Món quà cho người ở lại

02/12/2022 - 17:34

PNO - Nhiều gia đình có người thân hiến tạng sau khi qua đời đã vỡ òa lúc được gặp những người nhận tạng. Họ cảm nhận một phần của người đã khuất đang tiếp tục sống, như món quà để lại cho đời.

Cuộc hội ngộ xúc động

Tom Johnson gặp Amber Morgan lần đầu tiên vào trung tuần tháng 11/2022, tức 4 năm sau khi ông được ghép tim từ cơ thể của Andreona Williams - cô con gái của Morgan qua đời ở tuổi 20 vì biến chứng hen suyễn. Lắng nghe nhịp tim trong lồng ngực ông Johnson, người mẹ từ bang Indiana, Mỹ xúc động: “Giống như tôi lại được ôm con gái mình. Tôi không nghĩ mình sẽ được nghe lại nhịp tim của con một lần nữa”.

Tom Johnson ở bang Illinois (Mỹ) kể, ông đã gửi thư cho gia đình Morgan vào năm 2019, một năm sau ca cấy ghép. Người đàn ông 69 tuổi muốn bày tỏ lòng biết ơn với quyết định hiến tặng của gia đình. 

Người mẹ Amber Morgan xúc động khi lắng nghe nhịp tim của cô con gái đã mất trong lồng ngực ông Tom Johnson - ẢNH: AP
Người mẹ Amber Morgan xúc động khi lắng nghe nhịp tim của cô con gái đã mất trong lồng ngực ông Tom Johnson - Ảnh: AP

Bản thân ông Johnson sinh ra với một trái tim không hoàn hảo. Các bác sĩ đã thử đặt máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim trước khi kết luận rằng cấy ghép là giải pháp tốt nhất. Ông Johnson cho biết: “Cuộc phẫu thuật ghép tim đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho tôi. Giờ đây, tôi có thể tập thể dục ngoài vườn, đạp xe. Các con trai tôi không thể tin việc giờ đây tôi có thể chạy theo chúng”.

Trong một câu chuyện tương tự, khi con trai của Maria Clark là Nicholas Peters qua đời hơn 2 năm trước vì tai nạn ô tô, người mẹ biết ngay rằng nội tạng của chàng thanh niên 25 tuổi sẽ giúp thay đổi cuộc đời của người khác. Cô Clark - người mẹ 3 con ở Madisonville, bang Louisiana (Mỹ) - bộc bạch: “Khi Peters mất, chúng tôi biết rằng mình không thể chôn vùi tất cả điều kỳ diệu của nó”.

Vào tháng 9/2020, tại thành phố New Iberia, bang Louisiana gần đó, Jean Paul Marceaux (14 tuổi) được chọn là người nhận món quà quý giá từ Peters. Mẹ của cậu bé, Candace Armstrong, thổ lộ: “Đó là một khoảng thời gian khó khăn. Tôi hy vọng một ai đó sẽ hiến tim để duy trì sự sống cho con trai tôi, nhưng điều đó cũng có nghĩa là một người mẹ khác đã mất đi đứa con của cô ấy”. 

Jean Paul khá hơn sau ca cấy ghép và nhanh chóng trở lại trường học. 2 gia đình gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên vào tháng 5/2022. Candace Armstrong cho biết, gia đình cô xem Maria Clark và các con, cháu của cô ấy như một phần của gia đình. Cả hai người mẹ đều hy vọng câu chuyện sẽ truyền cảm hứng cho những người khác trở thành người hiến tạng và ủng hộ việc hiến tạng.

Riêng Clark nói rằng mặc dù cô nhớ con trai mình mỗi ngày, cô cảm thấy vui khi biết rằng Peters hiện đang giúp nhiều người khác có cuộc sống khỏe mạnh. 

Cho đi là còn mãi

Chỉ riêng tại Mỹ, hơn 100.000 người lớn và trẻ em hiện đang nằm trong danh sách chờ cấy ghép, với trung bình mỗi ngày có 17 người chết khi đang chờ được ghép tạng. Ngay cả trong đại dịch, đã có hơn 40.000 ca cấy ghép được thực hiện ở Mỹ vào năm 2021. Mỗi người hiến tặng có thể cứu sống 8 người và cải thiện cuộc sống của hơn 75 người khác nhờ hiến mô. Các cơ quan được cấy ghép nhiều nhất là thận, gan, tim, phổi. 

Có một điều ít người biết đó là gần như không có giới hạn về tuổi tác đối với người hiến tạng. Bert Steck ở Michigan, Mỹ đã rất ngạc nhiên khi biết rằng mẹ của ông - bà Katherine - là một ứng cử viên cho việc hiến tặng mô. Ông Steck kể: “Phản ứng đầu tiên của tôi là bà ấy quá già”, bởi mẹ ông đã 101 tuổi, 5 tháng và 3 ngày khi bà qua đời vào tháng 8/2022.

Dù vậy, tiêu chuẩn y tế đã thay đổi và nhân viên y tế đánh giá rằng các mô của bà Katherine vẫn đủ khỏe mạnh để giúp đỡ người khác. Sau khi tham khảo ý kiến của gia đình, ông Steck quyết định đem món quà của bà Katherine đến giúp đỡ cho hơn 75 người khác.

Trên thế giới, một trong những người hiến tạng lớn tuổi nhất từng được ghi nhận là cụ ông 92 tuổi, hiến tặng lá gan để ghép cho một người 69 tuổi. 

Tại một số quốc gia, việc hiến tạng dần được xem như quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Đạo luật Cấy ghép nội tạng người (HOTA) được thông qua vào năm 2009 tại Singapore đảm bảo tất cả công dân trên 21 tuổi - không bị rối loạn tâm thần - đều có thể tự động đăng ký làm người hiến tạng. Điều này nghĩa là mọi người không chỉ có cơ hội giúp đỡ người khác mà còn được ưu tiên hơn trong danh sách chờ ghép tạng nếu họ cần ghép tạng. Cá nhân có thể khước từ đăng ký thông qua Bộ Y tế Singapore, tuy nhiên họ cũng ít có khả năng được cấy ghép nội tạng hơn nếu cần. 

Một cách làm tương tự cũng được áp dụng ở Mỹ: nếu tự nguyện là người hiến tặng nội tạng, bạn có nhiều khả năng được cấy ghép nội tạng hơn. Hiện tại, Úc có mô hình “chọn tham gia”, trong đó một người trên 18 tuổi có thể quyết định xem họ có muốn hiến tặng nội tạng hoặc mô của mình hay không. Ở Anh, hệ thống tham gia hiến tạng tương tự như của Singapore cũng được áp dụng từ tháng 5/2020. 

Ngọc Hạ

(theo AP, ABC, BBC, Gift of Life)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI