Nên khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua vàng

16/03/2024 - 06:18

PNO - Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tục tăng. Ngày 12/3, giá vàng miếng SJC lên 82,5 triệu đồng/lượng, là mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng mức tăng giá từ ngày 1/1 đến nay lên khoảng 9 triệu đồng/lượng.

Cũng trong ngày 12/3, giá vàng nhẫn 9999 bán ra là 71 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục mới về giá, nâng tổng mức tăng giá từ đầu năm đến nay lên 9-9,5 triệu đồng/lượng tùy điểm bán. Gần đây, người ta đổ xô mua vàng nhẫn như một cách đầu tư do sản phẩm này có mức tăng giá tương đương vàng miếng SJC. 

Trước đà tăng giá vàng, mới đây, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã gửi công văn đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phải rà soát toàn bộ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng, gia công vàng bạc, đá quý; lập đầu mối phụ trách chuyên môn; thanh kiểm tra nếu phát hiện trường hợp có mua bán, chế tác mà không kê khai thuế hoặc kê khai gian dối, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn. 

Theo các chuyên gia, người dân nên yêu cầu xuất hóa đơn khi mua vàng. Trong ảnh: Người dân mua vàng ở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)
Theo các chuyên gia, người dân nên yêu cầu xuất hóa đơn khi mua vàng. Trong ảnh: Người dân mua vàng ở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)

Theo ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM - những năm gần đây, mỗi khi giá vàng tăng cao, Tổng cục Thuế đều ban hành công văn yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Công văn mới đây có điểm mới là đề nghị ngành thuế địa phương chú trọng kiểm tra việc sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử từ với máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. 

Còn theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - do thị trường vàng có nhiều biến động nên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về các giải pháp quản lý thị trường. Thực hiện theo nội dung công điện, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn trên. Ông cho biết, cả nước có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý và tiền thất thu thuế ở lĩnh vực này khá lớn do có những lỗ hổng trong quản lý. 

Ông Huỳnh Trung Khánh dẫn chứng, thuế giá trị gia tăng (VAT) được tính bằng phương pháp trực tiếp, với vàng nữ trang thì thu 10% VAT trên tổng giá trị sản phẩm, với vàng miếng SJC thì thu 10% VAT dựa trên chênh lệch giá mua và giá bán. Như vậy, doanh nghiệp phải có hóa đơn mua bán, mới tính được số thuế phải nộp. Tuy nhiên, ngành thuế hiện nay chỉ quản lý được hóa đơn đầu ra, chưa có biện pháp quản lý hóa đơn đầu vào. 

“Ngành thuế nên tăng cường tuyên truyền để người dân có thói quen đòi hóa đơn điện tử khi mua sản phẩm trang sức và tẩy chay những cửa hàng không chịu xuất hóa đơn. Điều này vừa có lợi cho ngành thuế, vừa có lợi cho người tiêu dùng, giúp họ không bị các cửa hàng ép giá”. 

Ông Huỳnh Trung Khánh

Khi bán sản phẩm cho khách, các tiệm kinh doanh vàng nhỏ lẻ vẫn còn dùng hóa đơn viết tay, không xuất hóa đơn điện tử. Người mua vàng lại không quan tâm lưu giữ các hóa đơn này nên khi bán lại sản phẩm cho tiệm thì phần lớn không có hóa đơn. Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tiệm vàng không xuất hóa đơn, không kê khai, nộp đủ thuế. Như trước đây tiệm vàng Phước Nguyên ở tỉnh An Giang giao dịch mua bán vàng trị giá 10.000 tỉ đồng nhưng không xuất hóa đơn, số tiền trốn thuế ước tính khoảng 90 tỉ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Dưng cho biết, theo quy định hiện hành, khi bán sản phẩm vàng bạc, đá quý, các doanh nghiệp phải xuất hóa đơn, gửi cho khách hàng qua email hoặc tin nhắn để cơ quan thuế quản lý việc thu thuế. 2 năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử thông thường theo quy định. Để thu thuế hiệu quả, từ cuối năm 2022, ngành thuế đã triển khai mô hình tích hợp hóa đơn điện tử vào máy tính tiền và TPHCM là 1 trong 3 địa phương đầu tiên thí điểm thực hiện. Ông thông tin: “Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM phối hợp với Cục Thuế TPHCM tổ chức các buổi hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng nhưng số doanh nghiệp kinh doanh vàng ở TPHCM triển khai còn ít”.

Luật sư Lê Bá Thường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và văn hóa doanh nghiệp - đánh giá, việc áp dụng hóa đơn điện tử được kết nối với máy tính tiền có lợi rất lớn cho cơ quan thuế và doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc còn e ngại hoặc chưa muốn áp dụng. Đó là do họ sợ cơ quan quản lý thuế nắm rõ tình hình kinh doanh, biết được chính xác doanh thu của họ, bởi doanh thu càng cao thì họ phải nộp VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp càng nhiều và việc xuất hóa đơn đầy đủ cũng làm tốn thêm chi phí.

Cũng theo luật sư Lê Bá Thường, trên thị trường, có rất nhiều đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc không biết nhà cung cấp nào là uy tín và đảm bảo giữ bí mật thông tin của họ khi sử dụng. Ngoài ra, phần lớn người mua không biết hoặc ít quan tâm đến việc yêu cầu xuất hóa đơn nên đơn vị kinh doanh chỉ ghi phiếu thu tiền và giấy bảo hành sản phẩm. Do đó, cơ quan quản lý thuế nên viết và ban hành phần mềm xuất hóa đơn điện tử, giống như phần mềm kê khai thuế HTKK do Tổng cục Thuế phát hành.

“Nếu được, cơ quan quản lý nhà nước có chính sách trợ giá đối với hóa đơn điện tử để có mức chi phí thấp hơn hiện nay nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nói chung và các đơn vị kinh doanh vàng bạc nói riêng tích cực áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền. Khoản chi trợ giá này chắc chắn sẽ được bù đắp từ khoản thu thuế tăng thêm khi các doanh nghiệp có ý thức áp dụng việc xuất hóa đơn điện tử” - luật sư Lê Bá Thường đề xuất. 

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI