Thơ ca cất tiếng ngoài biên giới

24/07/2025 - 07:22

PNO - Thơ Việt đã có những cơ hội “mang chuông đi đánh xứ người” cũng như những cuộc giao lưu thi ca xuyên văn hóa để cất lên tiếng lòng chạm đến tâm hồn nhân loại.

Tiếng thơ từ trái tim

Sự kiện Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn năm 2025 vừa diễn ra tại Hội Nhà văn TPHCM. Đây là lần thứ ba các tác giả, tác phẩm của văn học 2 nước hội ngộ trong những giá trị của văn chương. Đại diện phía Hàn Quốc đến TPHCM giao lưu lần này là nhà thơ Ra Hee Duk (sinh năm 1966, giáo sư Khoa Sáng tác Văn học Đại học Khoa học và Công nghệ Seoul). Phía Việt Nam là nhà thơ Khánh Chi, Lê Thiếu Nhơn và dịch giả Hiền Nguyễn.

Sự kiện Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn năm 2025 vừa diễn ra tại TPHCM - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
Sự kiện Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn năm 2025 vừa diễn ra tại TPHCM - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM

Nhà thơ Ra Hee Duk đã xuất bản nhiều tác phẩm tại Hàn Quốc: Thơ và vật chất, Nhớ những ánh đèn kia, Nơi ấy không xa, Gửi đến cội rễ… Đến Việt Nam lần này, bà mang theo bài thơ Người khả dĩ như một đại diện cho tiếng nói và tâm hồn thi ca của mình. “Giữa le lói ánh đèn đom đóm/ Tôi sẽ viết về…/ Ánh sáng và bóng đêm - nơi ta chưa từng chạm/ Về những điều khắc khoải…/ Theo dòng mực cạn khô” (La Duy Tân dịch). Còn nhà thơ Khánh Chi chọn cảm xúc về tình yêu, với những vần thơ dạt dào: “Em yêu anh bằng tình yêu của dòng sông mang phù sa/ Ngọt ngào đắp bên lòng anh từng hạt nhỏ/ Âm thầm chở từng cô đơn không chia sẻ/ Xói vào lòng từng vạt lở bến bờ kia…” (Tình yêu người đàn bà).

Trong bài phát biểu khai mạc, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - nhìn nhận: “Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa mà văn học giữ vị trí quan trọng không chỉ nhằm cho các nhà văn, nhà thơ được gặp nhau, mà còn qua các tác phẩm, số phận con người - với vẻ đẹp tâm hồn hiện diện nơi tác phẩm - có thể đưa các quốc gia nhích lại gần nhau hơn và gặp gỡ nhau với những giá trị nhân văn”.

Buổi giao lưu đã tạo cơ hội cho nhà thơ 2 nước gặp gỡ, trao gửi những giá trị xuyên văn hóa. Nếu nhà thơ Khánh Chi cảm nhận thi ca Hàn Quốc như “những vạt lụa nhẹ mà dai dẳng cảm xúc” thì nhà thơ Ra Hee Duk chia sẻ rằng ở Việt Nam dường như “thơ không chỉ được viết mà còn được sống, được thốt lên từ những trái tim”.

Vẻ đẹp của tâm hồn và thân phận

Các sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn đã được tổ chức thường niên vài năm qua. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có buổi giao lưu dành riêng cho thơ ca. Trước đó, nhà thơ 2 quốc gia đã “gặp gỡ” nhau trong các tuyển thơ song ngữ: Cây tâm hồn (tập Một in năm 2019, tập Hai in năm 2022). Đây cũng là các tuyển thơ kết nối sâu sắc những giá trị thơ ca nói riêng và văn chương 2 nước nói chung.

Khi tập Một được phát hành, đoàn văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM đã có dịp đến giao lưu tại thành phố Daegu (Hàn Quốc). Và khi tập Hai ra mắt, người cầm bút ở TPHCM đã được đón tiếp những bạn viết đến từ xứ sở kim chi.

Các nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc từng “gặp nhau” trong tuyển tập thơ song ngữ Cây tâm hồn
Các nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc từng “gặp nhau” trong tuyển tập thơ song ngữ Cây tâm hồn

Với tập Một, tiếng thơ Việt cất lên là những thi cảm: “Bên dòng sông xòe tóc dài lồng lộng/ Tôi muốn làm một ngọn cỏ màu xanh…” (Hồ Thi Ca), “Cao hơn mọi khổ đau. Cao hơn nhiều hạnh phúc/ Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt/ Vẫn nhận mình thấp bé - Thản nhiên xanh…” (Trương Nam Hương)… Với tập Hai, tiếng thơ đã giao hòa trong cảm xúc chung khi cả thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19. “COVID-19/ che mặt lại và/ Ngay cả khi/ quay lưng đi/ hoa đua nở/ rực rỡ/ Hoa Mugunghwa/ đã nở rồi/ bạn có biết không?” (Bạn và tôi, Kim Young Ran).

Và nhà văn Bích Ngân đã viết bài thơ Nghiêng về phía nỗi đau từ đại dịch: “Trái đất cưu mang/ trái đất khước từ/ trái đất kéo căng/ trái đất xô lệch… Anh và em/ có kịp yêu thương/ có kịp tha thứ/ có kịp nắm tay nhau/ cho đến khi/ tóc không còn bạc hơn được nữa…”. Bài thơ này cũng đã được chị đọc trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa ASEAN - Trung Quốc 2025 (vừa diễn ra tại Quảng Tây, Trung Quốc). Nhà thơ Bích Ngân từng tâm sự: “Thơ là giọt lệ của nỗi niềm, một hình hài khác của giọt máu vắt ra từ trái tim nơi lồng ngực”. Chị đã mang “giọt lệ” ấy đến xứ người, như sẻ chia tiếng lòng từ trái tim thơ của một cây bút Việt Nam.

Dù vẫn chưa thể có nhiều cơ hội “mang chuông đi đánh xứ người” nhưng thơ Việt đã đôi lần được trao gửi giá trị cùng thế giới. Tác phẩm in song ngữ, phát hành bằng tiếng Anh, hay được ngân lên trong những sự kiện giao lưu văn học và văn hóa, sáng tác từ cảm xúc trên đất nước bạn… đều là dịp cho thơ được lan tỏa, cất cánh.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI