Nghệ An: Trận lũ lịch sử khiến nhiều gia đình trắng tay

25/07/2025 - 07:29

PNO - Cơn bão số 3 (Wipha) gây ra trận lũ lịch sử càn quét qua các xã miền Tây Nghệ An, khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.

Nhiều bản làng ở xã Mỹ Lý tan hoang sau trận lũ - ẢNH: HẢI THƯỢNG
Nhiều bản làng ở xã Mỹ Lý tan hoang sau trận lũ - Ảnh: Hải Thượng

Bản làng xác xơ vì lũ quét

Những ngày qua, tỉnh Nghệ An hứng chịu đợt mưa rất lớn với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi lên tới 259mm. Nước lớn từ thượng nguồn dồn về gây lũ ống, lũ quét và ngập lụt nghiêm trọng ở các xã miền Tây Nghệ An.

Ôm đứa con 5 tháng tuổi vào lòng, chị Nguyễn Thị Đào - 28 tuổi, trú thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông - nói, lũ tràn về khiến gia đình chị trắng tay. Rạng sáng 23/7, nước sông Lam dâng rất nhanh, người dân chỉ kịp hô hoán, vớ vội một ít đồ đạc rồi chạy. Vợ chồng chị Đào cũng chỉ kịp ôm 3 con nhỏ đến nhà người quen tránh lũ. Đến sáng, trở lại thì thấy nhà mình đã đổ sụp xuống sông Lam. “Chúng tôi mất hết tất cả rồi” - chị Đào bật khóc.

Kế đó, nhà bà Phạm Thị Hải (60 tuổi) may mắn hơn khi chưa bị nước cuốn trôi, nhưng phần lớn tài sản bị nhấn chìm. Hơn nửa đời người sống bên dòng Lam, chưa bao giờ vợ chồng bà Hải thấy nước lũ lên nhanh như lần này. Bà kể, khi hàng xóm gọi nhau hỗ trợ những nhà ở dưới thấp bị nước tràn vào, vợ chồng bà đã tích cực hỗ trợ. Bà nghĩ, nhà mình ở trên cao, như mọi năm, nước không vào được.

Nhưng đến gần sáng thì vợ chồng bà phải chạy về để di dời tài sản. Những tài sản có giá trị đều được kê cao, nhưng kê lên tới đâu thì nước dâng lên tới đó. Khi nước dâng quá nửa nhà, vợ chồng bà đành “ôm” theo con heo mẹ chạy lũ, bất lực nhìn số tài sản còn lại bị chìm dần.

Trận lũ lịch sử “càn quét” khiến nhiều bản làng ở miền Tây Nghệ An tan hoang, hàng ngàn gia đình trắng tay khi nhà cửa bị cuốn trôi, đổ sập, tài sản bị nhấn chìm trong lũ. Tại xã biên giới Mỹ Lý, nước lũ từ thượng nguồn dồn về khiến toàn bộ 7 bản bên sông bị nhấn chìm, chia cắt.

Lãnh đạo UBND xã Mỹ Lý nói rằng, đây là trận lũ lịch sử được ghi nhận ở địa phương này. Sau khi lũ rút, những căn nhà sàn bên sông Nậm Nơn đã bị kéo sập; những cây cầu, con đường bị cuốn trôi, bản làng trở nên xác xơ. Thống kê sơ bộ, có ít nhất 231 ngôi nhà bị hư hỏng nghiêm trọng, trong đó 109 nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn.

Dồn lực giúp dân gượng dậy sau lũ

Đến sáng 24/7, nước lũ ở một số bản làng đã rút, để lại cảnh ngổn ngang, ngập ngụa bùn non và rác gỗ. Ông Phạm Viết Phúc - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý, tỉnh Nghệ An - cho biết, ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương và người dân bắt tay vào việc khắc phục hậu quả. Nhưng lực lượng tại chỗ mỏng, trong khi các lực lượng từ bên ngoài chưa thể vào khiến việc khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn.

“Người dân hiện đang rất cần nước sạch, thuốc men và một số nhu yếu phẩm, nhưng hiện từ bên ngoài vào rất khó, vì giao thông chia cắt” - ông Phúc nói.

Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu 4 - cho biết, đơn vị đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia cứu hộ, cứu nạn ở các xã miền Tây Nghệ An. Nhiều bản làng bị cô lập do ngập sâu, bộ đội phải sử dụng xuồng máy, cano tiếp tế nhu yếu phẩm cho dân.

Quân khu 4 sẽ tiếp tục duy trì lực lượng, theo dõi diễn biến thời tiết, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định lại cuộc sống với phương châm “nước rút tới đâu hỗ trợ người dân dọn dẹp tới đó”. Trước tình cảnh nhiều bản làng bị cô lập do cầu bị cuốn trôi, đường bị sạt lở, Bộ Quốc phòng cũng đã điều máy bay trực thăng vào Nghệ An vận chuyển hàng tiếp tế cho dân.

Chiều tối 23/7, Phó thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cùng đoàn công tác Trung ương đã về kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Nghệ An khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI