Những nữ khoa học gia với sứ mệnh vì sinh mạng con người - Bài cuối:

Marie Curie - Nữ khoa học gia vĩ đại nhất thế kỷ XX

16/09/2021 - 08:19

PNO - Marie Curie không đơn thuần là một nhà khoa học vĩ đại, mà còn là người đã mở ra cánh cửa cho rất nhiều thế hệ phụ nữ can đảm theo đuổi con đường khoa học của mình.

>>Những nữ khoa học gia với sứ mệnh vì sinh mạng con người - Bài 5: Gerty Cori - người được đặt tên trên… mặt trăng

Thiên tài và nỗ lực
Marie Sklodowska sinh ngày 7/11/1867 tại Ba Lan và lớn lên trong thời kỳ Nga chiếm đóng. Mẹ mất vì bệnh lao khi bà chỉ mới mười tuổi. 

Marie là thần đồng văn học lẫn toán học. Cha của Marie, một giáo viên khoa học, dù luôn khuyến khích nhưng không đủ khả năng cho bà vào đại học. Marie đã làm gia sư đến năm 24 tuổi mới dành dụm đủ tiền đến Paris - một trong số ít những nơi tại châu Âu vào thời điểm đó trao cơ hội phát triển và học tập cho phụ nữ.

Nữ khoa học gia Marie Curie
Nữ khoa học gia Marie Curie

Tại kinh đô ánh sáng, Marie đắm mình trong toán học và kiếm sống bằng việc lau chùi đồ thủy tinh trong phòng thí nghiệm của trường đại học. Niềm đam mê quá lớn đôi khi khiến bà bị suy kiệt vì ít ăn, nhưng thành quả là xứng đáng với một tấm bằng vật lý được trao vào năm 1893, và một bằng khác về toán học sau đó một năm.

Năm 1894, Marie gặp Pierre Curie, một nhà vật lý 35 tuổi tài ba. Pierre lập tức bị thu hút bởi trí tuệ và động lực khác thường của Marie, và cầu hôn bà. Họ kết hôn vào năm 1895.
Họ sống giản dị trong một căn hộ nhỏ cách phòng thí nghiệm chỉ một quãng đi bộ. Pierre kiếm được 6.000 franc (tương đương 30.000 USD) mỗi năm, trong khi Marie làm việc miễn phí trong phòng thí nghiệm và chuẩn bị thi lấy chứng chỉ dạy học.

Con gái đầu lòng của vợ chồng Curie - Irène, sinh năm 1897. Vào thời điểm hạ sinh con gái thứ hai (1904), Marie đã quá quen với sự coi thường của các đồng nghiệp. Họ cho rằng bà dành quá nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm, thay vì ở nhà chăm trẻ. Tuy nhiên, Marie đã chứng minh rằng họ sai hoàn toàn.

Hai giải Nobel ấn tượng 

Trong các phòng thí nghiệm trên khắp châu Âu, các nhà khoa học đang nghiên cứu những hiện tượng mới và đáng ngạc nhiên. Năm 1895, Wilhelm Röntgen phát hiện ra tia X, và Henri Becquerel trong lúc nghiên cứu lân trong muối uranium đã tình cờ phát hiện phóng xạ. Năm 1897, J. J. Thomson phát hiện ra các hạt mang điện tích âm, mà ngày nay chúng ta gọi là electron.

Marie đã dựa trên những quan sát của Becquerel về nguyên tố uranium và đưa ra một giả thuyết táo bạo: Các tia phát ra có thể là đặc tính cơ bản của nguyên tử uranium, mà ngày nay chúng ta biết là các hạt hạ nguyên tử được giải phóng khi các nguyên tử phân rã. Lý thuyết của bà có ý nghĩa triệt để. Giả thuyết của Marie đã thay đổi sự hiểu biết khoa học về vật chất ở cấp độ nhỏ nhất.

Năm 1898, Marie tìm ra một nguyên tố hoàn toàn mới và đặt tên nó là polonium, theo tên quê hương của bà (Poland). Năm tháng sau, bà tìm thêm được một nguyên tố thứ hai: radium. Cái tên này được đặt dựa theo khả năng phóng xạ của nó.

Năm 1903, Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Pháp có bằng tiến sĩ vật lý. Các giáo sư đã xem xét luận án tiến sĩ của bà về bức xạ và tuyên bố rằng đó là đóng góp lớn nhất cho khoa học từng được viết ra.

Tin đồn về giải Nobel bắt đầu lan truyền, nhưng một số thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp cho rằng công trình sáng chói đó không phải do Marie mà là các đồng nghiệp của bà. Họ lặng lẽ vận động hành lang để giải thưởng được chia cho Henri Becquerel và Pierre. Nhưng Pierre khẳng định Marie mới chính là người đã nghiên cứu, hình thành các thí nghiệm và tạo ra các lý thuyết về bản chất của hiện tượng phóng xạ.

Cuối cùng, giải Nobel vật lý được chia đều cho Marie, Pierre và Henri. Đây là lần đầu tiên một người phụ nữ được xướng tên.

Tại lễ trao giải, chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trích dẫn Kinh thánh trong nhận xét của ông về nghiên cứu của nhà Curie: “Thật không tốt khi người đàn ông ở một mình, tôi sẽ tạo ra một kẻ trợ giúp cho anh ta”. Rõ ràng đó là một nhận xét ác cảm nhất dành cho một người phụ nữ đoạt giải. Vậy mà quan điểm cho rằng Marie chỉ là người trợ giúp cho Pierre được thừa nhận rộng rãi trong công chúng.

Tại Đại học Sorbonne, Pierre được trao chức vụ giáo sư danh giá, còn Marie thậm chí không được thăng chức. Ông đã thuê thêm trợ lý và đưa vợ mình trở thành người đứng đầu chính thức của phòng thí nghiệm, để bà có thể tự do tiến hành các thí nghiệm, và lần đầu tiên được trả tiền cho việc đó.

Đáng tiếc, sự hợp tác thành công nhất giữa vợ và chồng trong lịch sử khoa học đột ngột kết thúc vào ngày 19/4/1906, khi Pierre bị một chiếc xe ngựa đâm chết trên đường về nhà.
Marie tiếp quản vị trí của Pierre tại Sorbonne, trở thành người phụ nữ đầu tiên dạy học ở đó. Năm 1910, Marie xuất bản một chuyên luận dài 971 trang về hiện tượng phóng xạ. Tuy nhiên, một số đàn ông trong giới khoa học vẫn không xem Marie bình đẳng với mình. Bà nộp đơn xin gia nhập Viện Hàn lâm khoa học Pháp vào năm 1910 nhưng vẫn bị từ chối bởi hai phiếu bầu, bởi ý kiến cho rằng “phụ nữ không thể là một phần của viện Pháp”.

Năm 1911, Marie nhận được giải Nobel thứ hai ở lĩnh vực hóa học, cho việc khám phá ra polonium và radium. Trong bài phát biểu nhận giải ở Stockholm, Marie bày tỏ lòng kính trọng đối với chồng, nhưng nhấn mạnh công việc của mình không phụ thuộc vào ông, khẳng định những đóng góp riêng biệt của từng người, và mô tả những khám phá bà đã đạt được sau khi ông qua đời.

Di sản để lại cho nhân loại
Cuối năm 1911, Marie ốm nặng và được phẫu thuật tử cung và thận. Năm 1913, bà khai trương và đứng đầu một cơ sở nghiên cứu mới ở Warsaw. Khi đang thành lập viện thứ hai ở Paris, Thế chiến thứ nhất nổ ra, Marie đã trang bị 18 trạm X-quang di động điều trị cho những người lính bị thương. Bà còn tự vận hành, sửa chữa máy móc, và thiết lập thêm 200 trạm X-quang thường trực trong chiến tranh.
 

Missy Meloney, nữ phóng viên đã phỏng vấn Marie vào năm 1920 cho tạp chí The Delineator biết gia đình Curie chưa bao giờ được cấp bằng sáng chế cho quy trình làm sạch radium.

Trong khi đó, các nhà khoa học và các công ty hóa chất của Mỹ đã chế biến radium, bán nó để điều trị ung thư và nghiên cứu quân sự với giá 100.000 USD/gram. Marie thậm chí không đủ tiền mua được nguyên tố mà bà đã khám phá ra. Meloney đã lập ra Quỹ Marie Curie Radium để quyên góp tiền mua radium cho quá trình nghiên cứu tiếp theo của Marie, trong đó có ý định sử dụng radium để điều trị ung thư.

Nhiều phóng viên đã mô tả bà là “Jeanne d’Arc của phòng thí nghiệm”, với khuôn mặt “đau khổ và kiên nhẫn”. Nỗ lực của Meloney đã thành công. Cô quyên góp được hơn 100.000 USD trong vòng vài tháng, đủ để mua một gram radium cho Viện Curie ở Paris. Marie đã mang một gram radium về đến Paris trong một chiếc lọ do Tổng thống Harding trao tại Nhà Trắng. Bà đã làm việc trong phòng thí nghiệm của mình cho đến khi qua đời ở tuổi 66 vào năm 1934.

Với phong trào nữ quyền trỗi dậy những năm 1960 và 1970, danh tiếng của Marie lần nữa được tái khẳng định và đưa lên trang nhất. Nhà vật lý Rosalyn Yalow, chủ nhân giải Nobel 1977, đã nói rằng Marie chính là nguồn cảm hứng của cô. Truyền thông, nghệ thuật và điện ảnh cũng dần nhìn nhận bà dưới một góc nhìn hoàn toàn mới.

Mặc dù không cố ý, nhưng các nghiên cứu khoa học của Marie Curie đã thay đổi mạnh mẽ diện mạo của ngành y, đặc biệt là trong chẩn đoán - điều trị bệnh ung thư và sinh học phóng xạ. Cốt lõi nằm ở khả năng xuyên thấu và diệt tế bào của bức xạ mạnh. Ngày nay, hàng triệu phụ nữ có thể phát hiện sớm nguy cơ ung thư vú là dựa vào thứ kỹ thuật được Marie đã đặt nền tảng từ 100 năm trước. Việc tiêm chất phóng xạ vào cơ thể cũng là phương thức điều trị hiệu quả căn bệnh quái ác này, dựa trên nguyên lý tiêu diệt các tế bào mang bệnh, nhưng hạn chế tối đa thương tổn cho cơ thể.

Bên cạnh đó, phóng xạ còn được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp và nông nghiệp. Ví dụ tia X quét tại sân bay, lai tạo các giống cây trồng, điều chỉnh khả năng sinh sản của côn trùng…

Tại Việt Nam, Bệnh viện K - đơn vị chuyên khoa đầu ngành ung bướu - đã khánh thành tượng Marie Curie vào năm 2018 nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của bà. Tiền thân của Bệnh viện K là Viện Curie Đông Dương được xây dựng vào năm 1923. Đích thân nữ khoa học gia người Pháp đã gửi những mẩu radium về viện để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân và nhiều lần thúc đẩy sự phát triển của cơ sở này.

Phải mất một thế kỷ, cuối cùng chúng ta cũng có thể đánh giá Marie ở đúng vị trí bà xứng đáng: một phụ nữ đa diện với sự mạnh mẽ, thông minh, can đảm và sở hữu ý chí khác thường. Marie không đơn thuần là “một nhà khoa học nữ tài ba”, mà là một trong những nhà khoa học xuất chúng nhất thế kỷ XX và cả lịch sử nhân loại. 

Chí Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI