Nga 'vạch mặt' Ukraine phá hoại Donald Trump: Mượn gió bẻ măng?

03/12/2016 - 18:32

PNO - Mối lo ngại của Ukraine càng trở nên nặng nề hơn khi Donald Trump chiến thắng dành nhiều thiện cảm cho tổng thống Putin và không ít lần khẳng định sẽ công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.

Một quan chức cấp cao của Nga đang cáo buộc chính phủ Ukraine đã phá hoại chiến dịch tranh cử của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump bằng cách 'bêu riếu' ông trên truyền thông và tuyên truyền những điều xấu trên một trong những truyền thông lân cận của mình.

Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Năm cho hay chính phủ Ukraine hồi mùa hè đã cố tình phá hoại chiến dịch tranh cử của ông Trump bằng cách tố cáo Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông, Paul Manafort có liên quan tới một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến một đảng chính trị Ukraine thân Nga được hỗ trợ bởi các nhà tài phiệt.

Nga 'vach mat' Ukraine pha hoai Donald Trump: Muon gio be mang?
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Putin đang tìm cách thiết lập mối quan hệ mới sau chiến thắng của ông Trump.

Bà Maria phát biểu trong một cuộc họp báo: "Ukraine cố tình quấy rối chiến dịch tranh cử của ông Trump bằng cách dấy lên tin đồn rằng Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump Paul Manafort bị tố cáo đã nhận tiền từ các nhà tài phiệt Ukraine".

Trong một cuộc trao đổi với báo Mỹ Politico, bà cho biết thêm rằng chính phủ Ukraine còn cố tình phát tán hồ sơ có liên quan tới các khoản thanh toán bất hợp pháp của đảng Các khu vực (PR) của Ukraine.

Sau cuộc điều tra của Ukraine, ông Paul Manafort đã từ chức. Điều này đã ảnh hưởng không ít tới cuộc tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump khi ông đang bị bà Hillary Clinton bỏ xa.

Sự ra đi của ông Paul Manafort là một tổn thất lớn trong bộ máy tranh cử của ông Donald Trump, bởi ông vẫn luôn được trông đợi là quân “át chủ bài” có thể giúp ông Trump vực dậy tỷ lệ ủng hộ “bết bát” trong thời gian đó.

Việc ông Paul nằm trong tầm ngắm của Ukraine bắt đầu từ hồi tháng 8. Ngày 15/8, Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) ra thông báo cho biết từ năm 2007 đến 2012, ông Paul Manafort nhận các khoản tiền bí mật lên đến hơn 12,7 triệu USD từ đảng PR của cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.

Cựu tổng thống Ukraine đã sang Moscow, Nga, sống lưu vong sau khi bị phế truất vào năm 2014, theo Washington Post. Tuy nhiên, Manafort phủ nhận mọi cáo buộc.

Paul Manafort, 67 tuổi, là nhà vận động hành lang kỳ cựu, một chiến lược gia giàu kinh nghiệm thuộc đảng Cộng hòa. Sau khi được ông Trump thuê hồi đầu năm, Manafort đã góp công lớn tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.

Khoản thanh toán bí ẩn

Các khoản thanh toán cho Manafort được liệt kê trong sổ cái kế toán bị tịch thu từ trụ sở đảng PR, song cơ quan điều tra không nêu lý do cụ thể đằng sau các khoản tiền chuyển cho Manafort.

Giới chức thực thi pháp luật Ukraine đã kiểm tra sổ cái lưu những khoản thanh toán bí mật ghi tên Manafort cũng như các công ty mà ông có mối làm ăn khi họ tìm cách bóc gỡ một mạng lưới tham nhũng ăn cắp tài sản của Ukraine và tác động đến các cuộc bầu cử trong suốt thời gian ông Yanukovych cầm quyền.

Các nhà điều tra khẳng định những khoản chi này là một phần của hệ thống quỹ đen dùng để trả cho rất nhiều người, bao gồm cả các quan chức bầu cử.

Nga 'vach mat' Ukraine pha hoai Donald Trump: Muon gio be mang?
Cựu chủ tịch vận động tranh cử của ông Trump Paul Manafort ra đi đã khiến ông Trump điêu đứng một thời gian.

Trước khi sang Nga sống cách đây hai năm, cựu tổng thống Ukraine Yanukovych và đảng PR trông cậy rất nhiều vào những lời cố vấn của Manafort cũng như công ty ông này. Trong thời gian tư vấn cho Yanukovych, Manafort không đăng ký làm việc như một đại lý nước ngoài với Bộ Tư pháp Mỹ, vậy nên, ông không phải khai báo số tiền thù lao đã nhận.

Nhưng sau khi Yanukovych bị lật đổ, một cuốn sổ cái gồm 400 trang tập hợp sổ sách lưu giữ tại trụ sở đảng PR nằm trên phố Lipskaya ở Kiev đã hé lộ những khoản tiền được cho là của đảng này chi cho Manafort.

Sau khi những thông tin bất lợi cho mình được công bố, Manafort lập tức lên tiếng phủ nhận việc mình nhận bất kỳ khoản tiền bất chính nào từ Ukraine.

Trong khi đó, Vitaliy Kasko, cựu quan chức cấp cao thuộc văn phòng tổng công tố Ukraine, lại nói Manafort "biết rõ những gì đang xảy ra ở Ukraine".

Richard A. Hibey, luật sư cho Manafort, nói thân chủ của mình không nhận bất cứ khoản tiền mặt nào giống như mô tả từ các quan chức NABU. Hibey cũng phản bác ẩn ý của Kasko cho rằng ông Manafort tán thành tham nhũng hoặc dính dáng đến những người tham gia các hoạt động bất hợp pháp ở Ukraine. Theo ông Hibey, "đây chỉ là các mối ngờ vực và có lẽ mang nặng màu sắc chính trị".

Bình luận viên Tom Hamburger và Andrew Roth từ Washington Post đánh giá những nghi ngờ về vai trò của Manafort trong bê bối tham nhũng ở Ukraine một lần nữa làm bật lên một thực tế là ông Trump đang dựa quá nhiều vào các cố vấn có mối quan hệ cá nhân hoặc tài chính với Moscow dù ông hiện bị cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ công kích vì lập trường thân thiện bất thường với Nga.

Nga đang lôi kéo đồng minh của Ukraine để 'mượn gió bẻ măng'?

Hôm qua, việc Ukraine quyết định đơn phương lập vùng cấm bay trên Biển Đen, sát không phận bán đảo Crimea để tổ chức tập trận phòng không trong hai ngày 1 và 2/12 đã dẫn tới sự căng thẳng giữa nước này và Nga.

Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Đối ngoại Thượng viện Nga giận dữ lên tiếng cảnh báo Ukraine về khả năng căng thẳng leo thang nhanh chóng và biến thành chiến tranh nếu Kiev quyết tâm theo đuổi kế hoạch đến cùng.

Nga 'vach mat' Ukraine pha hoai Donald Trump: Muon gio be mang?
Để trị Ukraine 'cứng đầu', Nga đang 'mượn tay Mỹ' để 'bẻ măng'.

“Một khi tình hình leo thang đến mức phản ứng quân sự là cần thiết, thì điều này chắc chắn sẽ là kịch bản đáng sợ và không mong muốn nhất. Đây là điều mà tất cả chúng ta nên tránh bằng mọi giá”, ông Kosachev khẳng định.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov  cho hay, Tổng thống Nga Putin đang theo dõi tình hình chặt chẽ và những tuyên bố của Ukraine.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nga, Ukraine vẫn tiến hành cuộc tập trận đúng như kế hoạch. Ngày hôm qua, quân đội Ukraine đã bắn đi một loạt tên lửa về phía Crimea, có quả tên lửa rơi ở khu vực chỉ cách bán đảo này khoảng 30km.

Moscow đã ngay lập tức điều các chiến hạm từ Hạm đội Biển Đen của mình đến những cứ điểm ngoài khơi bán đảo Crimea để bảo vệ không phận của khu vực trước cuộc tập trận của Kiev. Các hệ thống phòng không trên những chiếc tàu chiến này đã được đặt trong tình trạng báo động cao.

Giới phân tích cho rằng hiện nay Ukraine đang rơi vào tình thế bất lợi khi sự ủng hộ của Mỹ cũng như NATO dành cho nước này trong vấn đề Crimea chưa thật sự quyết liệt. Dù hứa sẽ gia tăng thêm các lệnh trừng phạt đối với Moskva hay chi thêm các khoản tiền dành cho Kiev trong cuộc chiến với Nga nhưng những nghi ngờ, bất đồng trong nội bộ NATO vẫn hiện hữu.

Đặc biệt, mối lo ngại của Ukraine càng trở nên nặng nề hơn khi tỷ phú người Mỹ Donald Trump dành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng dành nhiều thiện cảm cho tổng thống Putin và không ít lần khẳng định sẽ công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.

Với tình thế hiện nay, nhiều chuyên gia quân sự vẫn chưa thật sự tin tưởng Ukraine dám bất chấp những lời đe dọa của Nga để triển khai tới cùng cuộc tập trận trên không. Dường như đây chỉ là động thái nhằm thử phản ứng của Moskva cũng như lôi kéo thêm sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev trong vấn đề Crimea.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI