bác sĩ muốn khẳng định bệnh nhân chết não thì phải có kết quả điện não đồ; thậm chí phải qua hội đồng khoa học của bệnh viện.

Cổng cấp cứu Bệnh viện nhân dân 115
Cổng cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115

Vì sao bà L.L.K. bị nhồi máu cơ tim, đã được đưa vào cấp cứu sớm trong 12 giờ vàng của nhồi máu cơ tim và trải qua đến 2 bệnh viện nhưng vẫn tử vong? Vì sao suốt thời gian ở Bệnh viện Nhân dân 115 từ lúc 14 giờ ngày 18/4 đến 4 giờ ngày 19/4, các bác sĩ không thực hiện can thiệp tim mạch cho bà K mà chỉ cho uống thuốc và theo dõi 6 giờ một lần dù đây là tình trạng khẩn cấp? Điều này liệu có hợp lý?

Trả lời vấn đề này, bác sĩ Phạm Đức Đạt – Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết bà K. được chẩn đoán hôn mê sau ngưng hô hấp tuần hoàn; nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh lên; tăng huyết áp; suy tim; bệnh thận mạn giai đoạn IV; rối loạn lipid máu; nhiễm trùng đường mật; tăng men gan; lão suy.

"Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh nặng, tiên lượng là đột tử chứ không chắc chắn là đột tử. Với bệnh nhân lớn tuổi, thận yếu, nếu chụp chiếu dùng thuốc cản quang thì có khi làm tình trạng xấu hơn, không kiểm soát được nữa. Do đó, bệnh nhân được vào phòng theo dõi của khoa với chế độ theo dõi 6 giờ một lần, với chiến lược điều trị dùng thuốc và theo dõi là hợp lý", bác sĩ Đạt lý giải.

Theo bác sĩ Đạt, với tình trạng nhồi máu cơ tim thể ST không chênh lên, bác sĩ tiên lượng dựa trên yếu tố nguy cơ; còn với tình trạng nhồi máu cơ tim thể ST chênh lên mới tính đến giờ vàng cấp cứu.

Kết thúc buổi làm việc, bác sĩ Trần Văn Sóng – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định với chị L.T.B. rằng các bác sĩ làm đúng chuyên môn và quy trình cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, cách tư vấn giải thích cho người nhà chưa tốt, dẫn đến bức xúc.

Đúng ra, bác sĩ dù bận đến mấy cũng phải giải thích kỹ lưỡng cho gia đình. Trước phản ánh của chị L.T.B. là không hề được bác sĩ cấp cứu giải thích bệnh của bà ngoại, lãnh đạo Bệnh viện nhân dân 115 cho biêt đã yêu cầu khoa Cấp cứu  rút kinh nghiệm về điều này.

Loại thuốc được bác sĩ Bệnh viện nhân dân 115 chỉ định cho bà K. dùng sau khi xác định bà bị nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh lên.
Loại thuốc được bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ định cho bà K. dùng sau khi xác định bà bị nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh lên.

 

Một bác sĩ về can thiệp tim mạch cho biết tắc van tim khác hoàn toàn so với nhồi máu cơ tim. Tắc van tim thường dùng để chỉ tắc van tim nhân tạo, còn nhồi máu cơ tim là do tắc động mạch vành nuôi tim. Nếu không can thiệp sớm, cơ tim thiếu máu nuôi sẽ bị chết đi.

Phương án tối ưu khi xử lý trường hợp nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh lên là nong động mạch tim dựa trên DSA. Tuy nhiên, việc can thiệp hay không lại tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, dựa trên tình trạng sức khỏe bệnh nhân, như tuổi tác, bệnh lý nền...

Dù là dùng cách nào, bác sĩ cũng phải tư vấn cặn kẽ cho người nhà vì đây là tình trạng bệnh lý nặng, nguy cơ đột tử cao. Nếu có điều kiện, bệnh viện nên theo dõi tình trạng nhồi máu cơ tim của bệnh nhân bằng màn hình monitor.

Trong trường hợp, bệnh nhân được chỉ định theo dõi 6 giờ một lần, có nghĩa là cứ 6 giờ, sẽ có thăm khám, đo điện tim. Còn đương nhiên, nhân viên y tế van phải liên tục quan sát theo dõi để phát hiện sớm nếu bệnh diễn tiến xấu.

Hiếu Nguyễn

 

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • H.Liu 21-11-2020 05:47:09

    Thật ra việc bs giải thích rõ cho ng thân về tình trạng của ng bệnh là cần thiết... Khiến gd ng bệnh hoang mang ray rứt mà chỉ rút kinh nghiệm mà ko phải kiểm điểm... Nghe sao thấy vô trách nhiệm và muốn cho qua chuyện thôi á... Mong các bs suy nghĩ lại ... Mệnh sống ng bệnh trong tay các bác, gd ng bệnh chỉ có thể nhờ và tin cậy các bác nên các bác giải thích cặn kẽ cho gd ng thân là cần thiết đấy ạ...

  • LÝ THỤC BÌNH 20-11-2020 17:19:17

    "Trong khoảnh khắc họ sắp lìa xa trần thế, khi mọi biện pháp đã cạn kiệt, bạn hãy cố gắng để họ thoải mái trong giây phút cuối cùng. Bởi vì chẳng ai đáng phải chết một mình, nhưng tiếc là gia đình không được ở bên giường bệnh cùng họ. Đó là một điều thực sự khó khăn nhưng lại đang diễn ra trên khắp đất nước của chúng ta".

  • Linh Ngô 20-11-2020 15:33:06

    Đọc mà đau lòng! Chỉ vì sự từ tốn, không giải thích rõ ràng của bác sỹ và điều dưỡng trong giai đoạn bệnh nhân thập tử nhất sinh nên gia đình mới bức xúc, sau đó lãnh đạo bệnh viện lại "Yêu cầu khoa Cấp cứu rút kinh nghiệm về điều này". Nếu vô bệnh viện mà được bác sỹ... hợp tác tốt, giải thích rõ với gia đình bệnh nhân thì sẽ không có nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI