Mỹ cắt viện trợ nước sạch, hàng triệu người lâm nguy

19/07/2025 - 20:05

PNO - Việc chính quyền Trump cắt viện trợ nước ngoài đã khiến hàng chục dự án nước sạch bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng triệu người.

Đời sống của nhiều người ở Kenya, Congo bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không có nước sạch để sinh hoạt. Ảnh: Nagarjun Kandukuru
Đời sống của nhiều người ở Kenya, Congo bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không có nước sạch để sinh hoạt - Ảnh: Nagarjun Kandukuru

Có ít nhất 21 dự án tại 16 quốc gia đã bị bỏ dở khi nguồn tài trợ hàng trăm triệu USD bị cắt từ đầu năm nay. Nhiều công trình đang xây dở dang, vật liệu bỏ ngổn ngang, công nhân nghỉ việc do thiếu kinh phí.

Tại Mali, các tháp nước dự kiến phục vụ trường học và trạm y tế bị bỏ hoang. Ở Nepal, hơn 100 hệ thống cấp nước chưa hoàn thành, hàng ngàn bao xi măng và vật tư bỏ không. Li-băng phải hủy dự án cung cấp năng lượng mặt trời cho các nhà máy nước, khiến khoảng 70 người mất việc, các trạm cấp nước buộc phải chuyển sang dùng dầu diesel. Tại Kenya, người dân vùng Taita Taveta lo sợ trước nguy cơ lũ lụt do các kênh tưới tiêu dang dở có thể bị vỡ, cuốn trôi mùa màng.

''Trước đây tôi còn có chỗ che chắn, giờ thì không. Nếu có lũ, chắc chắn sẽ nặng hơn.'' - bà Mary Kibachia, 74 tuổi, một nông dân trong vùng cho biết.

Bên cạnh đó, một dự án kéo dài 5 năm trị giá 100 triệu USD tại Kenya để cung cấp nước uống và hệ thống tưới tiêu cho 150.000 người đã bị dừng khi mới hoàn thành 15% khối lượng công việc. Những rãnh mương chưa hoàn thiện, ống nước, dây thép và vật liệu trị giá hàng trăm ngàn USD bị phơi ngoài trời, làm tăng nguy cơ tai nạn, hư hỏng hoặc mất cắp.

Không chỉ ảnh hưởng đến nước sạch, việc cắt viện trợ còn khiến nhiều hoạt động nhân đạo khẩn cấp – như phân phối lương thực và thuốc men – rơi vào tình trạng hỗn loạn. Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet cảnh báo việc cắt viện trợ của Mỹ có thể dẫn đến 14 triệu ca tử vong trên toàn cầu trước năm 2030.

Tổ chức nhân đạo Mercy Corps cảnh báo: ''Đây không chỉ là mất đi viện trợ. Đó là sự sụp đổ của tiến bộ, ổn định và phẩm giá con người''.

Chính quyền Trump lại lập luận rằng ngân sách nên được ưu tiên cho người Mỹ, thay vì tài trợ cho các chương trình nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các dự án nước sạch của Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ (450 triệu USD) trong tổng ngân sách viện trợ nước ngoài 61 tỷ USD mỗi năm, điều này đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người trên toàn cầu.

''Khi trẻ em không còn phải uống nước bẩn, các em ít mắc bệnh, con gái có thể tiếp tục đến trường, và thanh niên ít bị dụ dỗ gia nhập các tổ chức cực đoan.'' - ông John Oldfield - nhà tư vấn và vận động hành lang cho các dự án hạ tầng nước - nhận định.

Nhật Minh (theo Straistimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI