Muốn sinh mổ sớm vì sợ con gái tuổi Dần

20/01/2022 - 06:36

PNO - Không ít thai phụ muốn được sinh mổ sớm để bé gái tránh được tuổi Dần, lớn lên không phải trắc trở đường tình duyên.

Các bác sĩ khuyến cáo trẻ sinh non tháng có nguy cơ suy hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe cả mẹ và bé.

Áp lực từ quan niệm dân gian

Mười ngày qua, vợ chồng ông N.V.L. (giám đốc một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận) đã hai lần lặn lội vào một phòng khám ở TP.HCM khám thai, để bác sĩ theo dõi, chỉ định mổ bắt con. Ông L. cho biết, theo kết quả thăm khám của bác sĩ, đến ngày 29 tháng Chạp, thai kỳ của vợ ông là 36 tuần 5 ngày. Thời gian này đã có thể thực hiện mổ bắt con. Tuy nhiên, để thực hiện điều này đòi hỏi phải có chỉ định của bác sĩ. 

Bác sĩ siêu âm thai cho một trường hợp xin sinh con ở 36 tuần tuổi vì sợ con gái tuổi Dần - ẢNH: SƠN VINH
Bác sĩ siêu âm thai cho một trường hợp xin sinh con ở 36 tuần tuổi vì sợ con gái tuổi Dần - ẢNH: SƠN VINH

“Đứa con trai đầu của tôi bác sĩ chỉ định mổ bắt con lúc chỉ vừa qua 36 tuần tuổi. Trước đó, bác sĩ đã tiêm một mũi thuốc trợ phổi cho cháu nên đến bây giờ cháu vẫn khỏe mạnh. Lần này, dự đoán vợ tôi sẽ sinh con gái nên tôi muốn cháu sinh trước năm Dần. Con gái tuổi Dần sẽ rất khổ và không hạp tuổi với vợ chồng tôi nên sợ ảnh hưởng đến chuyện làm ăn”, ông L. tâm sự.

Không riêng gì ông L., rất nhiều cặp vợ chồng có con ở giai đoạn thai kỳ từ 33 - 35 tuần tuổi đang rất hồi hộp chuyện sinh con ở giai đoạn cuối năm Tân Sửu, đầu năm Nhâm Dần. Bởi, nhiều người lo lắng nếu sinh con gái tuổi Dần thì sau này con sẽ vất vả, lận đận chuyện tình duyên. 

Một bác sĩ phụ trách phòng khám sản khoa ở Q.Bình Tân kể, những ngày này, cứ mười phụ nữ ở giai đoạn cuối thai kỳ đến khám thì có đến tám người lo lắng về chuyện sinh con gái tuổi Dần. Thậm chí, nhiều trường hợp còn năn nỉ bác sĩ chỉ định cho nhập viện mổ bắt con ở giai đoạn thai đang ở 35 - 36 tuần tuổi, vì không muốn sinh con vào năm Dần.

“Thật ra các trường hợp chỉ định mổ bắt con ở giai đoạn thai kỳ 35 - 36 tuần tuổi không hề đơn giản. Theo nguyên tắc, việc mổ lấy thai theo yêu cầu của sản phụ chỉ được lên kế hoạch sau tuần thứ 39 của thai nhi. Những trường hợp khác cần phải có chỉ định của bác sĩ do những lo ngại về vấn đề sức khỏe cho mẹ và bé khi chuyển dạ. Khi bị tôi từ chối chỉ định cho sinh con sớm, nhiều sản phụ đã chuyển sang nơi khác khám”, vị bác sĩ chia sẻ. 

Nguy cơ sức khỏe cho cả mẹ và con

Bác sĩ Nguyễn Điền, chuyên khoa phụ sản tại Bệnh viện Từ Dũ, cho biết gần đây ngày nào cũng ghi nhận 2 - 3 thai phụ đang mang thai từ 37 tuần ngỏ ý muốn được sinh mổ theo yêu cầu. Họ biết em bé trong bụng là con gái nên sợ con sinh năm Dần sẽ cao số, sau này trắc trở tình duyên. Chưa có chỉ định mà xin mổ lấy thai chỉ vì lý do duy tâm nên bác sĩ đã từ chối và giải thích cho các cặp vợ chồng hiểu về những nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra đối với hai mẹ con. 

Tương tự, chỉ trong một buổi khám, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, phòng khám phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ghi nhận từ 5 - 7 thai phụ muốn sinh mổ sớm để tránh tuổi Dần cho con. Gần đây nhất là trường hợp chị P.T.D., 26 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, mang thai con so 37 tuần. Theo chị D. chia sẻ với bác sĩ thì chồng mình sinh năm 1992 (tuổi Thân). Trong khi đó, chị lại tuổi Hợi. Trước khi vợ chồng chị cưới nhau, ba mẹ hai bên đã phản đối kịch liệt vì tuổi hai người thuộc tứ hành xung (Dần - Thân - Tỵ - Hợi). 

Để kết hôn được cả hai vợ chồng đã trải qua bao sóng gió. Thế rồi, chị mang thai con đầu lòng, ai dè ngày dự sinh của bé lại trúng mùng Tám tết Nhâm Dần. Nếu sinh con tuổi Dần thì cả gia đình nhà chị tương ứng luôn ba con giáp trong tứ hành xung. Ông bà thuyết phục nên sinh mổ sớm trước tết để tránh tuổi Dần cho con và cũng để giảm bớt sự xung khắc giữa các thành viên gia đình. Bác sĩ Thắm cho biết bệnh viện mình là bệnh viện công lập, không có dịch vụ sinh mổ theo yêu cầu (sinh mổ phải có chỉ định). Bên cạnh đó, bác sĩ cũng giải thích giúp bệnh nhân hiểu rằng con cái sinh ra khỏe mạnh là quan trọng nhất. Mọi việc nên để thuận theo tự nhiên, can thiệp sẽ không tốt.

Theo bác sĩ Điền và bác sĩ Thắm, trẻ sinh sớm trước 39 tuần sẽ có nguy cơ phải hỗ trợ thở ô-xy do hệ hô hấp bị ảnh hưởng. Như vậy, ngay khi chào đời, các bé này phải cách ly với mẹ. Không chỉ thế, như bất cứ ca phẫu thuật nào, mổ lấy thai cũng có tỷ lệ biến chứng gây nhiễm trùng vết mổ. Vết mổ lấy thai sau này dễ để lại sẹo, lần mang thai tiếp theo dễ bị nhau bám vết mổ, nhau cài răng lược, nguy cơ sinh non… 

Hai bác sĩ khuyên các cặp vợ chồng đừng vì quan niệm dân gian không có bằng chứng khoa học mà muốn con ra đời sớm. Quan trọng nhất vẫn là sức khỏe, tính mạng của hai mẹ con được an toàn. 

Tâm lý sợ mang thai năm Nhâm Dần
Chuẩn bị bước vào năm Nhâm Dần, nhiều cặp vợ chồng còn áp dụng biện pháp tránh thai vì định kiến con gái tuổi Dần. Chị L.T.N.T. (26 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cho biết, vợ chồng chị làm đám cưới vào đầu năm 2021. Trước đó, hai người đã đi khám sức khỏe tiền hôn nhân cho kết quả khá tốt. Sau khi cưới, chị T. cũng đã tiêm một số loại vắc-xin cần thiết để phòng tránh các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng sau đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM nên vợ chồng chị không dám có con cho đến tận bây giờ.
Anh N.T.S. (chồng chị T.) tiếp lời: “Năm tới thì chắc chắn không dám sinh con rồi. Mấy ngày này hai bên nội, ngoại cứ điện thoại dặn là năm Nhâm Dần không được có con. Ông bà ở quê nói, năm Dần sinh con trai không sao, nhưng con gái sẽ khổ cả đời nên không được sinh. Nghe vậy, vợ chồng tôi tìm đến bác sĩ thực hiện biện pháp tránh thai, qua nửa năm 2022 mới tính đến chuyện có con”.

Thanh Huyền - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI