NASA lên kế hoạch trở lại sao Kim vào năm 2030

03/06/2021 - 06:51

PNO - NASA đã công bố hai sứ mệnh mới trong kế hoạch tới sao Kim sẽ khởi động vào cuối thập kỷ. Đây sẽ là chuyến thám hiểm hành tinh đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ năm 1990.

NASA sẽ quay trở lại sao Kim lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ, nhằm mục đích tìm hiểu cách hành tinh láng giềng gần nhất của Trái đất biến thành “địa ngục”, trong khi hành tinh của chúng ta vẫn phát triển mạnh mẽ.

Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ, Bill Nelson, đã công bố kế hoạch cho hai sứ mệnh đầy tham vọng, dự kiến diễn ra trong khung thời gian 2028-2030.

NASA lên kế hoạch trở lại sao Kim vào năm 2030.
NASA lên kế hoạch trở lại sao Kim vào năm 2030.

NASA đã dành ra 1 tỷ USD tài trợ phát triển cho hai dự án. Mỗi dự án được trao khoảng 500 triệu USD và đều được chọn từ một quá trình cạnh tranh, bình duyệt dựa trên giá trị khoa học và tính khả thi của các kế hoạch.

Nhiệm vụ đầu tiên được cơ quan vũ trụ lựa chọn từ danh sách rút gọn, được công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2020 là Davinci+ (khảo sát khí quyển sao Kim về khí quý, hóa học và hình ảnh). Nhiệm vụ nhằm thu thập chi tiết hơn về thành phần của bầu khí quyển, tìm hiểu cách nó hình thành và phát triển, đồng thời xác định xem liệu sao Kim từng có đại dương hay không.

Trong khi đó, nhiệm vụ thứ hai, được gọi là Veritas (sự phát xạ của sao Kim, khoa học vô tuyến, InSAR, địa hình và quang phổ), sẽ lập bản đồ bề mặt của sao Kim để xác định lịch sử địa chất của hành tinh và tìm hiểu nguyên nhân tại sao sao Kim lại phát triển khác với Trái đất. Hình ảnh về độ cao bề mặt sẽ cho phép tạo ra các bản 3D của địa hình và cung cấp manh mối giải đáp thắc mắc liệu hoạt động núi lửa có còn diễn ra tại đây hay không.

Trước kế hoạch trở lại sao Kim năm 2030, tàu Magellan của NASA đã từng bay vào quỹ đạo quanh sao Kim vào năm 1990 và dành 4 năm để vẽ bản đồ bề mặt cũng như tìm kiếm bằng chứng của kiến tạo mảng trên sao Kim. Theo đó, tàu phát hiện gần 85% bề mặt sao Kim được bao phủ bởi các dòng dung nham đã ngừng hoạt động, ẩn chứa khả năng hoạt động mạnh của núi lửa.

Minh Hương (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI