Nhiều đãi ngộ, vẫn vắng sinh viên
Từ năm 2020 đến nay, các ngành khoa học cơ bản như toán, vật lý, hóa học, sinh học và đặc biệt là nhóm ngành khoa học về Trái đất (địa chất, trắc địa, hải dương học) có điểm chuẩn chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn (16-19 điểm) nhưng tỉ lệ nhập học vẫn rất thấp.
Cụ thể, theo thống kê về kết quả tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, năm 2023, tỉ lệ sinh viên nhập học nhóm ngành này chỉ chiếm không tới 1%. Trong đó, các nhóm ngành khoa học tự nhiên, toán - thống kê cùng có tỉ lệ 0,50%; nhóm ngành khoa học sự sống có tỉ lệ 0,71%; nhóm ngành môi trường, bảo vệ môi trường có 0,89%. Trong khi đó, tỉ lệ chọn nhóm ngành kinh doanh và quản lý là 23,57%; nhóm ngành máy tính và công nghệ là 11,27%; nhóm ngành công nghệ kỹ thuật là 10,05%.
 |
Một tiết học của sinh viên Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - Ảnh: Nguyễn Loan |
Để thu hút người học vào những ngành có tỉ lệ sinh viên thấp, các trường đã đưa ra nhiều chính sách học bổng riêng. Ví dụ, năm 2025, Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM dành học bổng 2 tỉ đồng cho 3 ngành gồm kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật địa chất, công nghệ kỹ thuật môi trường. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp những ngành này còn có cơ hội nhận học bổng để học tiếp chương trình sau đại học ở các nước phát triển hoặc vào làm việc trong các cơ sở nghiên cứu về môi trường, hải dương, khí tượng thủy văn, các tổ chức phi chính phủ, các dự án quốc tế.
Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường đại học Công nghiệp TPHCM và các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra những chính sách riêng để thu hút người vào học các ngành khoa học cơ bản, khoa học Trái đất.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh ở những ngành này vẫn rất khó khăn. Thạc sĩ Nguyễn Thùy Dung - Phó khoa Địa chất, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho hay, năm học 2014-2015, khoa tuyển được khoảng 200 sinh viên nhưng đến giai đoạn 2020-2023 chỉ tuyển được 21-30 sinh viên/khóa cho cả 2 ngành địa chất học và kỹ thuật địa chất, đạt 40 - 50% chỉ tiêu đề ra dù điểm chuẩn thấp. Riêng năm học 2024-2025, khoa tuyển được 63 sinh viên cho 2 ngành.
Việc chờ người, lương cao
Trong khi đó, những ngành khó thu hút sinh viên kể trên lại có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Theo thạc sĩ Nguyễn Thùy Dung, chỉ trong tháng 5 và 6/2025, đã có 15 doanh nghiệp liên hệ với khoa để tuyển dụng trên 200 nhân sự nhưng không có nguồn dự tuyển do phần lớn sinh viên đã có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp.
 |
Học sinh THPT ở TPHCM tham quan phòng trưng bày tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) để tìm hiểu về các ngành khoa học cơ bản - Ảnh: Nguyễn Loan |
Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở những ngành ít sinh viên luôn đạt 100%. Hằng năm, rất nhiều doanh nghiệp tới đặt hàng, cấp học bổng 100% trong 4 năm để tuyển dụng sinh viên. Trường cũng dành 8 tỉ đồng học bổng/năm nhưng vẫn khó thu hút được người theo học. Là trường chuyên đào tạo nhóm ngành khoa học tự nhiên, môi trường nhưng tỉ lệ nhập học các ngành này hằng năm chỉ đạt khoảng 70 - 80% chỉ tiêu.
Tương tự, mỗi năm, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường đại học Công nghiệp TPHCM cũng chỉ tuyển đạt 70 - 80% chỉ tiêu vào các ngành kỹ thuật, môi trường nhưng việc làm luôn chờ sẵn. Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - nói: “Cơ hội việc làm của sinh viên các ngành học dầu khí, kỹ thuật vật liệu, khí hậu, môi trường cực kỳ hấp dẫn, vị trí việc làm cũng rất đa dạng. Về thu nhập, sinh viên các ngành này vừa tốt nghiệp đã nhận mức lương 20-30 triệu đồng/tháng và tăng lên 2-3 lần sau 1-2 năm làm việc nếu được xét vào những vị trí trọng yếu”.
Ảnh hưởng đến chiến lược phát triển
Phó giáo sư Trần Thế Vân - Trưởng khoa Cơ khí, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên - nhận định, chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên có thể giúp người học yên tâm theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt vốn đóng vai trò quan trọng trong đổi mới sáng tạo và phát triển công nghiệp.
Theo ông, sinh viên các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược phải học tập với cường độ cao, khối lượng kiến thức lớn, kết hợp nhiều đồ án, bài tập thực hành phức tạp; chi phí học tập cũng cao hơn mặt bằng chung do cần thực hành thường xuyên với thiết bị chuyên dụng trong phòng thí nghiệm; việc làm sau khi tốt nghiệp cũng vất vả (làm trực tiếp tại xưởng, nhà máy).
Ông cho rằng, mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng dành cho sinh viên các ngành này như đề xuất của Bộ GD-ĐT chỉ đáp ứng một phần chi phí, do đó nên nâng lên mức 4-4,5 triệu đồng/tháng để tăng tính hấp dẫn và hiệu quả của chính sách. Bên cạnh đó, cần ưu tiên hỗ trợ sinh viên theo học các ngành kỹ thuật truyền thống như cơ khí, điện, điện tử, kỹ thuật công nghiệp… vốn đóng vai trò nền tảng trong phát triển công nghiệp quốc gia và có yêu cầu khắt khe về đào tạo. Muốn hút thí sinh vào các ngành này, cần có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, bao gồm mức lương và phúc lợi giàu tính cạnh tranh.
 |
Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Cơ khí, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - Ảnh: Nguyễn Loan |
Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) - cho hay, Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực được đào tạo bài bản trong các ngành khoa học cơ bản suốt 20 năm qua. Nếu không được cải thiện, tình trạng này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chiến lược phát triển dựa trên tri thức và công nghệ cao. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn sinh viên nhóm ngành khoa học cơ bản làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với thu nhập thấp, công việc đòi hỏi chuyên môn cao, sự dấn thân lớn nhưng trang thiết bị và nguồn lực còn hạn chế.
Theo bà, nhiều bạn trẻ vẫn chọn con đường này vì đam mê nhưng họ cần thêm động lực cả về vật chất lẫn tinh thần để gắn bó lâu dài. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ sinh viên, cần đẩy mạnh việc tôn vinh các nhà khoa học cơ bản để truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho thế hệ trẻ theo đuổi con đường học thuật.
Đề xuất học bổng ngành đặc thù 7 triệu đồng/sinh viên/tháng Trong dự thảo nghị định về chính sách học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt, công nghệ chiến lược, Bộ GD-ĐT đề xuất mức học bổng 4 triệu đồng/tháng cho sinh viên xuất sắc và mức 2,8 triệu đồng/tháng cho sinh viên loại giỏi của chương trình kỹ sư; mức học bổng 5 triệu đồng/tháng cho bậc cao học, 7 triệu đồng/tháng cho nghiên cứu sinh tiến sĩ; thời gian hưởng học bổng tương ứng thời gian đào tạo chuẩn (bậc đại học tối đa 4-5,5 năm, cao học 2 năm, nghiên cứu sinh 4 năm). Học bổng được cấp theo 2 đợt mỗi năm với thời gian hưởng 10 tháng/năm cho đại học, 12 tháng/năm cho cao học và nghiên cứu sinh. Tiêu chuẩn xét học bổng cũng được quy định cụ thể cho học kỳ đầu và các học kỳ tiếp theo, bao gồm điểm học tập và điểm rèn luyện. Trong đó, riêng nghiên cứu sinh được hỗ trợ từ năm đầu, nhưng năm tiếp theo phải có bài báo khoa học được công bố trong danh mục Web of Science, Scopus, sách chuyên khảo liên quan đề tài luận án. |
Minh Tuệ - Nguyễn Loan
Ý kiến: Chính phủ đặt hàng đào tạo cho các trường Với tình hình tuyển sinh hiện nay, nếu không có chính sách kích cầu đủ lớn, nguồn nhân lực ở những nhóm ngành khoa học cơ bản sẽ ngày càng thiếu, nhất là khi Chính phủ đang tập trung giải quyết các vấn đề môi trường để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 và các cam kết về phát triển kinh tế bền vững. Các trường đại học đang nỗ lực tuyển sinh bằng nhiều chính sách nhưng phần lớn người học vẫn chọn học các ngành “thời thượng”. Việt Nam đang cần nguồn lực rất lớn về công nghệ, kỹ thuật. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị cũng đã xác định chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài. Theo tôi, Chính phủ có thể đặt hàng cho các trường đào tạo nhân lực những ngành này. Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM Xây nền khoa học cơ bản từ bậc phổ thông Việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học, sinh học ở bậc phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Mục tiêu học tập chủ yếu là vượt qua các kỳ kiểm tra, thi cử khiến học sinh chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, thiếu khả năng vận dụng vào thực tế. Điều này có thể dẫn đến hệ quả lâu dài là học sinh không hứng thú với các ngành khoa học cơ bản ở bậc đại học, dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn tuyển cho bậc sau đại học. Dù đã có những chính sách hỗ trợ như miễn giảm học phí, tăng học bổng nhằm khuyến khích sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, nhưng nếu học sinh bậc phổ thông không được trang bị nền tảng vững chắc và không được khơi gợi đam mê thì rất khó duy trì, phát triển lực lượng nghiên cứu ở các bậc cao hơn. Để giải quyết gốc rễ vấn đề này, cần cải thiện phương pháp đào tạo ở phổ thông, trong đó có việc đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi học sinh giỏi, đề tuyển vào trường chuyên. Thay vì kiểm tra kiến thức thuần ghi nhớ, đề thi nên yêu cầu học sinh hiểu bản chất và biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Một yếu tố then chốt khác là tăng cường tính thực hành trong giảng dạy. Nhiều trường phổ thông đã được đầu tư phòng thí nghiệm và thiết bị phục vụ môn học nhưng việc sử dụng chưa hiệu quả. Do đó, nhà trường cần gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, tạo điều kiện cho học sinh khám phá, trải nghiệm và ứng dụng kiến thức. Cần có cơ chế phân công giáo viên hợp lý: ngoài giáo viên giảng dạy lý thuyết, nên bố trí thêm giáo viên chuyên trách thực hành để hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị, làm thí nghiệm. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao chất lượng học tập mà còn là cách nuôi dưỡng hứng thú, giúp học sinh nhận ra niềm vui trong việc khám phá tri thức. Ông Mai Văn Túc - cố vấn chuyên môn chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Loan - Minh Tâm (ghi) |