Người dân lên tiếng về bất cập trong chính sách nhà ở xã hội

14/09/2014 - 12:10

PNO - PNO - Sau khi Phụ Nữ Online đăng loạt bài “Biến tướng nhà ở xã hội tại TP.HCM”, nhiều bạn đọc đã bình luận dưới các bài viết với các góc nhìn trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước nên xem lại chính sách, để...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguoi dan len tieng ve bat cap trong chinh sach nha o xa hoi

Chung cư Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM. Nguồn ảnh: batdongsan.com.vn

Thu hồi nếu không có nhu cầu ở

Một luồng ý kiến cho rằng “mang cho thuê nghĩa là không có nhu cầu ở”, như ý kiến của bạn Minh Phong: “Không thể chấp nhận được, mang cho thuê đồng nghĩa với việc anh không có nhu cầu ở, đề nghị thu hồi lại nhà”.

Bạn đọc Bùi Thị Tuyết Hương đồng quan điểm: “Lỗi đầu tiên ở ông Nhà nước, giải quyết nhà xã hội cho thuê mua không đúng đối tượng thật sự có nhu cầu để ở, nên người ta làm chuyện khác để có thêm thu nhập là điều không tránh khỏi”.

Bạn đọc Duy Anh có căn hộ trong chung cư Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) bình luận: “Tôi luôn đồng ý với ý kiến của nhà báo trong bài viết này. Trên thực tế, nhu cầu ở thật sự rất ít, nếu tính 103 hộ thì hiện tại có đến 80 hộ không ở hoặc đang cho thuê mà cho cả người nước ngoài thuê. Vì tôi cũng đang ở đó nên tôi biết. An ninh nếu như vậy rất phức tạp, đã xảy ra tình trạng mất trộm cắp ngay tại bãi xe tầng hầm (tháo các thiết bị xe tay ga, xe SH). Rất mong các ban ngành sớm vào cuộc để mọi việc được rõ ràng, cần thiết thu hồi các căn nhà không có nhu cầu để giao cho cán bộ khác, như vậy mới công bằng và mang tính chất nghiêm minh đối với những hành vi lợi dụng”.

Chủ hộ không cho thuê, lấy đâu ra tiền trả Nhà nước?

Cấm mua bán, cho thuê nhà ở xã hội

Theo quyết định 86/2008/QĐ của UBND TP.HCM về quản lý và sử dụng NƠXH trên địa bàn TP.HCM, NƠXH là nhà do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng theo cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho NƠXH, dùng để bố trí cho các đối tượng là: cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân… đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở.

Trong đó, CC Tô Hiến Thành được xây dựng trên đất công. Nguồn vốn xây dựng của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Tức là, có một phần nguồn vốn của Nhà nước. Vì vậy, đối tượng được tham gia mua NƠXH được xét chọn rất nghiêm ngặt.

Trong đó, tiêu chí ưu tiên hàng đầu là có nhu cầu bức thiết về chỗ ở: chưa có nhà ở, mới lập gia đình, diện tích nhà ở bình quân quá thấp; có thành tích xuất sắc trong lao động; được Nhà nước phong tặng huân, huy chương hoặc các danh hiệu cao quý khác; là chuyên viên cao cấp hoặc giữ chức vụ chủ chốt tại đơn vị công tác; là cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học trở lên; công nhân có tay nghề từ bậc năm trở lên…

Do đó, người thuê, thuê mua NƠXH không được tự ý bán hoặc chuyển quyền thuê cho người khác mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Xây dựng. Trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi NƠXH.

Trái với luồng ý kiến trên, một luồng ý kiến khác, đông đảo hơn, chỉ ra nhiều bất cập về chính sách cho thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH).

Ý kiến của bạn đọc Đức Nam nhận được nhiều lời tán đồng. Đức Nam viết: “Tôi nghĩ chỉ có ở Việt Nam mới có chính sách bắt buộc vô lý như vậy. Khi đã giao nhà cho người đã được xét duyệt thì đồng nghĩa rằng nhà của người ta, thì họ có quyền, chỉ có điều không làm điều gì trái với pháp luật là được. Ở đây, người được cấp nhà là thuê mua, đóng 20% tiền ban đầu và đóng trả góp hàng tháng chứ đâu phải là Nhà nước cấp cho không đâu mà ràng buộc vô lý.

Theo ý kiến của tôi, tôi rất trân trọng và biết ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố đã tạo điều kiên xét duyệt. Như đã nói ở trên, thử hỏi lương của cán bộ công chức mỗi tháng là bao nhiêu? Trong khi đó, họ phải trả tiền thuê nhà hàng tháng từ 6 - 8 triệu đồng; ngoài ra còn vợ, chồng, con nhỏ, đủ mọi khoản chi tiêu. Tôi nghỉ việc cho thuê là hợp lý vì có nhiều lý do: 1. Chủ nhà chưa có điều kiện về ở ngay, trong khi đó phải đóng tiền hàng tháng. 2. Tôi thuê nhà ở bên ngoài giá chỉ bằng 1/3, như vậy cái gánh nặng để trả tiền hàng tháng sẽ đỡ vất vả hơn.

Còn theo bạn, bạn nói thu hồi lại để cho bạn vào ở, thì tôi nghĩ nếu bạn là công chức với mức lương hàng tháng và số tiền trả phí thuê mua hàng tháng hơn 7 triệu đồng, bạn cũng như tôi vậy thôi”.

Bạn đọc Tấn Tài cho rằng, báo cần đề cập đến giá tiền thuê mua căn hộ mà người được xét duyệt phải trả hàng tháng. Theo Tài, trung bình mỗi tháng phải trả cho Nhà nước khoảng 7 triệu đồng thì với lương công chức, không thể chịu nổi.

Bạn Luca Đỗ đồng tình với ý kiến của Đức Nam và cho rằng tác giả bài viết chưa suy xét hết thực tế đời sống của những người công chức sống chân chính bằng đồng lương.

Câu chuyện dài về thực tế người mua NOXH

Bạn Văn Nhân kể câu chuyện khá dài về một trường hợp được giải quyết mua NOXH tại chung cư Tô Hiến Thành:

-Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Đức Nam. Tôi có một người bạn thân hiện đang sống tại chung cư này, anh công tác trong lực lượng vũ trang, lương hàng tháng khoảng 7.540.000 đồng, vợ là giáo viên và 2 con nhỏ, đứa đang học lớp 2, đứa thì được 4 tháng tuổi.

Hai vợ chồng từ dưới quê lên thành phố, gia đình 2 bên đều làm nông, không nghèo nhưng cũng chẳng khá giả. Từ khi cưới xong, hầu như 2 vợ chồng phải tự lực, gia đình 2 bên không giúp được gì nhiều.

Anh kể với tôi, từ khi nghe tin được nằm trong danh sách xét duyệt cho thuê mua nhà, 2 vợ chồng ăn ngủ không yên, mừng vui khôn tả. Nhưng khi nhận được nhà thì thủ tục đầu tiên là đóng trước 20% giá trị căn hộ, khoảng 150 triệu đồng, 80% còn lại trả trong 10 năm với lãi suất cố định là 6%/năm. Tính sơ sơ thì căn hộ từ giá trị ban đầu 650 triệu, sau 10 năm thì lên đến hơn 900 triệu đồng.

Cần xem lại chính sách

Hai vợ chồng làm việc Nhà nước, khi được suất mua NƠXH, trước tiên phải vay mượn hơn trăm triệu đóng 20%. Sau đó, hàng tháng đóng tiền thuê mua 7 triệu. Lương thì tổng của 2 vợ chồng được 12 triệu, đóng tiền học cho 2 con nhỏ gần 4 triệu, còn lại khoảng 1 triệu để lo chi phí sinh hoat của gia đình trong một tháng...

Có nhà mới rộng rãi, vị trí lại thuận lợi, sao họ không vào ở, mà lại chấp nhận ở trọ hay ở cùng cha mẹ?. Theo tôi, họ có lý do riêng (như bài toán trên, thậm chí có con nhỏ không ai trông giúp khi đi công tác).

Họ thật sự cần nhà ở, nhưng trước tiên, cần lo cho cuộc sống trước, nên mới cho thuê, lấy tiền trả cho Nhà nước, 10 năm sau thì được nhà. Chứ đồng lương Nhà nước thì cả đời không có được nhà (nếu sống liêm khiết).

Nhà nước mình nên điều chỉnh quy định lại cho hợp lý, phù hợp với thực tế lương của CBCC hơn.

Phan Tiến Triển

Việc xây nhà ở xã hội là chính sách mang tính nhân văn của Nhà nước, công chức thuê mua mà số tiền trả thuê bằng đúng số lương của họ, tới tháng lãnh lương của Nhà nước rồi lại trả cho Nhà nước, thử hỏi trong tháng đó họ lấy gì mà sống? Sống trong căn hộ đẹp mà không có tiền thì sống sao được?

Đúng là nhiều người có nhu cầu NƠXH, người ngoài cuộc thấy việc cho người khác thuê thì trách, nhưng cho tôi hỏi, nếu bạn cũng là công chức thì bạn sống bằng lương hay bằng thu nhập gi? Nếu bằng lương thì mỗi tháng bạn thu nhập được trên chục triệu sao? Nếu như vậy thì bạn mới có dư vì mỗi tháng bạn phải đóng 7 triệu.

Tôi nghĩ bài báo nên nói rõ là đây là nhà ở của Nhà nước cho thuê mua và phải trả phí chứ không phải cấp cho không và không tính tiền.

Anh Tuấn

Mỗi tháng, anh phải đóng số tiền cố định khoảng 7 triệu đồng cho đến 10 năm sau. Khi được gọi lên nhận nhà, anh không biết xoay đâu ra tiền đề trả 20% đầu tiên, tìm đến gói 30.000 tỉ thì ngân hàng trả lời không được vì tại thời điểm này (tháng 09/2013), ngân hàng không chấp nhận thế chấp căn hộ và thủ tục vay khác thì rườm rà. 2 vợ chồng đành mượn bạn bè mỗi người một ít, vay chỗ này chỗ kia cũng vừa đủ số tiền. Khi 2 vợ chồng bước chân vào căn nhà thì phía sau lưng họ là một khoản tiền lớn cần phải trả.

Có người nghĩ, đối với họ, số tiền trên là ít nhưng đối với những người làm công ăn lương như chúng tôi thì nó quả là không nhỏ. Lương của anh hàng tháng chỉ đủ để đóng tiền thuê nhà, có chăng thì dư được vài trăm nghìn đủ để tiền xăng xe; vợ thì lương giáo viên ba cọc ba đồng, giờ thì đang nghỉ thai sản, thêm đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn thì càng vất vả hơn.

Tôi nói ra những điều này không phải để các bạn cảm thấy thương cho bạn của tôi, nhưng ở đây tôi muốn nói các chính sách hỗ trợ của Nhà nước có nhiều bất cập. Ví dụ, trước khi bạn tôi nhận nhà thì Sở Xây dựng TP.HCM có tổ chức nhiều buổi gặp mặt để mọi người đóng góp ý kiến. Một vị lãnh đạo đã có nói lãi suất 6% là lãi suất thấp nhất tại thời điểm này và sau này nếu Nhà nước điều chỉnh thì có thể giảm thêm. Theo đó, tại thời điểm tôi đang viết bình luận này thì có rất nhiều chung cư dành cho người có thu nhập thấp, và có rất nhiều chính sách ưu đãi như: được vay gói 30.000 tỉ, lãi suất 5%/ năm, nhưng điều đặc biệt là 80% còn lại sẽ trả theo lãi suất giảm dần, vì bạn đã trả tiền hàng tháng .

Tôi đồng ý với bài báo là những người cho thuê căn hộ đã sai vì họ "không được quyền làm trái quy định của Nhà nước". Nhưng khi xem xét một vấn đề thì đừng nên cứ nhìn chằm chằm vào mặt tiêu cực. Đâu đó vẫn còn có nỗi khổ tâm riêng, không phải ai cũng biết và chia sẻ. Tôi không nghĩ những người vi phạm sẽ bị thu hồi căn hộ vì họ đã làm sai, chỉ mong các cấp lãnh đạo có cái nhìn thấu đáo mọi việc, giải quết có tình có lý, và nên xem lại và có thể nên điều chỉnh các chính sách hỗ trợ để căn chung cư mang tiếng là nhà ở xã hội thì nó phải có cái gì đó được quan tâm đúng mức.

Cứ như bạn tôi thì thà thuê nhà bên ngoài 2 triệu đ/ tháng còn hơn, vẫn tiết kiệm được ít tiền mua sữa cho con. Qua đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn tác giả của bài báo đã có những phản ánh. Hi vọng các cấp lãnh đạo sẽ vào cuộc. Nưng trước khi ra quyết định thu hồi hay nhắc nhở những người cho thuê thì nên soi lại mình, chính sách của mình đưa ra đã phù hợp với tình hình thực tế hôm nay chưa? Có những gì cần điều chỉnh ngay?

Mọi việc nên có tình có lý và tôi biết một điều, những người làm lãnh đạo của các sở ngành thành phố sẽ hiểu rất rõ nỗi khổ của những người làm công ăn lương khác, vì họ cũng là những người như vậy.

Ngọc Hồ tổng hợp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI