Ăn ngon - Sống khoẻ

Mì ăn liền làm từ các nguyên liệu gì?

28/11/2022 - 08:24

PNO - Ngoài nguyên liệu chính là bột lúa mì, trong một số loại mì có bổ sung thêm vi chất thường thiếu hụt trong bữa ăn của người Việt Nam.

* Con tôi rất thích ăn mì gói nhưng tôi còn băn khoăn về các loại nguyên liệu làm nên gói mì. Xin hỏi ngoài nguyên liệu chính là bột mì, trong gói mì có thêm vi chất gì không? Các gói rau củ khô, gói gia vị trong mì có an toàn không? Một số mì ghi “mì bột đậu xanh”, mì “khoai tây”… nghĩa là thế nào?

Thanh Xuân (huyện Hóc Môn, TPHCM)

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - trả lời: Một sản phẩm mì ăn liền hoàn chỉnh thường bao gồm các thành phần chính là vắt mì và các gói gia vị kèm theo. Vắt mì được làm chủ yếu từ bột lúa mì, một số loại mì có thể thêm tinh bột đậu xanh hay tinh bột khoai tây. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm và hương vị mà các gói gia vị đi kèm có thể bao gồm một hay các loại gói gia vị: gói xúp, gói dầu, gói rau sấy. Một số dòng sản phẩm khác còn có thêm gói thịt hầm đi kèm hoặc các nguyên liệu sấy như tôm, trứng, thịt gà, thịt heo…

Ngoài nguyên liệu chính là bột lúa mì, trong một số loại mì có bổ sung thêm vi chất thường thiếu hụt trong bữa ăn của người Việt Nam. Như một số sản phẩm mì cho trẻ em còn bổ sung canxi trong mỗi gói mì, không chỉ làm tăng khẩu phần canxi ăn vào mà còn giúp cải thiện tỉ số canxi/phosphor của bữa ăn làm cho lượng canxi trong chế độ ăn của trẻ được hấp thu tốt hơn, hỗ trợ tăng chiều cao.

Ngoài ra, mì ăn liền còn cung cấp các vi chất dinh dưỡng có trong thành phần của các thực phẩm tạo nên gói mì như một số vitamin nhóm B từ vắt mì, kali từ rau củ của gói rau sấy… Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần kết hợp nhiều nhóm chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác để cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Cụ thể:

- Thêm rau xanh để có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).

- Chế biến mì gói cùng với thực phẩm giàu đạm để có đủ ít nhất 5 nhóm thực phẩm trong “1 bữa ăn mì ăn liền”. Bổ sung vào tô mì khoảng 2-3 miếng thịt gà, 1 quả trứng hoặc 2-3 con tôm để bữa ăn có thêm năng lượng từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật.

Liệu các gói rau củ khô, gói gia vị trong mì có an toàn?

Gói rau sấy trong mì ăn liền thường được làm từ hành lá, nấm, bắp (ngô), cải thảo, cà rốt, bạc hà… để đảm bảo sự ngon miệng, cung cấp chất xơ và vitamin, khoáng chất với tỉ lệ và thành phần tùy theo nhà sản xuất.

Trong quá trình sản xuất, các loại nguyên liệu rau củ đã được sấy khô ở điều kiện phù hợp bằng công nghệ hiện đại để giữ lại độ tươi, ngon của nguyên liệu sao cho khi người tiêu dùng đổ nước sôi vào, các nguyên liệu này sẽ hoàn nguyên, trở lại trạng thái ban đầu. Các nguyên liệu được lựa chọn có nguồn gốc rõ ràng; cùng những kiểm tra khắt khe về cảm quan, hóa lý, vi sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh… nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Gói xúp gia vị được phối trộn các nguyên liệu như đường, muối, chất điều vị, tiêu, ớt, tỏi, bột tôm, bột thịt gà, bột thịt heo… Việc chế biến được nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng về tỉ lệ các loại nguyên liệu, thời gian, nhiệt độ… để đảm bảo hương vị hài hòa, đậm đà, phù hợp nhất với khẩu vị và an toàn với người sử dụng. 

Còn về mì bột đậu xanh, mì khoai tây có nghĩa là trong thành phần tạo nên vắt mì thì ngoài bột lúa mì, sợi mì được bổ sung một lượng tinh bột khoai tây hoặc tinh bột đậu xanh, tạo nên sự khác biệt về khẩu vị và đặc biệt là tăng tính đa dạng thực phẩm cho thành phần 1 gói mì về nhóm thực phẩm và số loại thực phẩm. Việc bổ sung này giúp tăng giá trị dinh dưỡng của sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ăn nhanh, bổ dưỡng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. 

B.T. (ghi)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI