“Một mình” nhưng không phải “ế”

13/11/2019 - 14:00

PNO - Nhiều phụ nữ hiện đang chọn “tự mình làm nửa còn lại”. Xu hướng lối sống này khởi nguồn từ các nước phát triển và lan sang các quốc gia đang phát triển.

Trao đổi với tạp chí Vogue của Anh vào đầu tháng 11, ngôi sao Harry Potter và đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc - Emma Watson - tiết lộ định nghĩa mới về tình trạng hôn nhân của mình khi đến gần tuổi 30. Theo Emma, cô chọn “tự mình làm nửa còn lại”, cô gọi đó là “độc hành” thay vì “độc thân” và điều đó giúp cuộc sống của cô hạnh phúc hơn. Đây cũng là xu hướng chung cho một bộ phận đông đảo người trẻ trên thế giới.

Tự làm nửa kia của chính mình 

Đây không chỉ là trạng thái hôn nhân, mà còn là xu hướng mới đang lan truyền nhanh chóng. Mọi người, nhất là phụ nữ, dường như mệt mỏi với thuật ngữ “độc thân”, vốn thường được gắn với sự cô đơn, tuyệt vọng, không hấp dẫn, thậm chí xa lánh xã hội. Ngược lại, việc “tự làm nửa kia” vẫn hướng đến giá trị gia đình, thể hiện quyền lựa chọn, và là một phiên bản nhiều sắc thái hơn của cụm từ “sologamy” - nghĩa là tự kết hôn.

“Mot minh” nhung khong phai “e”
Nhiều ngôi sao trẻ tuổi đang truyền tải thông điệp “tự yêu chính mình” như cách để thoát khỏi áp lực vô hình về một chuẩn mực chung (ảnh từ trái sang: Selena Gomez, Ariana Grande, Emma Watson)

Khởi nguồn từ các nước phát triển và lan sang các quốc gia đang phát triển, xu hướng cho thấy một sự chuyển đổi khỏi việc tập trung vào chuẩn mực xã hội kiểu truyền thống. Ví dụ, ở Kyoto, Nhật Bản, mọi người có thể tìm thấy gói dịch vụ tự kết hôn kéo dài hai ngày, được quảng bá bởi một cơ quan chuyên về du lịch cho người độc thân. Gói hôn lễ trị giá khoảng 2.500 USD, bao gồm áo cưới, bó hoa, làm tóc, đi xe limousine đến buổi lễ, và một album ảnh kỷ niệm. Các loại dịch vụ này đang phát triển mạnh ở Mỹ, Đông Á và châu Âu.

Duyên chưa đến hay sự bứt phá khỏi áp lực

Có một chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi rằng phụ nữ nên kết hôn với đàn ông có trình độ giáo dục nhiều hơn mình; có mức lương bằng hoặc cao hơn, và là người trụ cột chính trong gia đình. Điều này không nhất thiết phải đúng, nhưng nó đã ăn sâu vào tâm trí đại bộ phận người dân trên thế giới, rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Vì vậy, với năng lực và trình độ càng cao, phụ nữ càng khó tìm được một người như ý. Trong khi đó, đồng hồ thời gian cả về mặt sinh học lẫn xã hội liên tục tạo nên sức ép lên họ. Như Emma Watson nói trong bài phỏng vấn: “Nếu bạn chưa xây nhà, nếu bạn chưa có chồng, nếu bạn chưa có con, bạn bước sang tuổi 30, và bạn không ở một nơi cực kỳ an toàn, ổn định trong sự nghiệp, hoặc vẫn đang trăn trở về mọi thứ... nỗi lo lắng lạ thường luôn đeo bám bạn”.

Để thoát khỏi áp lực này, phụ nữ thường có hai lựa chọn: tìm kiếm hay chấp nhận. Năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) phát hiện ra rằng, 15% người Mỹ trưởng thành sử dụng các ứng dụng hẹn hò và gặp gỡ trực tuyến như một cách thực tế để tìm kiếm nửa kia. Ngược lại, nghiên cứu năm 2019 từ Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy, 51% số người trẻ tuổi ở nước này không hề quan tâm đến hẹn hò, và những người sinh từ năm 1980 trở về sau ngày càng lựa chọn cuộc sống “một mình” nhiều hơn. 

Mối đe dọa cấu trúc xã hội

Giữa lúc phong trào nữ quyền ngày càng lan rộng, xu thế “tự mình làm nửa kia” cho chính mình là điều mà truyền thông muốn truyền tải đến công chúng. Một phần, những quan niệm đi ngược lại truyền thống, số đông thường gây ấn tượng mạnh. Phần còn lại, khá nhiều ngôi sao nổi tiếng như Jennifer Aniston, Emma Watson, Selena Gomez, Ariana Grande… đều đang truyền tải thông điệp rằng hãy yêu bản thân nhiều hơn.

Tại Hàn Quốc - khi trung bình 1/2 dân số trong độ tuổi 25-45 chưa kết hôn và Nhật Bản - với 23% nam giới và 14% nữ giới chưa từng kết hôn ở tuổi 50, già hóa dân số cùng tỷ lệ sinh thấp đang là mối đe dọa cho toàn bộ cấu trúc xã hội. Do đó, đây cũng là lúc các quốc gia cần đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn, cũng như đề ra biện pháp khuyến sinh để người trẻ mặn mà hơn với hôn nhân. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI