Ngày hội của nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch

18/05/2022 - 07:57

PNO - Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc được tổ chức từ ngày 17 đến 28/5 trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen - lễ hội truyền thống hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) của tỉnh Nghệ An và mỗi 5 năm được tổ chức với quy mô quốc gia.

 

Chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu và bài học cảnh giác trong công cuộc giữ nước tiếp tục được tái hiện trong vở diễn Chiếc áo thiên nga
Chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu và bài học cảnh giác trong công cuộc giữ nước tiếp tục được tái hiện trong vở diễn Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM) sẽ thi diễn vào tối 21/5

Tối 17/5, tại sân vận động Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Lễ hội Làng Sen, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đánh trống khai mạc Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2022.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đánh trống khai mạc Lễ hội Làng Sen, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2022

Liên hoan quy tụ khoảng 250 diễn viên tham gia 16 vở diễn (9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch) đến từ 11 đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Cụ thể là các tác phẩm: Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM); Cánh cò trong cơn bão, Vầng sáng (Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An); Tam Khúc chúa, Làm vua - chuyện ngoài chính sử (Nhà hát Tuồng Việt Nam); Hóa nhật muôn dân, Hồn thiêng sông núi (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế); Chợ đời (Nhà hát Ca kịch Huế); Hoàng đế Lê Đại Hành (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa); Vua thánh triều Lê, Cô thần (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định); Ni sư Hương Tràng (Đoàn Ca kịch tỉnh Quảng Nam); Phượng Hoàng trung đô, Sương phủ hoàng cung (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa); Đi qua ngày giông bão (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh); Ngược sóng (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng)

Có thể thấy, các vở diễn dự liên hoan đợt này vẫn tập trung ở đề tài lịch sử, khá hiếm tác phẩm phản ánh đời sống hiện đại.

Vở ca kịch Cánh cò trong cơn bão của đơn vị chủ nhà Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An sẽ khai diễn Liên hoan vào tối 18/5.
Đơn vị chủ nhà Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An sẽ khai diễn liên hoan vào tối 18/5 với vở ca kịch xứ Nghệ Cánh cò trong cơn bão kể về công cuộc vượt khó góp phần phát triển địa phương của một nữ cán bộ ở huyện miền núi phía tây Nghệ An.
Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An
Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cũng là đơn vị duy nhất dự liên hoan với 2 vở diễn đề tài xã hội hiện đại, trong đó vở ca kịch ví giặm Vầng sáng khai thác đề tài đấu tranh chống tham nhũng.
Vở Làm vua - chuyện ngoài chính sử của Nhà hát Tuồng Việt Nam
Vở Làm vua - chuyện ngoài chính sử của Nhà hát Tuồng Việt Nam khai thác góc nhìn mới lạ về mối quan hệ phức tạp giữa Đinh Tiên Hoàng đế, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (Đại Hành hoàng đế sau này) và "hoàng hậu của hai vua" Dương Vân Nga.
Vở Tam Khúc chúa được chuyển thể từ tiểu thuyết Khúc gia trang dậy sóng trời Nam
Vở Tam Khúc chúa của Nhà hát Tuồng Việt Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết "Khúc gia trang dậy sóng trời Nam" (TS. Khúc Minh Tuấn) là tác phẩm đề tài lịch sử hiếm hoi khai thác giai đoạn nỗ lực giành quyền tự chủ của dân tộc ta sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Đoàn Ca kịch tỉnh Quảng Nam dựng vở Ni sư Hương Tràng
Đoàn Ca kịch tỉnh Quảng Nam dựng vở Ni sư Hương Tràng kể về công nghiệp của công chúa Huyền Trân trong nỗ lực giữ tình hòa hiếu giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
Nhà hát Tuồng Đào Tấn (trực thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định) dự thi vở Vua thánh triều Lê. Kịch bản lịch sử về việc vua Lê Thánh Tông giải oan cho Nguyễn Trãi từng được dàn dựng thành công trên sân khấu kịch và cải lương.
Đoàn Ca kịch Bài chòi tỉnh Bình Định (trực thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định)
Đoàn Ca kịch Bài chòi tỉnh Bình Định (trực thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định) mang đến liên hoan vở ca kịch bài chòi Cô thần - kể về tấm gương trung liệt của Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, vị quân sư tài ba của vua Quang Trung góp công lớn xây dựng triều đại Tây Sơn.
Vở Hồn thiêng sông núi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế
Vở Hồn thiêng sông núi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế lật giở lại bản anh hùng ca trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông của dân tộc.
Vở tuồng Hóa nhật muôn dân (kịch bản: Nguyễn Phước Hải, đạo diễn: NSƯT La Thanh Hùng)
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế còn khai thác đề tài chống tham nhũng dưới triều vua Minh Mạng trong vở tuồng Hóa nhật muôn dân.
Vở tuồng Ngược sóng
Vở tuồng Ngược sóng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) nối tiếp những tác phẩm sân khấu lấy cảm hứng từ cuộc đời và công nghiệp của Tả quân Lê Văn Duyệt - người có công lớn với đất Gia Định và vùng đất phương Nam.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa dự thi vở tuồng Hoàng đế Lê Đại Hành.
Vở dân ca kịch Sương phủ hoàng cung (
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa mang vở dân ca kịch Sương phủ hoàng cung phỏng theo tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu" của Nhà văn Trần Thùy Mai đến liên hoan.
Vở tuồng Phượng hoàng trung đô về La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa còn dự thi vở tuồng Phượng hoàng trung đô nói về La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, đại diện cho tầng lớp sĩ phu Bắc Hà thời Lê mạt, trong quá trình suy tư trăn trở để tìm được "minh quân" là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Vở Chợ đời của Nhà hát Ca kịch Huế
Vở Chợ đời của Nhà hát Ca kịch Huế là vở diễn duy nhất khai thác đề tài hậu chiến, còn là câu chuyện về sự tha hóa của một người lính đi ra từ cuộc chiến.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh cũng thuộc số hiếm đơn vị khai thác đề tài đấu tranh chống tiêu cực với vở dân ca ví giặm Đi qua ngày giông bão.

Ngoài Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, Lễ hội Làng Sen năm 2022 còn có các hoạt động, như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng Tiếng hát Làng Sen, cuộc thi Sắc Sen xứ Nghệ, chương trình nghệ thuật Người mẹ Làng Sen, cuộc thi ảnh online “Hello Nam Đàn”…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI