Đề xuất người live stream không xác thực danh tính sẽ không được bán hàng

28/07/2025 - 20:30

PNO - Việc live stream bán hàng chỉ được thực hiện sau khi nội dung quảng cáo được xác nhận, đồng thời nhà bán hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu chứng minh. Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Thương mại điện tử (sửa đổi), tổ chức ngày 28/7.

Theo bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - thực trạng lợi dụng nền tảng mạng xã hội và hình thức live stream (phát sóng trực tiếp) bán hàng để phân phối hàng hóa vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng diễn ra ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Dự thảo Luật đưa ra nhiều nội dung cụ thể về trách nhiệm của nền tảng thương mại điện tử và hoạt động livestream bán hàng
Dự thảo luật đưa ra nhiều nội dung cụ thể về trách nhiệm của nền tảng thương mại điện tử và hoạt động live stream bán hàng

Bà cho biết, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt từ các nền tảng không có hiện diện pháp lý tại Việt Nam, cũng đặt ra những thách thức lớn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử là yêu cầu tất yếu, cấp bách, có ý nghĩa chiến lược.

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dự thảo luật đưa ra nhiều nội dung cụ thể về trách nhiệm của nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, các nền tảng phải công khai thông tin về chủ sở hữu, người bán, điều kiện giao dịch, sản phẩm dịch vụ. Đồng thời thực hiện định danh người bán, rà soát, xử lý và gỡ bỏ các nội dung vi phạm, lưu trữ thông tin và báo cáo trực tuyến định kỳ.

Đặc biệt, đối với các mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử (như Facebook), dự thảo yêu cầu phải phân loại tài khoản người bán, hiển thị dấu hiệu nhận diện rõ ràng và tách biệt mục thương mại điện tử, đồng thời có công cụ xác nhận nội dung hợp đồng khi giao dịch qua các tính năng liên lạc trực tuyến.

Dự thảo cũng yêu cầu các siêu ứng dụng chỉ tích hợp các nền tảng thương mại điện tử hợp pháp, đồng thời không được yêu cầu đối tác sử dụng dịch vụ như điều kiện bắt buộc để tích hợp, cũng như không được hạn chế hợp tác với nền tảng khác hay cản trở giao dịch trực tiếp với khách hàng bên ngoài.

Đối với hình thức live stream bán hàng và tiếp thị liên kết, nhà bán hàng cần cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ cũng như tài liệu chứng minh điều kiện kinh doanh đối với các hàng hóa thuộc diện quản lý. Việc live stream bán hàng chỉ được thực hiện sau khi nội dung quảng cáo được xác nhận theo quy định.

Ngoài ra, người live stream phải xác thực danh tính, không được cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn. Đồng thời tuân thủ nội dung quảng cáo đã được xác nhận và sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, hành vi phù hợp.

Ngày 10/7/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật Thương mại điện tử vào chương trình xây dựng luật năm 2025. Luật hướng đến hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số, kiểm soát hàng cấm, bảo vệ người tiêu dùng và hướng tới phát triển bền vững, phù hợp các Nghị quyết 57-NQ/TW, 59-NQ/TW và 68-NQ/TW. Dự thảo luật đang được xây dựng song song với nghị định hướng dẫn thi hành, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Ngọc Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI