Một đêm tuyệt diệu

12/04/2020 - 14:09

PNO - Một đêm của giáo sư Trịnh Xuân Thuận giải mã mọi thắc mắc và những khát khao khám phá về bầu trời đêm của con người.

Một đêm trên ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động ở độ cao 4.027m tại Hawaii (nằm giữa Thái Bình Dương), tác giả đã có trọn những khoảnh khắc đắm chìm với bầu trời. Ngọn núi lửa ấy là một trong những nơi tuyệt vời nhất để đặt đài quan sát thiên văn và cũng từ nơi ấy, những “bí ẩn của vũ trụ” đã được khám phá bởi nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận.

Một đêm (nhà xuất bản Trẻ) thuộc dòng sách khoa học - khám phá nhưng lại được chuyển tải bằng mỹ cảm kết hợp của cả văn học, thơ ca, nhạc họa. Chủ đề Đêm được mở rộng, không chỉ là những vì tinh tú trên bầu trời mà còn có những cuộc đối thoại với quá khứ, với lịch sử nhân loại trải qua hàng tỷ năm. Một đêm tuyệt diệu. 

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đến đài quan sát để thực hiện dự án nghiên cứu về các thiên hà lùn xanh, từ đó, ông đã kể cho người đọc nghe về vũ trụ. Không gian ngoài trái đất luôn là điều bí ẩn đối với con người. Khoa học hiện đại, con người đã đặt chân lên sao Hỏa, phần tối của mặt trăng, biết được môi trường trên sao Kim, Hải Vương tinh, Mộc tinh… Ngoài những thiên thể được nhìn thấy bằng mắt thường, còn có triệu triệu thiên hà với số lượng các ngôi sao lên đến hàng trăm tỷ. 

Đọc Một đêm, cảm giác như được chìm đắm cùng tác giả vào bầu trời đêm với sự vô tận và kỳ diệu của vũ trụ. Mặt trời và trái đất chỉ nằm ở vị trí “ngoại ô” so với tâm thiên hà, còn các thiên hà và trăm tỷ ngôi sao quan sát qua kính thiên văn, được mô tả có hình “bánh crepe và các sợi”. Vật chất tối, năng lượng tối, sự giãn nở vĩnh cửu, lửa và băng… những lý giải của khoa học khiến con người phải ngỡ ngàng về thế giới này. Và để biết rằng trái đất mà chúng ta đang sống quả là một hành tinh có sự sống duy nhất và vĩ đại.  

“Từ độ cao của các đài thiên văn, cái nhìn dường như mất hút vào vô cực. Vào ban đêm, một cảm giác không thể diễn tả về sự vô cùng tận và cảm giác choáng váng về sự kết nối với vũ trụ được hòa trộn trong tôi. Vòm trời đầy sao trở nên gần đến mức tôi có cảm giác mình đang trôi nổi trong không gian, như thể chỉ cần giơ tay ra là có thể hái được những ngôi sao trên trời” - tác giả viết.

Cảm giác nằm ngắm bầu trời đêm và thấy mình lạc giữa muôn ngàn vì sao vô tận chỉ có được khi con người ở trên núi, ngoài biển, ở những miền thôn quê. Đó là một cảm giác kỳ vĩ và đẹp đẽ, trong ngần đối với những ai đã từng. Tác giả - bằng chuyên môn quan sát khoa học, đã kể cho tất cả những ai muốn hiểu rõ bầu trời về những điều tuyệt diệu của đêm.

Bắt đầu từ những đám mây đến ánh sáng, sự biến hóa của sắc màu những lúc hoàng hôn và bình minh, về thiên đỉnh, những vệt sáng trên bầu trời, kho chứa các tiểu hành tinh, đám mây sao chổi, những hố thiên thạch hình phễu; về cả đêm trường mùa đông và sự biến mất của khủng long, động vật và thực vật hoang dã sống về đêm, cả minh triết Phật giáo và sự vô thường của thế giới… Con người cũng chỉ là hạt bụi bé nhỏ giữa muôn vàn vũ trụ, trong triệu triệu thiên hà. 

Chỉ một đêm thôi, mà “cái vô hạn” như được nắm “trong lòng bàn tay” (*) của tri thức vũ trụ. Một đêm làm việc miệt mài và mê đắm từ đài thiên văn Mauna Kea, được kể bằng ngôn ngữ rất riêng. Để người đọc khi khép lại cuốn sách, cứ nhìn mãi lên bầu trời và nghĩ về cụm từ “ô nhiễm ánh sáng” mà tác giả đã dùng trong cuốn sách. Bầu trời đêm với những điều tuyệt diệu không dành cho người đô thị - nơi mà ánh sáng nhân tạo đã che lấp hết vẻ đẹp của màn đêm. 

Một đêm là quyển sách mà khi đọc xong, lại vẫn muốn mở ra đọc lại trong nhiều đêm nữa.

Bùi Tiểu Quyên

(*) Cái vô hạn trong lòng bàn tay - tựa một quyển sách của giáo sư Trịnh Xuân Thuận được xuất bản năm 2000.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI