Chủ động phòng ngừa bệnh liên cầu khuẩn heo

25/07/2025 - 07:07

PNO - Với việc heo chết hàng loạt, cộng thêm nhiều ca mắc bệnh liên cầu khuẩn heo, nhiều quầy ẩm thực ở TP Huế đã chuyển sang dùng thịt bò, gà, vịt thay cho thịt heo.

Ông Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế TP Huế - cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn thành phố có 38 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn heo, trong đó có 14 ca khỏi bệnh, 2 ca tử vong, 3 ca bệnh nặng xin được đưa về nhà. Sở đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát dịch bệnh trong cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Với việc heo chết hàng loạt, cộng thêm nhiều ca mắc bệnh liên cầu khuẩn heo, nhiều quầy ẩm thực ở TP Huế đã chuyển sang dùng thịt bò, gà, vịt thay cho thịt heo. Bà Võ Thị Bích Huyền - chủ 10 cơ sở kinh doanh thịt heo tại các chợ trong TP Huế - cho hay, dù cơ sở của bà chỉ bán thịt heo đã được ngành thú y kiểm định, người dân vẫn ngại mua.

UBND TP Huế đã chỉ đạo các ngành y tế, nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương kiểm soát dịch bệnh, khuyến cáo người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm đúng quy định.

Sở Y tế TP Huế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng, thịt heo chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh hoặc heo chết bất thường; nên sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng; dùng găng tay, khẩu trang và rửa tay kỹ bằng xà phòng khi chế biến thịt heo; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Hoàng (Bệnh viện Trung ương Huế) lưu ý, ở Việt Nam, những người mắc bệnh liên cầu khuẩn heo thường là do ăn các món từ thịt heo chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, cháo lòng, nem chua, tré. Đây là những loại thực phẩm có khả năng chứa vi khuẩn streptococcus suis (S. suis) gây bệnh này.

Hiện nay, chưa có bằng chứng khẳng định có sự lây truyền của vi khuẩn S. suis từ người sang người. Đường lây nhiễm bệnh này chủ yếu qua miệng (ăn phải), mũi (hít phải), qua tiếp xúc trực tiếp với heo mang mầm bệnh, qua vết thương, vật dụng, côn trùng...

Những người có các vết thương hở ngoài da, niêm mạc miệng bị viêm có tiếp xúc với máu, dịch tiết của heo rất dễ bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn heo. Do đó, cần nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ heo nhiễm bệnh; cần sát khuẩn, tiêu hủy heo bệnh, heo chết đúng quy định; phun thuốc sát khuẩn cho chuồng trại và môi trường chăn nuôi.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI