Người nghi nhiễm Covid-19 nếu không đi khám hoặc bỏ trốn sẽ bị xử lý thế nào?

16/02/2020 - 12:02

PNO - Một người nếu nghi ngờ nhiễm virus corona chủng mới (tên gọi mới là Covid-19) mà không đi khám, hoặc trốn điều trị không chỉ làm người thân, cộng đồng lây nhiễm mà còn bị phạt tiền nếu che giấu.

Những ngày qua, thông tin người bị nghi ngờ nhiễm chủng virus corona mới (Covid-19) đang được cách ly, theo dõi, xét nghiệm nhưng tự ý rời khỏi bệnh viện khiến người dân hoang mang, lo sợ người này có thể lây bệnh ra cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho hay, các ca bệnh nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 đều được giám sát, theo dõi chặt chẽ về mặt sức khỏe ở các bệnh viện. Trong trường hợp cần thiết, nếu người bệnh không hợp tác điều trị cách ly, các cơ sở y tế sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, áp dụng biện pháp cưỡng chế điều trị. Nếu bệnh nhân cố tình chống đối, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các hình thức xử lý theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.  

Người bị nghi ngờ nhiễm virus corona nếu không hợp tác điều trị có thể lây bệnh cho người thân, cộng đồng và bị phạt nặng.
Người bị nghi ngờ nhiễm virus corona chủng mới nếu không hợp tác điều trị có thể lây bệnh cho người thân, cộng đồng và bị phạt nặng.

Về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, việc tự nguyện khám bệnh, cách ly khi nghi ngờ bản thân mắc Covid-19 là trách nhiệm của mỗi người dân. Trốn viện, không chỉ khiến bản thân rơi vào nguy hiểm mà còn làm lây lan bệnh cho người thân, gia đình và cộng đồng.

Nếu một người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, sẽ bị phạt cảnh cáo đến 10.000.000 đồng.

Cụ thể, một người không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như bệnh cúm A/H5N1, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh… sẽ bị phạt cảnh cáo đến 500.000 đồng. Nếu che giấu bệnh của mình hoặc người khác, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Trường hợp, khi cơ quan chức năng đã công bố có dịch, người bệnh cố tình che giấu bệnh của mình hoặc của người khác, không thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng; phạt từ 2-5 triệu đồng nếu từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tự nguyện đến bệnh viện, hợp tác điều trị, cách ly là trách nhiệm của mọi người trước dịch bệnh.
Tự nguyện đến bệnh viện, hợp tác điều trị, cách ly là trách nhiệm của mọi người trước dịch bệnh.

Luật sư Hùng nói thêm: “Khi bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, biện pháp phòng dịch đầu tiên là cách ly y tế, khoanh vùng dập dịch. Người nào không tuân thủ quy định sẽ bị cưỡng chế cách ly và bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 176”.

Ngoài ra, với những người sử dụng mạng xã hội để đăng tin, hình ảnh bịa đặt nhằm câu “view”, câu “like” gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nhà nước, làm hoang mang trong cộng đồng, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… nhằm thu lợi bất chính, tùy theo mức độ nghiêm trọng mà có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI