Bất lực nhìn gia tài của mình chìm vào nước lũ

27/07/2025 - 07:47

PNO - Lũ lên, dân bản cùng nhau hỗ trợ những gia đình ở vùng trũng thấp kê cao tài sản tránh lũ. Khi trở về, nhiều người bất lực nhìn tài sản của mình bị nhấn chìm vì nước lũ lên quá nhanh.

"Không nghĩ lũ khủng khiếp vậy"

Nhiều ngày trôi qua, chị Lữ Thị Hồng (53 tuổi, trú bản Cửa Rào 2, xã Tương Dương, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa dám tin toàn bộ gia tài của gia đình đã bị cuốn trôi xuống sông Lam. Bên cạnh nhà chị, hàng loạt ngôi nhà khác nằm bên bờ thượng nguồn sông Lam, nơi dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ hợp lưu thành sông Lam, cũng đã bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Chị Hồng bên tàn tích căn nhà của mình
Chị Hồng bên "tàn tích" căn nhà của mình

Chị Hồng kể, tối 22/7, khi đang giúp hàng xóm kê cao lúa, bắp… thì nước lũ bất ngờ đổ về cuồn cuộn, chị vội chạy về nhà để di dời tài sản. Khi nhận thấy nước lũ dâng nhanh bất thường, chị đưa chồng con lên nhà người thân lánh nạn.

“Lúc đó tôi thấy nước lũ lên nhanh, không giống mọi năm, chồng đang bệnh nặng, con đang nhỏ nên tính đưa con đến nhà người thân trú trước rồi về di dời đồ đạc. Vậy nhưng nước lũ tràn về quá nhanh, tôi không kịp làm gì” - chị Hồng buồn bã.

Chồng chị Hồng bị bệnh phổi nặng, phải thở ô xy thường xuyên để duy trì sự sống. Trong lúc cấp bách, chị ôm lấy bình ô xy theo. Đó cũng là thứ duy nhất chị lấy được trước khi toàn bộ căn nhà đổ sập xuống sông Lam.

Chị Hồng là giáo viên Trường mầm non Cửa Rào. Nhìn ngôi nhà của mình nay chỉ còn trơ trọi lại móng, chị cho biết, cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương của chị, nên chưa biết khi nào mới dựng được nhà mới. “Mấy hôm nay cả nhà phải ngủ nhờ, ăn nhờ ở nhà hàng xóm. Không biết vài bữa nữa thế nào” - chị Hồng nói.

Lũ lên nhanh, vợ chồng bà Hải chỉ kịp di dời được đàn heo đi tránh lũ
Lũ lên nhanh, vợ chồng bà Hải chỉ kịp di dời được đàn heo đi tránh lũ

Bà Phạm Thị Hải (60 tuổi, trú xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cho hay, nhà ở nơi cao nên nghĩ lũ lên chỉ mấp mé nước ngoài sân như mọi năm. Nghe tin nước lũ lên, mọi người tập trung giúp những gia đình ở nơi thấp kê cao tài sản. Vợ chồng bà đi giúp mọi người đến gần sáng thì nước lũ lên nhanh và cao nên vội về nhà di dời đồ đạc, nhưng kê đến đâu nước dâng tới đó. Không kịp đưa đồ đạc đi tránh lũ, vợ chồng bà vội đưa đàn heo ra đường rồi nhìn nước lũ nhấn chìm ngôi nhà của mình. “Toàn bộ lúa, bắp và đồ dùng gia đình đều bị ngâm nước” - bà Hải nói.

Hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn

Trời ngớt mưa, một số người dân bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An) tranh thủ ra bới lớp bùn dày hơn 2m để tìm lại những vật dụng có thể tận dụng, nhưng tất cả đều biến dạng, vỡ nát. Chỉ tay vào mảnh đất lởm chớm đá và rác, anh Lô Văn Hiển (45 tuổi, trú bản Xiềng Tắm) cho biết, đây từng là nhà của gia đình anh, trước khi cơn lũ dữ càn quét qua.

Gần một nửa mái nhà ở bản Xiềng Tắm bị cuốn trôi, hư hỏng sau trận lũ lịch sử
Gần một nửa mái nhà ở bản Xiềng Tắm bị cuốn trôi, hư hỏng sau trận lũ

Sống bên bờ sông Nậm Nơn nên hầu như năm nào anh cũng phải sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Tùy vào tình hình, dân bản hỗ trợ nhau di dời tài sản từ những nhà thấp ở mép sông lên nhà ở cao hơn để tránh lũ. Trường hợp nước lũ lên cao, họ sơ tán lên các cơ quan, đoàn thể để tránh lũ.

Chiều tối 22/7, khi nước lũ trên sông Nậm Nơn bắt đầu dâng cao, anh Hiển đi giúp một số gia đình ở mép sông di dời tài sản. Khuya cùng ngày, khi nước lũ bất ngờ tràn về dữ dội, anh chạy vội về nhà di dời tài sản song bất thành. Hơn nửa người dân bản Xiềng Tắm phải sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn khi nước lũ trên sông Nậm Nơn dâng cao hơn 10m.

“Lúc đó nước lên quá nhanh, chỉ kịp cùng vợ con chạy lên đường tránh lũ. Khi quay về thì cả bản trắng xóa, nhà cũng không còn” - anh Hiển nói.

Gắng đào bới dưới lớp đất, anh tìm thấy chiếc két sắt của mình. Anh cho biết bên trong không có tài sản gì quý giá ngoài một số giấy tờ. “Giấy tờ ở trong chắc cũng hỏng hết rồi, không biết có dùng được nữa không” - anh nói.

Chiếc két sắt là tài sản còn sót lại duy nhất của anh Hiển
Chiếc két sắt là tài sản còn sót lại duy nhất của anh Hiển

Bản Xiềng Tắm có 188 hộ dân, 54 nóc nhà đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hàng chục căn nhà khác bị hư hỏng nặng. Những ngày qua, người dân trong bản đã mở cửa đón những gia đình mất nhà vào ăn ngủ.

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 những ngày qua khiến 5 người tử vong; 377 nhà bị sập, vùi lấp và cuốn trôi hoàn toàn; gần 6.000 nhà bị thiệt hại, hư hỏng, tài sản bị cuốn trôi. Hiện toàn tỉnh có 10 xã (78 thôn, bản với 6.577 hộ) bị cô lập.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI