Một thay đổi cứu vớt nhiều phận đời

25/04/2017 - 12:00

PNO - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có văn bản đề nghị BHXH TP.HCM thống nhất với các cơ sở khám chữa bệnh, tạm thời thanh toán chi phí thuốc Cellcept điều trị lupus ban đỏ.

Điều này giải tỏa được phần nào nỗi lo của nhiều phụ huynh có con đang mắc bệnh lupus ban đỏ. 

Để điều trị căn bệnh này, bệnh nhi (BN) phải uống thường xuyên trong một thời gian dài thuốc đặc trị, đắt tiền; nhưng, đầu tháng 4/2017, quỹ BHYT lại thông báo không thanh toán cho loại thuốc đó nữa.

Thông tư 40 hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT cho rằng thuốc này “không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc được phê duyệt”.

Chữ nghĩa rắc rối, nhưng nói đơn giản là vì trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất không ghi rõ chỉ định sử dụng thuốc này để điều trị bệnh lupus ban đỏ, nên cũng không có trong số đăng ký đã được Bộ Y tế phê duyệt và cơ quan BHXH không đồng ý thanh toán.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, chỉ định điều trị của BS là căn cứ theo hướng dẫn điều trị (của Bộ Y tế, BV, các tài liệu y khoa); theo sách vở chuyên ngành, hoặc các phác đồ hướng dẫn điều trị chuẩn đã được công nhận trên thế giới hoặc phác đồ điều trị của chính BV đó, đã được Sở Y tế TP.HCM phê duyệt.

Việc BS căn cứ một đàng để chỉ định thuốc, trong khi quỹ BHYT lại căn cứ một nẻo để chấp nhận thanh toán là một “lỗi hệ thống”, nếu không chấn chỉnh tận gốc sẽ còn nhiều thuốc khác, nhiều bệnh khác rơi vào tình trạng tương tự.

Vì thông báo BH không thanh toán cho loại thuốc trên, nhiều phụ huynh của BN thật sự chới với tiền triệu trên hóa đơn tiền thuốc, trong khi bệnh của con họ phải điều trị lâu dài. Tiền không có nhưng con thì không thể bỏ mặc cho chết vì bệnh tật mà không chạy chữa là một bi kịch thật sự.

Một BS trẻ chua xót: “BS không thể không kê toa, BN không thể không dùng thuốc. Gánh nặng tiền thuốc không dưng đổ ập xuống đầu nhiều gia đình có phải là mặt trái của “bảo hiểm toàn dân” không?”.

Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, các ban ngành “phản ứng chính sách nhanh hơn, sát hơn nữa”, vòng đời chính sách, nhất là chính sách y tế, phải gắn với vòng sinh mạng của con người. Một ngày chính sách chậm chuyển động là một ngày sinh mạng của những đứa trẻ ngắn đi.

Bệnh tật đâu cần biết đến những quy định. Các quy định phải đồng hành với thuốc men, với phác đồ điều trị, với nhân viên y tế, không được phép chậm một nhịp nào, nếu không…

Khoảng 80% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT, một thay đổi trong chính sách có thể cứu vớt hoặc tàn phá nhiều gia đình, phá vỡ niềm tin vào xã hội, nên những người làm chính sách không được quan liêu, lơ là!   

Thanh Mộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI