Còn nhiều thị trường tiềm năng
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam - cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm dừng áp thuế đối ứng với hầu hết quốc gia (trong đó có Việt Nam) là tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt. Hiện tại, các DN đều trông chờ vào khả năng đàm phán của Chính phủ để thuế đối ứng sau thời gian tạm dừng chỉ ở mức 10%.
Nếu việc áp thuế đối ứng 46% được thực thi, chắc chắn DN trong hiệp hội sẽ gặp bất lợi lớn bởi đối thủ lớn nhất của cà phê Việt Nam hiện nay là Brazil sẽ tận dụng mức thuế thấp hơn để đưa hàng vào Mỹ nhiều hơn. Trong 2 năm trở lại đây thị trường cà phê thế giới luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Trong khi đó, cà phê robusta của Việt Nam có vị đặc trưng, được nhiều thị trường ưa chuộng.
“Chúng tôi đang tận dụng lợi thế này để đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu cà phê sang các nước châu Âu, Trung Đông và các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Riêng với thị trường Mỹ, Intimex sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh ngay cả khi bị áp mức thuế cao, đồng thời tiếp tục nhập khẩu thực phẩm đông lạnh (gà, bò) từ Mỹ về để góp phần cân bằng thương mại 2 chiều” - ông nói.
 |
Công ty Dony đã chủ động giảm tỉ lệ xuất khẩu hàng vào Mỹ từ 40% xuống khoảng 20%, chuyển hướng xuất khẩu vào Canada, Đức, Nga, Trung Đông, các nước Đông Nam Á - ẢNH: T.HOA |
Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony - cho biết, năm 2021, công ty xuất sang Mỹ 40% sản lượng hàng nhưng nay, công ty chủ động giảm tỉ lệ này còn khoảng 20%, chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Canada, Đức, Nga, Trung Đông, các nước Đông Nam Á. Năm 2024, Dony đã đưa được sản phẩm vào thị trường châu Phi. Theo ông Phạm Quang Anh, quan niệm “thị trường Mỹ lớn, các thị trường khác nhỏ” chưa hẳn đúng. Mỗi thị trường đều có những phân khúc riêng biệt. Ở Mỹ, Dony chỉ xuất được các đơn hàng nhỏ lẻ. Ở Trung Đông, Dony lại xuất được những lô hàng lớn với đơn giá tốt hơn. Đơn hàng đầu tiên mà Dony xuất khẩu sang châu Phi năm 2024 là 110.000 sản phẩm.
Không phải cứ “gõ cửa” là có thị trường
Theo ông Phạm Quang Anh, việc tìm kiếm thị trường mới đòi hỏi phải đầu tư cho khâu tiếp thị, truyền thông, bán hàng. Thị trường mới có nhiều rào cản vô hình như khác biệt về văn hóa, chính trị, khó khăn trong xây dựng niềm tin với đối tác mới, chi phí bán hàng cao… Các DN rất mong Nhà nước, Chính phủ chủ động đàm phán hoặc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ quốc tế.
Ông Đỗ Hà Nam đề xuất, các bộ, ngành cần yêu cầu các ngành hàng báo cáo cụ thể hơn về tác động của thuế đối ứng với DN. Cụ thể là thống kê số lượng DN có thể chuyển đổi được thị trường và những DN không thể chuyển đổi được thị trường để đánh giá tác động, đưa ra đối sách phù hợp, kịp thời. Đối với những DN không thể chuyển đổi được thị trường, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ về tài chính, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực sản xuất…
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) - cho hay, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt doanh thu 360 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ khoảng 540 triệu USD. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị về thích ứng thương mại quốc tế vào ngày 7/4 tại Hà Nội, VINAFRUIT đã nhấn mạnh sự bổ trợ lẫn nhau của ngành hàng nông sản Việt Nam - Mỹ và đề xuất hướng đi cho ngành rau quả trong thời gian tới là xem xét lại mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất, đảm bảo cạnh tranh được với các nước bị áp mức thuế thấp hơn.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh - cho rằng, để DN quay về thị trường trong nước hoặc vừa bán trong nước, vừa xuất khẩu, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực như giảm lãi suất cho vay. Riêng với hàng hóa vào thị trường Mỹ, ông cho rằng, Việt Nam có nhóm hàng hóa có thể được miễn thuế do nước Mỹ không có, không cạnh tranh được. Do đó, cần có sàn giao dịch hàng hóa đủ tầm quốc tế để tăng giá trị các mặt hàng này.
Chủ động đàm phán, triển khai các giải pháp linh hoạt Trong một số ngành hàng, Mỹ chưa nhận được ưu đãi tương tự như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước khác. Việt Nam cần xem xét việc dành cho một số ngành hàng của Mỹ những ưu đãi tương đương với các đối tác thương mại tốt của Việt Nam về thuế quan. Bên cạnh đó, nên mở cửa hơn nữa cho một số ngành công nghiệp của Mỹ vào Việt Nam và thông qua các cam kết mở rộng thương mại. Điều này sẽ tạo điều kiện để phía Mỹ cân nhắc và điều chỉnh lại chính sách thuế. Song song đó, Chính phủ có thể giảm thuế xuất khẩu cho DN Việt Nam. Trong giai đoạn này, chúng ta cần chủ động tìm kiếm các thị trường mới. Cần xem đa dạng hóa thị trường là một yêu cầu cấp thiết. Dù doanh số xuất khẩu ở một thị trường nào đó còn thấp, chúng ta vẫn phải phát triển thị trường đó một cách bền vững. Từ trước đến nay, chúng ta đã quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Mỹ. Nếu những động thái tương tự từ Mỹ được Trung Quốc áp dụng, chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ về lãi suất cho vay cũng là một biện pháp quan trọng để giúp đỡ các DN trong giai đoạn này. Cụ thể, những DN xuất khẩu có thể được hưởng các gói vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ông Trần Nguyên Đán -chuyên gia kinh tế |
Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam Thuế đối ứng của Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư e ngại và làm giảm sút hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới. Để giảm thiểu rủi ro tăng trưởng trong năm 2025, Việt Nam nên đẩy mạnh kích cầu nội địa, thông qua tăng chi tiêu ngân sách cho hạ tầng, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước mà còn gia tăng sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đang hạn chế nợ công và mong muốn giảm vay nước ngoài, song vẫn còn không gian tài khóa để hỗ trợ DN, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy xuất khẩu. Đáng chú ý, gói tín dụng 500.000 tỉ đồng mới được Chính phủ công bố cho các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo… là bước đi kịp thời, thể hiện sự chủ động ứng phó với kịch bản thuế quan tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Song song với đó, trong bối cảnh xu hướng thuế quan gia tăng, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các đối tác như Anh, EU và các nước châu Á như Hàn Quốc... sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu phụ thuộc vào Mỹ và tận dụng vai trò trung tâm kinh tế châu Á. Đây được xem là điểm tích cực để giảm tác động từ thuế quan của Mỹ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy Việt Nam cần tăng cường đối thoại cấp cao với Mỹ. Thực hiện đàm phán, ngoại giao nhân dân cũng như vận động các DN có lợi ích với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để chúng ta có tiếng nói trong quá trình đàm phán. Nâng cao năng lực nội tại về pháp lý và pháp luật trong việc xử lý các vụ kiện và phòng bị thương mại. Hỗ trợ các DN tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ và đa dạng hóa thị trường. Với các DN, có 4 trụ cột cần thay đổi: Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị). Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới. Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các DN và cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Các DN cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi. Mộc Miên |
Mai Ca - Thanh Hoa