Làm sao phân biệt đau bụng rối loạn tiêu hóa với bệnh nguy hiểm ở trẻ?

16/07/2018 - 13:19

PNO - Con gái tôi sáu tuổi, đã từng mổ viêm ruột thừa cách đây vài tháng. Hai hôm nay cháu than đau bụng, nghi rối loạn tiêu hóa.

* Tuy nhiên, đến phòng mạch tư gần nhà, bác sĩ đề nghị nên vào bệnh viện nhi siêu âm để loại trừ các biến chứng sau mổ ổ bụng. Nghe nói sợ nhất là biến chứng tắc tĩnh mạch cửa. Tôi rất hoang mang không biết tắc tĩnh mạch cửa là gì, có nguy hiểm không? Làm cách nào phát hiện kịp thời?

Trần Thị Thư (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Lam sao phan biet dau bung roi loan tieu hoa voi benh nguy hiem o tre?
 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - trả lời: Có nhiều bé khi đau bụng tưởng là rối loạn tiêu hóa nhưng lúc siêu âm lại phát hiện tắc tĩnh mạch cửa.

Tĩnh mạch cửa là tĩnh mạch quan trọng, dẫn lưu máu nuôi toàn bộ đường tiêu hóa trong ổ bụng. Có nhiều nguyên nhân gây tắc tĩnh mạch cửa như: bẩm sinh (trẻ có yếu tố tăng đông máu cao nên tự hình thành huyết khối gây thuyên tắc), nhiễm trùng ổ bụng, biến chứng cấp tính hoặc mạn tính sau một ca phẫu thuật ổ bụng…

Tắc tĩnh mạch cửa có thể phát hiện sớm bằng siêu âm (tới khi trẻ ói ra máu thì đã nặng). Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, vai trò của bác sĩ siêu âm rất quan trọng trong việc phát hiện sớm những ca tắc tĩnh mạch cửa. Lúc siêu âm ổ bụng cho bệnh nhi, nếu thấy mạch máu bị giãn bất thường, bác sĩ sẽ tập trung khu trú và chỉ định bệnh nhi chụp CT hoặc chụp mạch máu để xác định chính xác. Không được phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ bị tắc tĩnh mạch cửa có thể tử vong.

 Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI