Hết thời thực phẩm chức năng "thoải mái" tự công bố sản phẩm

25/07/2025 - 09:25

PNO - Bộ Y tế đề xuất bỏ thủ tục tự công bố đối với thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ sau hàng loạt vụ hàng giả quy mô lớn.

Sữa Hiup giả vừa được cơ quan công an
Sữa Hiup được cơ quan công an kết luận là hàng giả - Ảnh: A.P.

Lấp “lỗ hổng quản lý”

Theo Bộ Y tế, Trong quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) của Chính phủ đã thiết lập cơ chế pháp lý linh hoạt, đặc biệt là cơ chế hậu kiểm, quản lý rủi ro, đơn giản và cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính.

Nghị định 15 từng được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá là thành tựu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với hiệu quả cao “giảm trên 90% chi phí hành chính, tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3.700 tỉ đồng” và được Chính phủ đánh giá là hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước.

“Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua liên tục xảy ra các vụ việc như thực phẩm bổ sung giả, sữa bột giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận”, Bộ Y tế chỉ ra thực tế.

Một trong những bất cập, hạn chế, theo Bộ Y tế là các quy định liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố và quảng cáo thực phẩm.

Hiện nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi). Tuy nhiên, quy trình xây dựng và thông qua Luật phải tuân thủ quy trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu thuận lợi nhất thì Luật có thể được thông qua vào tháng 10/2025 và đến tháng 7/2026 mới có hiệu lực áp dụng.

Do đó, để xử lý các vướng mắc, bất cập trên, dự thảo Nghị quyết quy định 2 cơ chế quản lý thực phẩm là công bố tiêu chuẩn áp dụng (tự công bố), đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Bỏ tự công bố với thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ

Cơ quan chức năng thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng giả trong đường dây buôn bán tại Hà Nội và Nam Định
Cơ quan chức năng thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng giả trong đường dây buôn bán tại Hà Nội và Nam Định - Ảnh: Công an cung cấp

Điểm nổi bật, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể các trường hợp được tự công bố, các trường hợp phải đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm. Từ đó, tránh trường hợp doanh nghiệp tự xác định, xếp nhóm sản phẩm và áp dụng thủ tục công bố không đúng tiêu chí, tính chất của sản phẩm.

Cụ thể, đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc có quy chuẩn quốc gia nhưng không có chỉ tiêu chất lượng và vi chất dinh dưỡng thì được tự công bố.

Đối với Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi thì thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm. Như vậy, so với trước đây, các sản phẩm này không còn được tự công bố, siết chặt quy trình, tiêu chuẩn để đưa ra thị trường.

Hồ sơ đăng ký bản công bố thực phẩm chức năng yêu cầu: với các nhóm sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, phải có phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm gồm các chỉ tiêu chất lượng và các chỉ tiêu an toàn trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

Với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe quy định phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương. Ngoài ra cần báo cáo quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm;tài liệu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn; tài liệu về quy trình sản xuất; báo cáo kết quả nghiên cứu độ ổn định của sản phẩm; các tài liệu khác liên quan đến đánh giá kỹ thuật sản phẩm; kết quả kiểm nghiệm bổ sung theo yêu cầu của cơ quan quản lý (nếu được yêu cầu)...

Với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, hồ sơ đăng ký công bố phải có Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) hoặc Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 hoặc Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS) hoặc Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC) hoặc Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc chứng nhận tương đương hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP).

Kèm theo đó là báo cáo quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm; tài liệu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn; tài liệu về quy trình sản xuất; báo cáo kết quả nghiên cứu độ ổn định của sản phẩm...

Về thời gian áp dụng của Nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất áp dụng thời hạn của Nghị quyết là 1/3/2027 hoặc đến khi Luật An toàn thực phẩm sửa đổi có hiệu lực tùy thuộc điều kiện nào đến trước.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI