Mẹ ở đâu trong cuộc tranh giành?

14/12/2015 - 10:30

PNO - Bà Đ.T.H. (93 tuổi, Q.6) không biết chữ. Trong đơn lăn dấu vân tay thay chữ ký gửi báo Phụ Nữ, bà cầu cứu rằng có nguy cơ ra vỉa hè sống.

Theo đơn, người gây ra nguy cơ này chính là con trai cả của bà - ông N.C.M.6, TP. HCM.

Mẹ kiện con

Ông N.Đ. (con trai út đang sống cùng bà H.) kể, năm 1976, ông M. đang làm cán bộ tại Q.6 kêu mẹ bán nhà ở Q.Tân Bình về P.11, Q.6 mua một căn nhà cấp bốn cùng mảnh đất trống xung quanh, có diện tích tổng cộng hơn 1.000m2 (tạm gọi là căn nhà A và hai thửa đất B, C - PV). Bà H. không biết chữ, giao ông M. quyền mua bán và đứng tên sở hữu. Năm 1988, ông M. lập văn tự ủy quyền sở hữu nhà lại cho mẹ.

Theo đó, ông M. thừa nhận: “Nhà do mẹ ruột mua và giao cho tôi đứng tên, nay tôi không có khả năng thanh toán lại cho mẹ tôi, nên xin giao lại quyền sở hữu chủ căn nhà nói trên lại cho mẹ tôi sử dụng”. Có điều, văn tự này ngoài ký tên mình, ông M. còn giả chữ ký của vợ (người đồng ủy quyền) và giả luôn chữ ký người nhận là bà H.

Tháng 7/1988, bà H. được UBND Q.6 cấp giấy phép chuyển dịch nhà. Ông Đ. cho hay: “Sau đó, toàn bộ giấy tờ nhà mẹ giao cho vợ chồng anh M. cất giữ. Năm 2006, trong lễ mừng thọ mẹ không có mặt anh em tôi, cha con anh M. đã lừa mẹ lăn tay vào hợp đồng tặng căn nhà cho họ. Mãi sau này, mẹ tôi bảo vợ chồng anh M. đưa giấy tờ nhà đất để chia cho các con, bà mới biết bị lừa và năm 2008, vợ chồng anh M. đã hợp thức hóa quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ diện tích nhà và đất nói trên”. Năm 2011, bà H. gửi đơn đến tòa, yêu cầu công nhận quyền sử dụng hai thửa đất B, C. Riêng căn nhà A, do vợ chồng ông M. đã đứng tên sở hữu, bà không tranh chấp.

Me o dau trong cuoc tranh gianh?
Bà H. bên bàn thờ chồng

Tháng 9/2015, TAND Q.6 mở phiên sơ thẩm, nhận định việc bà H. đưa tiền cho con trai mua nhà đất hoàn toàn không bằng chứng. Tòa khẳng định việc UBND Q.6 cấp chứng nhận quyền sử dụng hai thửa đất B, C cho vợ chồng ông M. vào năm 2008 là hoàn toàn hợp pháp; tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà H. đối với yêu cầu công nhận quyền sử dụng hai thửa đất B, C.

Trao đổi với phóng viên, ông Đ. khẳng định hai thửa đất B, C chính mẹ con ông mới là những người trực tiếp quản lý, canh tác, gìn giữ cho đến nay; gia đình ông M. đã rời đi từ năm 1988 thì làm sao quản lý, canh tác? Ông Đ. nói thêm, việc viết văn tự ủy quyền nhà cho mẹ năm 1988, nhằm để sau đó, ông M. được Nhà nước cấp cho căn nhà khác theo chính sách nhà ở dành cho cán bộ, công chức khó khăn về chỗ ở lúc bấy giờ.

Trong khi đó, theo chị N.T.T.V. (con gái và là người đại diện cho ông M.), nguồn gốc nhà đất do cha mẹ chị mua từ tiền lương được truy lãnh vào năm 1976, còn hợp đồng tặng cho sau đó là do bà H. tự nguyện. Sau khi ủy quyền sở hữu nhà cho mẹ, vợ chồng ông M. tuy ra ngoài sống nhưng với diện tích đất trống xung quanh căn nhà, họ vẫn tiếp tục sử dụng, canh tác nuôi heo, thả cá, trồng dừa.

Bi kịch xào xáo

Ông M. cho biết: “Hoàn toàn không có chuyện mẹ đưa tiền mua nhà đất”. Ngay khi ông và vợ về Q.6 nhận công tác rồi mua được nhà đất năm 1976, ông đón mẹ và các em về ở chung, sau khi bà H. bán nhà đã xập xệ, dột nát ở Q.Tân Bình. Trong lúc ông ra Bắc học tập, ở nhà gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, nên sau đó ông đưa gia đình nhỏ của mình ra ngoài thuê trọ. Ông đã giấu vợ chuyện cho mẹ căn nhà và tự làm văn tự ủy quyền. Đó cũng là lý do ông thừa nhận trong văn tự là “Nhà do mẹ ruột mua…”.

Ra ngoài sống trọ một thời gian, ông M. được cấp nhà và khi Nhà nước hóa giá, vợ chồng ông đã mua lại. Riêng căn nhà A, bà H. sống với các con cũng không mấy hòa thuận, các em ông từng nhiều lần lừa mẹ lấy văn tự rao bán nhà. “Một bữa, bị các em uy hiếp, mẹ mang văn tự đến đưa tôi nhờ cất giữ và để bảo toàn, bà đề nghị trả lại nhà cho chúng tôi” - ông M. nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI