Ngân hàng giảm lợi nhuận, tăng nợ xấu do dịch bệnh

27/04/2020 - 07:50

PNO - COVID-19 đang khiến các ngân hàng không chỉ giảm lợi nhuận mà còn tăng tỷ lệ nợ xấu.

Báo cáo tài chính quý I/2020 từ các ngân hàng cho thấy tình hình không mấy sáng sủa. Cụ thể, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này giảm 5,8%. Các mảng đầu tư chứng khoán, hoạt động khác chỉ đạt 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước gần 304 tỷ đồng, giảm tới 77%. Đặc biệt, số dư nợ xấu của Sacombank tăng nhẹ 5,5%, tỷ lệ nợ xấu tăng 1,97%.

Nợ xấu ngân hàng gia tăng, đồng nghĩa khách hàng sẽ khó tiếp cận vốn vay hoặc các gói hỗ trợ
Nợ xấu ngân hàng gia tăng, đồng nghĩa khách hàng sẽ khó tiếp cận vốn vay hoặc các gói hỗ trợ

Ngay cả những ngân hàng được đánh giá có tiềm lực mạnh cũng không khá hơn. Dịch COVID-19 được cho là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại VietinBank khiến ngân hàng này đã tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 36%, lợi nhuận thuần kinh doanh giảm 60%. Tổng nợ xấu của VietinBank tăng 56% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên mức 1,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) gấp gần 5 lần và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 67%. Kết quả lợi nhuận trước thuế giảm 6% so với cùng kỳ.

Vietcombank tình hình cũng không khả quan hơn khi các khoản chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ cũng tăng vọt lên 42,9%, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm tới 11,2%. Nợ xấu cũng có xu hướng tăng trở lại, từ mức 0,79% vào cuối năm 2019, hết tháng 3/2020 là 0,82%.

Nhiều ngân hàng khác cũng giảm lợi nhuận, tăng nợ xấu chưa từng thấy so với cùng kỳ năm 2019. Chẳng hạn, Saigonbank giảm lợi nhuận 31% là do tín dụng và huy động tại ngân hàng này đều giảm trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng 51%. Bắc Á Bank giảm lợi nhuận 27% không phải do tín dụng tăng trưởng thấp mà do chi phí huy động vốn tăng mạnh hơn doanh thu, trong khi đó các mảng kinh doanh khác cũng tăng chậm hoặc sụt giảm, nợ xấu tăng từ 0,69% lên 0,9%. Lợi nhuận Kienlongbank giảm 23% do tín dụng ngân hàng này hầu như không tăng trưởng (chỉ tăng 1%), nợ xấu tăng mạnh, trích lập dự phòng phải tăng tới 64%. Còn nợ xấu tại SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%; TPBank có tỷ lệ nợ xấu là 1,87%.

Giảm lợi nhuận, tăng tỷ lệ nợ xấu được cho là do thời gian qua các ngân hàng đã thực hiện chính sách hỗ trợ nền kinh tế như giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5% đối với dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giảm lãi suất từ 1 - 2,5% đối với các khoản vay mới, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và không tính lãi phạt, miễn hoặc giảm chi phí chuyển tiền và thanh toán… Đồng thời còn do hoạt động kinh doanh của ngân hàng khó khăn khi tăng trưởng tín dụng thấp, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro do nợ xấu tăng.

khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng thương mại sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn mục đích sử dụng khoản vay của khách hàng
Khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng thương mại sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn mục đích sử dụng khoản vay của khách hàng

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu dự báo, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã có dấu hiệu tăng nhưng có thể sẽ không cao bằng quý II/2020 là do nhiều đối tượng khách hàng vẫn đang được hưởng hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ. Đến quý II, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng cao do đã hết hạn chuyển nhóm nợ, trong khi nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi ngay, nguy cơ khách hàng không trả nợ đúng hạn vẫn có thể xảy ra.

Không những vậy, theo ước tính, tổng thu nhập trong năm của các tổ chức tín dụng sẽ giảm so với chỉ tiêu đề ra. Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực - Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đối với yếu tố tác động trực tiếp như thực giảm lãi (đối với dư nợ hiện hữu và khoản vay mới), cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm phí chuyển tiền… ước tính tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng sẽ giảm từ 17.722 đến 21.828 tỷ đồng.

Đối với yếu tố tác động gián tiếp như giảm thu nhập do tín dụng tăng trưởng thấp, tăng trích lập dự phòng rủi ro do nợ xấu tăng, khó khăn trong việc xử lý nợ xấu… ước tính tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng sẽ giảm khoảng 12.268 tỷ đồng.

“Tính tổng thể thu nhập của các tổ chức tín dụng trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20 - 25% thu nhập so với kế hoạch. Theo đó sẽ khiến thu thuế ngân sách ước giảm khoảng 6.000 - 6.800 tỷ đồng” - tiến sĩ Cấn Văn  Lực dự báo.

Một khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng thương mại sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn mục đích sử dụng khoản vay của khách hàng; sẽ phân tích đánh giá các ngành nghề, lĩnh vực, khách hàng chịu tác động bởi dịch COVID-19 một cách kỹ lưỡng hơn. Một hệ quả là doanh nghiệp, khách hàng sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, hoặc các gói hỗ trợ của ngân hàng.

Do đó theo các chuyên gia, không chỉ bản thân các tổ chức tín dụng phải tự đa dạng hóa nguồn thu để bù đắp phần giảm thu nhập mà cũng cần Chính phủ, cơ quan quản lý triển khai đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ như tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội. Cũng cần thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển kinh tế số, dịch vụ tài chính số, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ tiền di động (Mobile Money), xem xét tăng cường cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn để giảm chi phí đầu vào…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI