"Người dân được lợi gì khi lập thành phố Thủ Đức?"

06/10/2020 - 11:56

PNO - Đó là vấn đề được người dân đặt ra trong buổi tiếp xúc cử tri quận 9 của Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, sáng 6/10.

Tổ đại biểu tham gia buổi tiếp xúc cử tri gồm: ông Nguyễn Như Khuê, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và bà Trịnh Ngọc Thúy. 

Cử tri Nguyễn Thị Dung, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 cho rằng chính quyền quận Thủ Đức làm rất bài bản nghiêm túc, người dân được phát phiếu và đi bỏ phiếu  giống như đi bầu cử. Trong khi ở quận 9, người dân chỉ được tổ dân phố phát phiếu bầu để ghi ý kiến, rồi thu lại phiếu.

“Thậm chí một số khu vực ở quận 9, người dân đã không được lấy ý kiến. Tôi lấy ví dụ chung cư Safira (454 Võ Chí Công, phường Phú Hữu, quận 9) - nơi con trai tôi ở - cư dân ở đó đã không được lấy ý kiến. Tôi đề nghị Tổ đại biểu Quốc hội kiểm tra và giám sát vấn đề này”.

Cử tri Nguyễn Thị Dung, phường  Tăng Nhơn Phú A, quận 9
Cử tri Nguyễn Thị Dung, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 

Cử tri Nguyễn Thị Dung cho rằng, đã có nhiều ý kiến của các cấp lãnh đạo thành phố về sự cần thiết cũng như những triển vọng, tương lai của việc sáp nhập, thành lập thành phố. Tuy nhiên trong các ý kiến đó, dân chưa thấy nêu được sự khác biệt căn bản về việc thành lập một thành phố trong thành phố. Cụ thể sự khác biệt đó là gì? Thành phố trong thành phố có ưu việt gì cho việc thu hút đầu tư cũng như tạo cơ hội cho các quận 2, 9, Thủ Đức trong tương lai, người dân được lợi gì? Để tạo được sự đồng thuận, nhất trí đối với người dân thì các cấp lãnh đạo cần phải làm rõ điều này, còn nếu chỉ sáp nhập cơ học về mặt địa bàn, dân số, chính quyền... thì cũng chỉ giống như "bình mới, rượu cũ" mà thôi.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 9 sáng 6/10/2020
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 9 sáng 6/10/2020

Cử tri Lê Thanh Tùng, phường Tân Phú, quận 9 thì hoàn toàn đồng ý về sự thành lập thành phố Thủ Đức nhưng cũng cho rằng cần tuyên truyền nhiều hơn về lợi ích thiết thực cho dân như về giấy tờ tùy thân, giấy tờ nhà đất, hộ khẩu... có bị ảnh hưởng khi sáp nhập không. Trong mẫu lấy ý kiến về thành phố Thủ Đức, phần ý kiến khác chỉ có 2 dòng thì quá ít, không đủ để dân bày tỏ quan điểm, nên dành hẳn một trang giấy cho người dân.

Cử tri Lê Thanh Tùng, quận 9
Cử tri Lê Thanh Tùng, quận 9

Ông Lê Thanh Tùng cũng cho rằng TPHCM phải có quy hoạch tổng thể về thành phố Thủ Đức tầm nhìn đến 30 năm sau. “TPHCM cần mạnh dạn giải tỏa đền bù để chỉnh trang bộ mặt đô thị. Muốn vậy phải dành riêng quỹ đất cho tái định cư. Cần phải ngăn chặn các đại gia bất động sản đón đầu, thâu tóm đất đai trong đô thị. Phải để dành đất đó cho nhà nước phát triển các công trình, dự án văn minh. Như ở Đà Nẵng, 70% dân bị giải tỏa nhưng khiếu nại rất ít vì họ đảm bảo công bằng cho dân. Ai muốn ra mặt tiền đường khi giải tỏa thì phải bỏ thêm tiền”.

Cử tri Lê Thanh Tùng cũng đề nghị lãnh đạo TPHCM bố trí cán bộ trẻ, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm về quản lý thành phố Thủ Đức.

Tiếp nhận ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị các cơ quan có liên quan nên có nhiều thông tin hơn về đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Đề án này cũng đang được TPHCM hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét.

Về cách thu thập ý kiến người dân, ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 khẳng định, quận thực hiện theo Nghị định 54/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đã được hướng dẫn và tập huấn, không phải là tự sáng tạo ra cách làm. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ có một phiếu ghi tên danh sách cử tri của hộ, chứ không phải một cử tri một phiếu. Đây cũng chỉ là lấy ý kiến chứ không phải bầu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân. Hiện tại, toàn bộ phiếu lấy ý kiến đã được niêm phong.

Ông Trần Văn Bảy khẳng định việc lấy ý kiến người dân quận 9 hoàn toàn chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục.

Hiếu Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI