Một đời gánh gạo nuôi con

22/05/2013 - 17:08

PNO - PN - Đường về thôn Nại Cửu (xã Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị) những ngày tháng Tư trải một màu xanh ngút ngát của lúa, ngô. Trong căn nhà cấp bốn khá khang trang, hai người nông dân tóc ngả màu sương cặm cụi tách trái đậu...

 Mot doi ganh gao nuoi con

Ông Liễu và bà Đông đang nhặt đậu đỏ

Nặng gánh

Ông Liễu và vợ - bà Nguyễn Thị Đông đều sinh ra và lớn lên ở Triệu Đông. Cũng như nhiều gia đình khác, sáu người trong nhà ông Liễu sống, ăn học chỉ dựa vào ba sào ruộng. “Cực lắm, con cái đi học càng cực nữa!” - bà Đông nói. “Bốn người con ăn học, ông bà sao qua được đận khó khăn?” - tôi hỏi. “Nhờ mụ hắn cả đó. Đàn ông tui thì như cái trác, đi về là trống không. Nhờ có mụ hắn biết thu xếp, cất đặt mới được như ngày hôm ni” - ông Liễu nhìn vợ trìu mến. Con cái khôn lớn, đi học, tiền trường, tiền sách vở, áo quần… biến ông bà như con thoi hết ngược biển lại xuôi rừng.

Bà Đông kể, vợ chồng lấy nhau hai bàn tay trắng, dựng một túp lều ọp ẹp. Mùa hè, gà gáy canh ba, ông bà đã trở dậy vắt nắm khoai khô vào lá chuối, thêm bi đông nước chè treo lủng lẳng đầu đòn xóc. Thế là chân đất cuốc bộ lên rừng cách nhà hơn 20 cây số. Trời vừa sáng ăn nắm khoai cầm hơi, lao vào chặt củi, cắt tranh. Chiều tối buộc lại gánh về. “Ui cha, đường xa, cây gai đầy lối đi mà đôi chân cứ bươn qua cho kịp bước ông nó. Ông nó có tật hễ đặt quang gánh lên vai là lúc lắc đi, xa mấy cũng không chịu nghỉ. Vừa đi vừa hối thúc về mau kẻo các con chờ”, bà Đông cười hiền quay sang “kết tội” chồng.

Hết mùa tranh củi, sang mùa buôn xáo. Cũng vẫn đôi quang gánh trên vai, có lúc chiếc xe kéo bằng… sức người, bà bươn bả khắp nơi mua lúa rồi xay thành gạo. Gà gáy canh ba, ông gọi bà trở dậy, ông ra đồng còn bà gánh hai thúng gạo trên vai, chạy bộ ra đến tận chợ Đông Hà. Bán nợ. Tầm trưa, bà quay về với một mối lo rồi lại tiếp tục đi mua lúa. “Vì sao lo?” - “Không lo sao được, gạo bán cho mấy chủ buôn, tiền thì phải đợi đến ba bốn ngày sau, người tử tế thì trả đủ, người không thì bảo gạo thiếu cân, thế là chịu lỗ”. Có bữa bà mua gạo đong bằng cái lon đựng sữa, hì hục cùng cậu con út đẩy xe bò ra chợ. Thấy con cực, lại lo con trễ học, bà quyết định dừng lại bên đường, chịu lỗ để bán gạo bằng cân. Thằng con trai khóc: “Mẹ mua gạo bằng lon thì bán lại bằng lon, ai bảo bán bằng cân cho mất tiền. Đi buôn mà không chịu cực thì đừng đi”. Bà khóc theo.

Cuộc sống một bên là khó nghèo, một bên là nhu cầu của các con đang lớn, ông bà tất bật quanh năm. Người trong làng chẳng mấy khi thấy mặt hai vợ chồng. Muốn gặp chỉ có nước ra đồng. Ban ngày bà buôn gạo, ông đi cày. Ban đêm hai ông bà thắp đèn dầu ra ruộng, cúi sát mặt xuống bùn, mò mẫm cấy mạ. Con lên đại học, mỗi lần thấy bóng con về đầu ngõ là ông bà chia hai ngả, vắt áo lên vai chạy đi vay tiền học phí. Ông kể, thuở nớ làm chi có chuyện sinh viên nghèo được vay ngân hàng như bây chừ. Chỉ có vay nóng bà con lối xóm. Giật gấu vá vai. Có lúc cực quá, ông nổi cáu. Con thấy cha mẹ cực cũng đòi nghỉ học nhưng bà một mực không cho.

 Mot doi ganh gao nuoi con

Vợ chồng ông bà Võ Liễu - Nguyễn Thị Đông

Thảnh thơi tuổi già

Thấu hiểu tấm lòng cha mẹ, bốn người con của ông bà đều nỗ lực học tập. Bà Đông kể, hồi đó các con cũng rất vất vả. Sáng ra cả nhà nấu được non lon gạo với nhúm khoai khô. Bốn đứa chia nhau mỗi đứa lưng bát rồi đến lớp. Nhiều hôm, con đi học về đói quá, mặt xanh ngắt như tàu lá chuối. Được cái đứa nào cũng ngoan, đi học về bỏ cặp sách xuống là lao vào giúp cha mẹ giặt giũ, làm cỏ ngoài vườn, đi chăn trâu. “Nhà nghèo nên đèn dầu cũng phải tiết kiệm. Bốn anh em làm gì cũng mò mò trong bóng tối, cốt để dành chút dầu cho việc học bài. Suốt thời gian học trường làng, thi thoảng mới được ba mẹ sắm quần áo mới nhưng các con vẫn không hề hé răng phàn nàn” - bà Đông nói.

Sau hơn 40 năm chạy chợ trên, buôn chợ dưới, vợ chồng bà Đông đã có thể mãn nguyện. Bốn người con của ông bà, anh Võ Văn Tùng sau khi tốt nghiệp Trường ĐHSP Huế đã hoàn thành luận văn thạc sĩ, đang công tác ở Tây Nguyên; chị Võ Thị Hợi tốt nghiệp ĐHSP Huế, hiện giảng dạy tại trường Triệu Trung; người con trai út Võ Văn Lợi tốt nghiệp Trường ĐHSP Quy Nhơn, đang dạy tại trường cao đẳng Công nghiệp Phú Yên; còn anh Võ Văn Lai đang bảo vệ luận án tiến sĩ tại Hoa Kỳ…

“Vợ chồng tui nghỉ chạy vạy, buôn bán 5 năm ni rồi. Mấy cháu đã học hành đỗ đạt, con cháu đề huề nên bây chừ ông bà chỉ còn lo cho nhau thôi”, bà Đông nói. Gần trọn một đời cực nhọc, giờ mới có phút thảnh thơi. Nhắc đến ông bà, người dân trong làng ngoài xã đều biết. Họ biết ông không chỉ vì bốn người con công thành danh toại mà còn khâm phục ông bởi nghị lực phi thường ông đã chứng minh qua những năm tháng gian khó nuôi con thành tài.

Căn nhà lá của vợ chồng ông giờ đã được các con xây dựng khang trang, vững chãi. Hai ông bà vui vẻ suốt ngày với những câu chuyện hài. Ngày ngày, ông bà chỉ quẩn quanh bên vườn nhà. Mùa Giêng Hai là mùa bắp, nhớ thuở bán buôn, nhớ chợ, bà cũng cắp rổ ra chợ mua bắp sống về luộc để đi bán buổi chợ mai. Ông vui vẻ giúp bà đun củi, thêm nước… “Chừ con cái có tổ ấm hết rồi, hai vợ chồng tui thành vợ chồng son”, ông Liễu nhìn vợ cười hiền.

Ông tâm sự: “Giàu tiền giàu của thì hai vợ chồng tui chưa thấy, nhưng thấy tương lai con cháu mà vui cái bụng lắm. Có cực cũng thảnh thơi”. Nhìn dáng ông bà lom khom chuẩn bị bữa cơm chiều, càng thấm thía hơn câu ca của người dân xứ Quảng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Từ niềm tin ấy, họ đã dìu nhau đi qua bao khốn khó đời người!

 Uyên Ngọc 

Kỳ sau: Một gia đình hiếu học

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI