Nắng nóng, nhiều trẻ nhiễm trùng đường tiêu hóa phải nhập viện

17/03/2021 - 06:06

PNO - TP.HCM đang vào đợt nắng nóng, nhiều trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiêu chảy… phải nhập viện cấp cứu. Các bệnh viện dự báo vài tuần tới, số bệnh nhi nhập viện tăng mạnh.

 

Mất nước do tiêu chảy đến suy thận

8g sáng 16/3, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) có rất nhiều phụ huynh xếp hàng đăng ký khám bệnh cho con. Ở Khoa Cấp cứu, nhiều trẻ bị tiêu chảy nặng phải nằm lại theo dõi sát, chưa được chuyển vào Khoa Tiêu hóa. Với máy monitor được gắn vào người để theo dõi sức khỏe, bé N.H.M.A. (1 tuổi, ở TP.HCM) đang nằm mê man.

Bác sĩ cho biết, bé bệnh nặng, đi tiêu có máu đến khoảng 8 lần/ngày, nóng sốt, ói liên tục. Các xét nghiệm cho thấy bé A. bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng, buộc phải dùng kháng sinh dạng chích. Đồng thời, do mất nước nhiều, bệnh nhi rơi vào suy thận. Theo bác sĩ điều trị, nếu bé đến bệnh viện trễ một ngày, độc tố của vi khuẩn có thể đi vào máu gây co giật ảnh hưởng đến hệ thần kinh. 

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2, bảy ngày qua có tới 113 trẻ phải nhập viện trong tổng số 388 trẻ mắc bệnh tiêu hóa đến khám. Con số này bắt đầu tăng so với cách đây một tuần.

Bác sĩ Tăng Lê Châu Ngọc, Trưởng khoa Tiêu hóa của bệnh viện, cho biết, hiện khoa có 15 trẻ bị tiêu chảy nặng, trong đó có ba trẻ phải truyền dịch gấp, hai trẻ đang được theo dõi sát. Ngoài ra, khoa còn điều trị cho nhiều trẻ khác bị nhiễm trùng đường tiêu hóa… do vi khuẩn tấn công. Với thời tiết nắng nóng, số lượng trẻ bị bệnh tiêu hóa sẽ tăng mạnh vào những tuần sắp tới.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), số lượng trẻ đến khám bệnh tiêu hóa cũng nhiều hơn trước. Bồng cháu ngoại đang quấy khóc, bà Nguyễn Thị Thắm (ở tỉnh Long An) chậm rãi nói: “Cháu tôi mới bốn tuổi, vừa cho đi học lại mấy ngày đã phải nhập viện. Cứ nghĩ bé tiêu chảy do ăn cua biển nên để ở nhà ráng đợi… đi tiêu hết sẽ khỏi. Nhưng rồi bé bị sốt, mất nước, mệt mỏi rồi lịm dần, phải cấp cứu”. 

Bác sĩ Tăng Lê Châu Ngọc khám cho bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bác sĩ Tăng Lê Châu Ngọc khám cho bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2

Đừng chủ quan

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, phân tích: với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu thức ăn để ở nhiệt độ phòng sẽ ôi thiu sau vài giờ. Khi ăn trúng thực phẩm nhiễm khuẩn, trẻ có nguy cơ ngộ độc, rối loạn và nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nếu nhẹ sẽ ói tại chỗ, đau bụng từng cơn, nặng sẽ tiêu chảy nhiều lần, mất nước… để lâu có thể suy thận, rối loạn chất điện giải. 

Riêng tiêu chảy là một trong năm bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới năm tuổi tại các nước đang phát triển, chủ yếu do mất nước và điện giải. Cha mẹ đưa ngay trẻ đến bệnh viện nếu trẻ dưới ba tháng tuổi hoặc sốt từ 380C trở lên; trẻ tiêu phân máu, tiêu phân lỏng lượng nhiều, liên tục; trẻ có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, môi lưỡi khô, da khô, thay đổi tri giác như lừ đừ, mệt mỏi, không ăn uống được, ói nhiều lần.

Điều khiến bác sĩ Châu Ngọc lo lắng là trẻ bị tiêu chảy nhưng nhiều phụ huynh nghĩ trẻ quấy khóc, than đau do cảm sốt thông thường, đang mọc răng hoặc nghĩ càng bú sữa trẻ càng tiêu chảy. Trẻ dưới sáu tháng tuổi cần được bổ sung sữa, bù nước khi bị ói và tiêu chảy quá nhiều. Bú sữa mẹ còn giúp trẻ có kháng thể chống lại bệnh tật.

Với trẻ trên sáu tháng tuổi phải được bổ sung thức ăn, trái cây cho đủ chất, không nên kiêng cữ. Riêng trẻ ở độ tuổi đi học, biết sử dụng tiền mua quà bánh, cha mẹ nên hướng dẫn con lựa chọn thức ăn, không ăn hàng rong để tránh tình trạng trẻ mua nhầm thức ăn không đảm bảo vệ sinh. 

Mặt khác, thời tiết nóng khó bảo quản thức ăn được lâu, vì vậy các bà mẹ khi đi chợ chỉ nên mua và chế biến nguyên liệu bữa cơm gia đình vừa đủ, không để qua đêm. Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh sẽ hạn chế vi khuẩn tấn công. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI