Tối ngày 16/7, trên đường Nguyễn Trác (Hà Nội), một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khi một người đàn ông điều khiển ô tô trong tình trạng say rượu, gây va chạm liên hoàn với 7 phương tiện khác, khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương. Dư luận bàng hoàng không chỉ vì mức độ nghiêm trọng của vụ việc, mà còn vì người gây tai nạn là một giảng viên - người được xem là đại diện cho tri thức và chuẩn mực hành vi xã hội.
 |
Hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu bia - không lái xe” được đẩy mạnh - Ảnh: Anh Ngọc |
Nhưng điều cần bàn sâu hơn không nằm ở danh tính nghề nghiệp của người gây tai nạn mà vì bao nhiêu tuyên truyền, bao nhiêu bài học đắt giá từ những vụ tai nạn trước, vẫn có người bước vào xe và khởi động máy trong trạng thái đã có men rượu? Nếu chỉ dừng lại ở sự phẫn nộ cảm tính hay đạo đức hóa sai lầm cá nhân thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội nhìn nhận vấn đề theo chiều sâu hệ thống.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2025, hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn được chia làm 3 mức vi phạm: mức 1 từ trên 0 đến dưới 0.25mg/l khí thở, mức 2 từ 0.25 đến dưới 0.4mg/l, và mức 3 từ 0.4mg/l trở lên, với mức phạt hành chính tối đa 40 triệu đồng, tước bằng lái từ 22 đến 24 tháng. Trong vụ việc vừa qua, người lái xe có nồng độ cồn lên đến 0.861mg/l - vượt gấp đôi mức kịch khung.
Tuy nhiên, theo hệ thống hiện hành, nếu hành vi đó chưa gây hậu quả thì vẫn chỉ bị xử lý hành chính, chưa cấu thành tội phạm. Chỉ khi có người chết, bị thương nặng hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Cách tiếp cận “hậu quả làm điều kiện cấu thành tội phạm” này, dù chặt chẽ về mặt pháp lý, nhưng trong thực tế lại chưa đủ sức ngăn chặn hành vi nguy hiểm ngay từ đầu, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa trách nhiệm cá nhân còn chưa hình thành vững chắc trong đời sống xã hội.
Ở nhiều quốc gia phát triển, nồng độ cồn không chỉ là con số y tế. Nó là ranh giới đạo đức xã hội. Họ đo bằng BAC - nồng độ cồn trong máu, còn Việt Nam đo bằng mg/l trong khí thở. Theo quy đổi phổ biến, 0.08% BAC (tức 80mg/100ml máu) tương đương khoảng 0.38mg/l khí thở; 0.05% BAC là khoảng 0.24mg/l khí thở; và 0.03% BAC vào khoảng 0.14mg/l. Từ đó, có thể thấy rõ Việt Nam đã áp dụng ngưỡng khá nghiêm, thậm chí nghiêm hơn nhiều quốc gia khác. Nhưng nếu chỉ nhìn vào ngưỡng kỹ thuật mà không nhìn vào hiệu lực thực thi và cơ chế răn đe hậu kiểm thì độ nghiêm trong văn bản không đồng nghĩa với độ an toàn trên thực tế.
Ở Canada, nơi ngưỡng vi phạm là 0.08% BAC (≈ 0.38mg/l khí thở), người vi phạm ngay lần đầu đã có thể bị truy tố hình sự, đối diện án tù tới 10 năm nếu gây tai nạn, bị thu hồi bằng lái từ 1 năm đến vĩnh viễn, và bị ghi tiền án vĩnh viễn trong hồ sơ dân sự - ảnh hưởng đến việc làm, visa, bảo hiểm. Thậm chí ở nhiều tỉnh bang, mức từ 0.05-0.08% BAC (≈ 0.24-0.38mg/l) cũng đã bị xử phạt hành chính, giữ xe, hoặc buộc học lại luật giao thông.
Ở Nhật Bản, nơi có ngưỡng cực thấp là 0.03% BAC (≈ 0.14mg/l khí thở), người lái xe có thể bị tù đến 5 năm, phạt đến 1 triệu yên, và đặc biệt là người cùng uống rượu, người cho mượn xe, hay chủ quán rượu cũng có thể bị truy cứu nếu biết người đó sẽ lái xe - thể hiện triết lý trách nhiệm xã hội, nơi hậu quả không chỉ do người cầm vô-lăng chịu.
Còn tại Úc (bang New South Wales), người lái xe có BAC từ 0.05% trở lên đã bị xem là vi phạm (≈ 0.24mg/l khí thở), và nếu thuộc nhóm tài xế mới, xe tải hoặc xe khách thì mức cho phép là 0.00%. Dù chỉ vượt 0.01%, tài xế có thể bị cấm lái ngay tại chỗ, buộc ra tòa trong 48 giờ, phạt tiền hoặc thậm chí bị giam, dù chưa gây tai nạn.
 |
Địa điểm kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên tại Úc - Ảnh: Australia Breathalysers |
Từ những so sánh ấy, có thể thấy nhiều quốc gia không chờ đến khi có hậu quả để xử lý hình sự. Hành vi nguy hiểm bản thân nó đã đủ để bị truy cứu, vì triết lý của họ là bảo vệ xã hội trước, thay vì xử lý xã hội sau. Luật của họ không chỉ đặt giới hạn về mặt y tế, mà còn vận hành trong một hệ sinh thái đồng bộ: từ cơ sở dữ liệu vi phạm được chia sẻ giữa cảnh sát - bảo hiểm - tòa án - tuyển dụng; đến hệ thống giám sát bằng camera, thiết bị khoá khởi động nếu có cồn, và đặc biệt là một văn hóa mạnh mẽ: lái xe sau uống rượu là hành vi bị xem là vô đạo đức, đáng xấu hổ.
Ngược lại, ở Việt Nam, dù luật đã siết, chế tài đã nâng, nhưng hệ sinh thái thực thi chưa thật sự đồng bộ. Người dân vẫn có thể lái xe ra đường sau khi uống rượu mà không bị chặn lại nếu chưa “gây chuyện”. Tâm lý cộng đồng vẫn dễ xuê xoa, vẫn có người nghĩ “tôi vẫn kiểm soát được”. Những hành vi can ngăn thường bị xem là “làm quá”, và bản thân người vi phạm cũng không cảm nhận được sức ép xã hội đủ lớn để dừng lại. Đó là một lỗ hổng văn hóa, không dễ lấp đầy bằng khẩu hiệu.
Vụ tai nạn ở Hà Nội, nếu nhìn xa hơn, không chỉ là lỗi của một cá nhân. Đó là kết quả của một hệ thống phòng ngừa chưa đủ mạnh: luật có, nhưng hiệu lực răn đe chưa sâu; xã hội có kiến thức, nhưng chưa có cơ chế làm kiến thức trở thành phản xạ đạo đức. Cần thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta đang thiếu một hệ sinh thái trách nhiệm rõ hình khối - nơi không chỉ người vi phạm mới bị truy xét, mà cả cộng đồng xung quanh họ cũng ý thức được vai trò can thiệp sớm.
Trong một bữa tiệc có người say xỉn nhưng vẫn tự tin cầm chìa khóa, liệu có ai đủ lý lẽ, kỹ năng và sự can đảm để giữ người ấy lại? Trong một quán nhậu đông người, có bao nhiêu nhân viên phục vụ thực sự được đào tạo để nhận biết dấu hiệu nguy cơ? Và trong gia đình, nhà trường, nơi người ta dạy rất kỹ về kỹ năng sống, có ai thật sự dạy rằng: ngăn một người say cầm lái là một hành động đạo đức, không phải là “làm phiền”?
Điều nguy hiểm hơn cả hành vi vi phạm là tâm lý tự miễn trách nhiệm, đang lan truyền dưới lớp vỏ rất hiện đại: “tôi có quyền lựa chọn hành vi của mình”, “đừng can thiệp vào tự do của tôi”, “tôi vẫn kiểm soát được”. Đây là sản phẩm của một xã hội đang chuyển nhanh về kỹ thuật, nhưng chuyển chậm về ý thức cộng đồng. Tự do cá nhân nếu không được định nghĩa đi kèm trách nhiệm sẽ trở thành cái cớ để biện minh cho sự chủ quan. Và điều đáng lo là không ít người có học thức cũng bị cuốn vào thứ logic sai lệch đó, cho rằng chỉ cần có tri thức là đủ để điều chỉnh hành vi. Nhưng đạo đức không sinh ra từ bằng cấp. Ý thức cộng đồng không tự nảy mầm trong môi trường cá nhân hóa cao độ.
Do đó, việc kiến tạo một xã hội an toàn không thể dựa vào nỗ lực đơn lẻ. Cần thiết kế một mô hình phòng ngừa hành vi sai lệch theo chiều ngang, nơi hành vi của người này có khả năng kìm hãm hành vi sai của người kia bằng trách nhiệm song hành. Người bạn ngồi cùng bàn rượu, người chủ quán, người thân trong gia đình, thậm chí người đi đường, tất cả phải được kích hoạt như những “tế bào miễn dịch xã hội”. Đây là mô hình đã được vận hành ở Nhật Bản, nơi trách nhiệm hình sự mở rộng ra cả những người tiếp tay trong thụ động. Nhưng văn hóa ấy không thể nhập khẩu bằng quy định. Nó phải được gây dựng từ trong giáo dục công dân, từ những chiến dịch thay đổi hành vi sâu dài, từ một hệ thống tôn vinh người dám ngăn cái sai chứ không chỉ phạt người gây sai.
Và nếu muốn đi xa hơn nữa, chúng ta cần nhìn nhận lại cách mình đo đếm hiệu quả của chính sách an toàn. Giảm số vụ tai nạn chưa đủ. Giảm số người dám phạm mới là đích đến. Một xã hội biết phòng ngừa không phải là nơi có nhiều camera phạt nguội, mà là nơi người ta ngại vi phạm vì sợ ánh nhìn của người xung quanh. Đó là mức cao nhất của văn minh: khi nỗi sợ đạo đức vượt qua nỗi sợ luật pháp.
Lê Hoài Việt