Người có triệu chứng “hậu COVID-19” đang có xu hướng gia tăng

11/02/2022 - 16:33

PNO - Lường trước thực trạng trên, Sở Y tế TPHCM trình kế hoạch triển khai hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân “hậu COVID-19”, bước đầu các đơn vị đã hưởng ứng.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 11/2, bác sĩ Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 - cho biết, bên cạnh tiếp tục tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, gần đây bệnh viện cũng đã tiếp nhận, điều trị cho nhiều ca bệnh gặp các triệu chứng “hậu COVID-19”.

Di chứng “hậu COVID-19” là vấn đề đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo và cũng đang được ngành y tế Việt Nam quan tâm khi rất nhiều người bệnh sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 gặp các triệu chứng về hô hấp, thần kinh, tim mạch, nội tiết như khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, đuối sức, giảm khả năng đi lại, khó tập trung suy nghĩ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày…

 

Kỹ thuật viên Phòng khám “hậu COVID-19” Bệnh viện Gia An 115 tập đứng, kết hợp thở cho người bệnh “hậu COVID-19”. Ảnh: QN
Kỹ thuật viên phòng khám “hậu COVID-19” Bệnh viện Gia An 115 tập đứng, kết hợp thở cho người bệnh “hậu COVID-19” - Ảnh: QN

“Các bệnh nhân cần được bác sĩ vật lý trị liệu - phục hồi chức năng hướng dẫn các bài tập hô hấp, vận động phù hợp, điều trị rối loạn giấc ngủ để cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, số lượng người bệnh đến bệnh viện chúng tôi để khám do các triệu chứng “hậu COVID-19” đang có xu hướng tăng. Từ thực tế này cùng với hưởng ứng khuyến cáo và mục tiêu của Sở Y tế TPHCM, chúng tôi quyết định triển khai phòng khám “hậu COVID-19” tại bệnh viện để phục vụ nhu cầu của những người bệnh đặc biệt này”, bác sĩ Long nói.

Thăm khám và chăm sóc sức khỏe F0 mắc hội chứng “hậu COVID-19” đã được Sở Y tế TPHCM xếp vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế thành phố trong năm 2022. Theo Sở, Việt Nam có gần 2% dân số mắc COVID-19 nhưng chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ trong cộng đồng về tình hình sức khỏe của người dân sau giai đoạn mắc COVID-19.

Tại TPHCM, đến nay đã có hơn nửa triệu người mắc COVID-19 và hơn 300.000 người đã xuất viện. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần triển khai ngay các hoạt động tầm soát, phát hiện sớm và chăm sóc điều trị hiệu quả “hậu COVID-19” nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội.

Trong tháng 1 vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng và trình kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân “hậu COVID-19”. Mục tiêu của kế hoạch là phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn “hậu COVID-19”, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TPHCM.

Sở Y tế thành phố cũng cho biết sẽ xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân “hậu COVID-19”. Phát triển nền tảng số về dữ liệu sức khỏe, chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc người dân “hậu COVID-19”. Sở đặt mục tiêu thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho người “hậu COVID-19” và tăng cường truyền thông về chiến dịch bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn “hậu COVID-19”…

Trước đó, Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp cũng đã trở thành trạm y tế điểm thứ 3 trên địa bàn quận chính thức đi vào hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Người dân trên địa bàn phường được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và cấp cứu ban đầu ngay tại trạm. Đây cũng là mô hình trạm y tế đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân “hậu COVID-19”.

Đối với các cơ sở y tế tham gia chăm sóc, điều trị “hậu COVID-19”, Sở Y tế thành phố chỉ đạo phải tuân thủ tuyệt đối 3 nguyên tắc: không lạm dụng xét nghiệm tràn lan, đồng thời, không hạn chế quyền lợi chính đáng, cần thiết của người bệnh và nếu bệnh nhân có BHYT thì đơn vị phải thực hiện đúng theo hướng dẫn thanh toán của BHXH Việt nam đối với người dân đến khám, chữa bệnh “hậu COVID-19”.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI