“Mưa đỏ”: Khúc tráng ca về 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972

23/07/2025 - 18:40

PNO - Lấy cảm hứng từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, "Mưa đỏ" tái hiện chân thực, xúc động một chương bi hùng của lịch sử dân tộc, nơi hàng vạn thanh niên “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu vì độc lập - tự do của Tổ quốc.

Các chiến sĩ của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo tại chương trình giới thiệu phim điện ảnh Mưa đỏ
Các chiến sĩ của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo tại chương trình giới thiệu phim điện ảnh Mưa đỏ - Ảnh: Du Nguyên

Bộ phim xoay quanh Tiểu đội 1 tại mặt trận Thành cổ, nơi những người lính trẻ (phần lớn là sinh viên, học sinh) sát cánh chiến đấu, yêu thương và hy sinh vì đồng đội, vì lý tưởng chung. Họ bước vào cuộc chiến với niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất, và ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Từ những ký ức bi hùng đó, đại tá, nhà văn Chu Lai đã viết kịch bản điện ảnh Mưa đỏ. Không chỉ là thước phim ghi dấu một chiến trường khốc liệt, Mưa đỏ còn là bản anh hùng ca về lòng yêu nước, tình đồng đội và khát vọng sống mãnh liệt giữa lằn ranh sự sống và cái chết.

Tại buổi gặp mặt truyền thông diễn ra chiều 23/7, đại tá, nhà văn Chu Lai trân trọng: “Đặc biệt xin thưa các chiến hữu của K3 - Tam Đảo, nhân danh là một người lính đặc công vùng ven Sài Gòn, tôi rất cảm động khi hôm nay được gặp lại và cùng các chiến hữu xem bộ phim về Quảng Trị này”.

Ông xúc động gọi trận đánh 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị là trận đánh “quá lớn, quá đau đớn, quá thiêng liêng”, nơi “mỗi ngày có một đại đội hy sinh”, nơi một liệt sĩ “có thể chết đến 7 lần”, nơi thân thể người ngã xuống “mỗi lần bom dội lại thiếu đi một phần”.

Từ phải qua: Đạo diễn Đặng Thái Huyền, nhà văn Chu Lai, Giám đốc sản xuất Kiều Thanh Thúy. Ảnh: Du Nguyên
Đạo diễn Đặng Thái Huyền, nhà văn Chu Lai, giám đốc sản xuất Kiều Thanh Thúy (từ phải qua) - Ảnh: Du Nguyên

Với diện tích khoảng 25ha, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng hơn 100 quả bom, 200 quả đạn phảo, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, phần lớn khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chính vì sự khốc liệt ấy, ông đã không chọn viết truyện hay tiểu thuyết trước - như “thông lệ” trong sự nghiệp viết lách của mình, mà đã chuyển thẳng thành kịch bản điện ảnh - như một “lát cắt” về Quảng Trị. Dẫu vậy, ông cũng thừa nhận: “Viết kiểu gì cũng không thể lột tả hết tinh thần của Quảng Trị.”

Đại tá, nhà văn Chu Lai khẳng định: "Không có Thành cổ “mưa máu” thì không có bầu trời xanh hôm nay. Không có bản giao hưởng máu thì không có bản giao hưởng nhân văn, không có những ngày hòa bình tươi tốt như hôm nay”.

Tại buổi ra mắt Mưa đỏ, ông Nguyễn Văn Hợi - Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, nguyên trợ lý Quân lực của tiểu đoàn - nghẹn ngào: “Mới chỉ xem một đoạn phim thôi mà lòng chúng tôi trào dâng bao cảm xúc”.

Khi hành quân sang sông Thạch Hãn vào giữ Thành cổ, Tiểu đoàn K3 có 325 người, được bổ sung liên tục trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu. Thế nhưng, đến ngày 25/5/1973, chỉ còn 39 người sống sót trở về. “Hơn 1.000 đồng đội của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi Thành cổ”.

Ông Ngiuyễn Văn Hợi, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo. Ảnh: Du Nguyên
Ông Ngiuyễn Văn Hợi - Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo - Ảnh: Du Nguyên

Ông kể, mỗi người lính chỉ có 1 chiếc áo mưa làm phao để vượt sông. Có người vừa chạm bờ đã bị pháo địch trùm xuống. Tiếng cuối cùng vang lên giữa dòng Thạch Hãn chỉ là: “Mẹ ơi, chị ơi!”. Bởi hầu hết các anh ra chiến trường từ khi còn rất trẻ, chưa có người yêu, vẫn đang trong vòng tay của gia đình, của chị, của mẹ…

Tại chương trình, thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) - nhấn mạnh: “Mưa đỏ không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là thông điệp sống động truyền cảm hứng về lịch sử, lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả. Qua đó, nuôi dưỡng lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ hôm nay”.

Phim do Điện ảnh Quân đội sản xuất, Galaxy phát hành, NSƯT Đặng Thái Huyền đạo diễn, NSND Lý Thái Dũng quay phim, quy tụ các diễn viên: Hứa Vĩ Văn, Đỗ Nhật Hoàng, Phương Nam, Lâm Thanh Nhã, Đình Khang, Hoàng Long... Bối cảnh chính được thực hiện tại Quảng Trị, bên dòng Thạch Hãn lịch sử, với nhiều chi tiết chiến trường được phục dựng công phu, có sự tham gia của cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử và các đơn vị chuyên môn trong - ngoài quân đội.

Mưa đỏ dự kiến khởi chiếu ngày 22/8, đúng dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám và 50 năm Quốc khánh 2/9. Bộ phim được kỳ vọng sẽ là một tác phẩm nghệ thuật - chính luận sâu sắc, góp phần truyền cảm hứng yêu nước, tri ân thế hệ đi trước và nhắc nhớ những giá trị thiêng liêng của hòa bình hôm nay.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI