Nghe được những gì mẹ chồng nói xấu tôi với ba chồng, tim tôi như rỉ máu

11/03/2022 - 08:52

PNO - Nếu thật sự thương chồng, em hãy giúp cho anh ấy được nhìn thấy những người thân yêu của mình hòa thuận, tha thứ cho nhau.

Chi Hạnh Dung thân mến,

Em kết hôn với chồng người Hoa, sống ở nước ngoài. Trước khi đi đến hôn nhân, em tìm hiểu thấy gia đình anh cũng biết chuyện, đàng hoàng. Nhưng khi làm đám cưới ở Việt Nam, ba má chồng không qua tham dự, chỉ có mình chồng em.

Em định hủy hôn lễ, nhưng sát ngày cưới em nói với chồng em là em rất buồn vì ba mẹ anh không qua trong khi còn đầy đủ sức khỏe.

Sau khi cưới, em qua nhà chồng sinh sống. Hỡi ơi lúc đó mới biết mặt trái của má chồng em. Bà nói đủ thứ, chê trách chồng em không ra gì: nào là tệ hại nói không nghe, thay đổi tính tình...

Tết nhất mà có hai đứa cháu mồ côi chồng em cũng không nhớ tới, không lì xì. Má không nói với chồng em, lại đi nói với em, rồi khóc hu hu, lên cầu thang giậm chân đùng đùng. Em đâu có biết mọi thông tục trong gia đình anh như thế nào đâu mà má nói với em.

Rồi sau đó má điện thoại cho ba chồng. Hai người nói xấu em bằng tiếng Quảng đông. Lúc đó em không biết tiếng nhiều nên lấy điện thoại ghi âm lại. Rồi nhờ người dịch cho em nghe. Thật đau lòng những câu nói của má chồng em. Em cũng đưa đoạn ghi âm đó cho chồng em nghe.

Tụi em dọn ra ở riêng. Ba má chồng bảo ra riêng nhưng phải có trách nhiệm đưa tiền sinh hoạt điện nước, ăn uống hằng tháng. Ra ngoài thuê nhà ở được 5 năm, tết năm này má chồng kêu em về ăn cơm đoàn viên, em với má chồng không có mất lòng gì hết.

Chuyện cũ bỏ qua. Nhưng em không quên được những câu nói làm tim em như rỉ máu. May mà chồng em cũng hiểu cho em, nhưng đôi lúc thấy ảnh cũng trầm tư suy nghĩ.

Kim

Em Kim thân mến,

Thư em viết ngắt ngang nửa chừng, chắc là có những điều chưa thể kể hết. Nhưng Hạnh Dung tạm hiểu rằng em chỉ muốn nói ra tâm sự của mình cho nhẹ lòng, chứ những vấn đề của em chưa có gì là căng thẳng, không thể giải quyết, cần tư vấn để có những thay đổi lớn nào đó cho cuộc đời...

Ngẫm lại câu chuyện của em, so sánh với tâm sự của bao người, Hạnh Dung hy vọng rằng em cũng thấy mình chưa đến nỗi rơi vào tình huống bế tắc cùng kiệt. Em tuy làm dâu xứ người, nhưng lúc nào cũng có chồng bên cạnh, lắng nghe, chở che.

Việc chồng đưa em ra ngoài, thuê nhà sống, chấp nhận để mẹ cha trách móc... là một bằng chứng rằng, với chồng em, cuộc sống chung với em có ý nghĩa rất lớn với anh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyện đóng góp tiền cho cha mẹ cũng là điều không nên so kè quá, nếu kinh tế không quá gánh nặng. Con cái lớn lên, giúp được cha mẹ điều gì, nhất là khi nó chỉ là vật chất, để báo hiếu, thì cũng nên làm điều đó.

Về phần cha mẹ chồng, chị nghĩ là em bớt phần nhắc đi nhắc lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, với chính em và nhất là với chồng em. Oán hờn nên cởi chứ không nên buộc. Em càng buộc nó trong tâm trí, nó càng hành hạ chính em nhiều hơn, và hành hạ cả chồng em, người thương em hết mực như thế.

Chuyện va chạm với gia đình chồng, nhất là trong hoàn cảnh của em, không phải hiếm. Và nếu nói thật thì chị thấy cũng chưa có gì ghê gớm (em không kể những câu nói gì của mẹ chồng mà em nghe được, nên chị chỉ có thể luận đến thế).

Lời nói - dao đâm thì cũng có thật. Nhưng trong trường hợp em, dù sao đó cũng chỉ là những lời nói của người già, khi trách móc con cái, có khi cũng lỡ lời.

Ông bà mình có câu: "Cha mẹ đánh cửa trước thì luồn cửa sau mà về", chị thấy rất hay. Cha mẹ bao giờ cũng là cha mẹ. Hãy cho họ một chút quyền được sai, vì họ là người sinh ra ta, nuôi ta lớn lên và hy sinh rất nhiều cho ta. Họ cũng đã già rồi để suy nghĩ, phán quyết thông thoáng, nhanh nhạy hơn ta. Nhưng chắc chắn họ luôn thương yêu con cái.

Điều quan trọng hơn nữa, trong chuyện của em, là chính cha mẹ gọi vợ chồng em về, để ăn cơm đoàn viên. Là người lớn mà họ chịu xuống nước để kết nối lại, là điều không dễ trong nhiều gia đình. Em phải vui mừng về điều đó, mở lòng mình tiếp nhận những tín hiệu vui, để cuộc sống sau này được nhẹ nhõm hơn. 

Lúc này, chính em hãy cố buông mọi suy nghĩ theo chiều hướng đào sâu về quá khứ, nhắc đi nhắc lại những tủi hờn cũ. Đừng khiến chồng phải suy nghĩ nhiều hơn.

Tốt hơn nữa, nếu em trở thành cái cầu gắn kết giữa chồng và gia đình. Khi em làm điều gì đó tốt đẹp, cảm thấy mình bao dung, rộng lượng hơn, chắc chắn em sẽ thấy vui vẻ, nhẹ nhõm.

Chị nghĩ rằng, chồng em có trầm tư, không chỉ vì cha mẹ chồng đâu, mà trong đó có phần do anh ấy đau lòng vì sự oán giận của em với người thân của anh đấy. Nếu thật sự thương chồng, em hãy giúp anh ấy được nhìn thấy những người thân yêu của mình hòa thuận, tha thứ cho nhau. Đó là hạnh phúc lớn của người đàn ông đứng giữa cha mẹ và vợ.

Chúc em bình an.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI