Ngân hàng Nhà nước chính thức siết cho vay bất động sản

01/01/2020 - 16:06

PNO - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư 22/2019/TT-NHNN siết chặt nguồn vốn cho vay đổ vào bất động sản.

Thông tư 22 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay thế Thông tư 36 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Có ba lộ trình về giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng theo lộ trình 3 năm.

Cụ thể, từ ngày 1/1/ 2020 đến hết 30/9/2020 tỷ lệ này giảm từ mức 60% xuống còn 40%. Từ 1/10/2020 đến hết 30/9/2021 giảm còn 37% và từ ngày 1/1/2021 đến hết 30/9/2022 giảm còn 34%. Từ sau 1/10/2022 trở đi, tỷ lệ này được đưa về mức tối đa là 30%.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Khoản cho vay với mục đích gián tiếp kinh doanh bất động sản cũng áp dụng hệ số rủi ro 200%. 

Các khoản vay của khách hàng vay tiêu dùng với tổng giá trị từ 4 tỷ đồng sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% (từ ngày 1/1/ 2020 đến hết năm 2020) sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ đầu năm 2021.

Từ ngày 1/1/2020, siết chặt nguồn tín dụng đổ vào bất động sản
Từ ngày 1/1/2020, siết chặt nguồn tín dụng đổ vào bất động sản

Các khoản vay phải được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và một số điều kiện khác mới được áp dụng hệ số rủi ro là 50%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định mới cũng được điều chỉnh là 85%. Thông tư 36 trước quy định, tỷ lệ này với ngân hàng thương mại nhà nước là 90%, ngân hàng hợp tác xã là 80%, ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài là 80%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 90%.

Theo các chuyên gia bất động sản, quy định mới sẽ giúp thanh lọc những chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, chỉ dựa vào vốn ngân hàng, gây nhiều rủi ro. Đồng thời, các quy định này cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực, uy tín để huy động vốn trên thị trường vốn trong nước cũng như quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, phù hợp với xu hướng của quốc tế. Tuy nhiên, việc siết nguồn vốn trên có thể làm giảm nguồn cung dự án bất động sản trong thời gian tới.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI