Học bổng đại học “khủng”, làm sao để chọn đúng?

25/07/2025 - 06:08

PNO - Mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học tung ra chính sách học bổng lớn nhằm thu hút thí sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn để phù hợp với năng lực theo đuổi suốt 4 năm cũng như ngành mình yêu thích.

Nhiều chương trình học bổng lớn

Năm nay, từ trường đại học (ĐH) tư đến trường công đều có chính sách học bổng đầu vào dành cho tân sinh viên. Trường ĐH Công Thương TPHCM dành hơn 55 tỉ đồng học bổng và các khoản hỗ trợ sinh viên năm học 2025-2026. Trong đó, có nhiều gói khác nhau như: học bổng thủ khoa, á khoa cho tân sinh viên; học bổng cho sinh viên có kết quả học tập cao nhất theo ngành.

Thí sinh tham gia Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2025 tại Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) ngày 19/7
Thí sinh tham gia Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2025 tại Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) ngày 19/7

Đặc biệt, có nhiều gói học bổng lớn, như khuyến khích học tập lên tới 27,6 tỉ đồng; học bổng cho sinh viên vượt khó, sinh viên nghèo 3,9 tỉ đồng; chi giảm học phí cho sinh viên là anh chị em sinh đôi, sinh ba, anh chị em ruột là 6,3 tỉ đồng; trợ cấp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi nhập học là 1,5 tỉ đồng…

Tương tự, Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM cũng dành 50,5 tỉ đồng học bổng cho sinh viên trúng tuyển khóa tuyển sinh 2025. Trong đó, học bổng tài năng, khuyến khích học tập (cho sinh viên toàn trường) lên tới 40 tỉ đồng; 7 tỉ đồng để thực hiện chế độ chính sách cho sinh viên thuộc gia đình chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tập; 1,5 tỉ đồng dành cho sinh viên đạt điểm đầu vào cao; 1 tỉ đồng học bổng doanh nghiệp; 1 tỉ đồng dành cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

ĐH Kinh tế TPHCM cũng dành hàng trăm suất học bổng tuyển sinh 2025, gồm 50 suất dành cho sinh viên xuất sắc trị giá 24,8 triệu đồng/suất; 170 suất học bổng toàn phần trị giá 16,5 triệu đồng/suất; 350 suất trị giá 8,3 triệu đồng/suất. 150 suất hỗ trợ học tập cho khóa sinh viên năm nay với gần 1,7 tỉ đồng. Đơn vị cũng áp dụng chính sách học bổng tương tự cho cơ sở đào tạo tại Vĩnh Long. Đặc biệt, trường dành học bổng 50 - 100% học phí học kỳ đầu cho học sinh có hộ khẩu khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi theo học ngành công nghệ đổi mới sáng tạo, robot và trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư), kinh doanh nông nghiệp tại cơ sở Vĩnh Long.

Trường ĐH Hoa Sen có quỹ học bổng 60 tỉ đồng cho năm học mới, như: học bổng 50% học phí học kỳ đầu tiên cho thí sinh xuất sắc, tài năng đặc biệt, tài năng tiếng Anh khi đáp ứng các yêu cầu như điểm trung bình học bạ từ 8 trở lên, hoặc tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn xét tuyển từ 24 điểm trở lên, đạt 900 điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM…

Trường ĐH Văn Lang dành hơn 70 tỉ đồng cho các chương trình học bổng và hỗ trợ nhập học: học bổng 20 - 100% học phí học kỳ I xét theo điểm đầu vào; 100% học phí học kỳ I cho tất cả sinh viên trúng tuyển vào 7 ngành khối công nghệ - kỹ thuật; 30 - 50% học phí học kỳ I cho sinh viên học lực giỏi, xuất sắc ở các ngành ngoài khối công nghệ - kỹ thuật; học bổng tài năng cho thí sinh có thành tích vượt trội trong học tập, ngoại ngữ, thể thao, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp...; 20% học phí toàn khóa cho sinh viên ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học...

Tận dụng chứ không lạm dụng học bổng

Với hàng loạt chính sách học bổng khác nhau, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TPHCM - khuyên thí sinh cần tính toán cẩn trọng, chỉ nên tận dụng chứ không để yếu tố học bổng ảnh hưởng quá nhiều đến việc lựa chọn ngành, trường học.

Theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các trường công lập phải chi tối thiểu 8% nguồn thu học phí, trường tư thục tối thiểu 2% để cấp học bổng khuyến khích học tập theo từng học kỳ, căn cứ vào thành tích học tập và rèn luyện của sinh viên. Học bổng được chia làm 3 mức: khá, giỏi, xuất sắc, mức thấp nhất thường bằng tổng học phí 1 học kỳ, các mức còn lại sẽ cao hơn. Ở nhiều trường, khoảng 10% sinh viên dẫn đầu được nhận học bổng. Ngoài ra còn có học bổng dành cho sinh viên vượt khó, sinh viên mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ bị bệnh hiểm nghèo…

“Khi đăng ký, thí sinh nên chọn ngành, trường học trước vì tất cả các trường đều có chính sách học bổng, nếu kết quả tốt hoặc có hoàn cảnh khó khăn thì vào trường nào các em cũng được nhận các chính sách này. Khi đã chọn được ngành học, các em mới nên cân nhắc đến yếu tố học bổng, tránh vì học bổng mà chọn ngành học không thực sự yêu thích hay đăng ký vào những trường có mức học phí vượt quá khả năng của gia đình” - ông Nguyễn Xuân Hoàn nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM - nhận định, học bổng dành cho thí sinh có thành tích cao trong kỳ tuyển sinh hay học bổng tài năng là yếu tố hấp dẫn, tạo lợi thế cạnh tranh của các trường trong thu hút học sinh giỏi. Học bổng giúp giảm áp lực kinh tế cho người học, tăng khả năng tiếp cận giáo dục ĐH cho nhiều đối tượng, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, một số thí sinh vì quá kỳ vọng vào học bổng mà vội vàng “chốt” nguyện vọng, bỏ qua yếu tố phù hợp về ngành học và định hướng nghề nghiệp. Do đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng khuyên rằng, để tận dụng hiệu quả học bổng nhưng vẫn đảm bảo lựa chọn đúng đắn, thí sinh cần tỉnh táo xem xét tổng thể các yếu tố: chất lượng đào tạo, điều kiện duy trì học bổng, học phí sau năm đầu, cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Trong đó, cân nhắc kỹ điều kiện duy trì học bổng qua từng năm, yêu cầu về điểm trung bình, rèn luyện… để tránh áp lực khi không thể đáp ứng. Việc cân nhắc kỹ giữa mức học bổng, học phí và tổng chi phí học tập toàn khóa sẽ giúp thí sinh đưa ra lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện gia đình. Một quyết định đúng đắn sẽ giúp sinh viên không chỉ giữ được học bổng trong suốt thời gian học mà còn phát triển toàn diện cả về học thuật và kỹ năng trong môi trường ĐH.

Những ngành học được miễn 100% học phí

Theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP, nhiều ngành học được miễn 100% học phí, gồm: chuyên ngành Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định thêm 2 ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt toàn khóa học là truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên theo học 36 ngành, thuộc danh mục ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng có nhu cầu cũng được miễn học phí, như: kỹ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc, nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, múa dân gian dân tộc, dân ca quan họ; kỹ thuật sơn mài và khảm trai, công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển, công nghệ sản xuất sản phẩm từ cao su, kiểm lâm, kiểm ngư, xử lý rác thải, cấp thoát nước, xây dựng cầu đường…

Theo quy định của Chính phủ, sinh viên theo học sư phạm ngoài được miễn học phí còn được nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng. Sinh viên các trường công an, quân đội được miễn học phí và được phụ cấp tiền sinh hoạt phí, tiền ăn.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI