Mảnh ghép mang tên ý thức

22/02/2021 - 08:14

PNO - Bóng ma COVID-19 vẫn đang thường trực và sẵn sàng chụp xuống thành phố bất cứ lúc nào. Ta đã nỗ lực thì nay phải nỗ lực hơn. Ta đã chủ động và quyết liệt thì nay lại càng phải chủ động và cương quyết.

Cho đến hôm nay, có thể nói, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc kiểm soát đợt dịch thứ ba. Ngoài tỉnh Hải Dương với số ca nhiễm vẫn chưa dừng lại, nhưng phần lớn đã được cách ly ngay từ đầu, nhiều tỉnh, thành khác chưa ghi nhận thêm ca mắc mới. Riêng tại TPHCM, sau một thời gian quyết liệt phong tỏa, cách ly, lấy mẫu giám sát chủ động và không có thêm ca nhiễm, nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại, nhiều khu vực đã được gỡ phong tỏa.

Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn không thể lạc quan quá sớm hay lơ là phòng bị. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, COVID-19 không thể kết thúc trong sáu tháng đầu năm, thậm chí đến hết năm 2021 vẫn chưa kết thúc. Người đứng đầu ngành y tế khẳng định, đợt dịch thứ ba “tương đối phức tạp”, bởi virus đã có nhiều biến chủng, tốc độ lây lan nhanh hơn và độc tính cũng mạnh hơn. Quan trọng hơn hết, dịch hiện đã xâm nhập vào cộng đồng và không ai biết chắc còn có bao nhiêu F0 ngoài kia, khi nhiều ca nhiễm không có triệu chứng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các địa phương cả nước sáng ngày 19/2
Nhiều người dân lơ là, chủ quan, không đeo khẩu trang phòng dịch 

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, TPHCM lại buộc phải chấp nhận hy sinh một phần kinh tế khi đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu, ban hành hướng dẫn cách ly mới, giảm quy mô lẫn số lượng những hoạt động có thể dẫn đến tụ tập đông người. Trong cả hai đợt dịch trước lẫn lần này, TPHCM đã thể hiện một quyết tâm cao độ, đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu, thậm chí sẵn sàng áp dụng các biện pháp cứng rắn. 

Thế nhưng, trái với sự nỗ lực ấy của chính quyền thành phố và lực lượng y tế, đây đó vẫn có những con người thờ ơ trước dịch bệnh theo kiểu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Bất chấp yêu cầu dừng các nghi lễ tôn giáo tụ tập quá 20 người của UBND TPHCM, tối 18/2, chùa Viên Giác (quận Tân Bình) vẫn để cho Phật tử tụ tập hành lễ đông đảo. Có lẽ nhà chùa đã quên vụ lây lan dịch bệnh ở giáo phái Tân Thiên Địa (Hàn Quốc), qua những buổi lễ. 

Ở nhiều địa điểm công cộng, không khó để bắt gặp cảnh một số người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Trong quán xá, rất ít quán thực hiện giãn cách bàn ghế. Dân nhậu vẫn cụng ly và phả thẳng hơi thở vào mặt nhau, bất chấp nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế rằng trong đợt dịch này, virus đã lây qua đường không khí.

Nếu (mong là điều này đừng bao giờ xảy ra) một hay nhiều trong số những bệnh nhân tiềm năng ấy nhiễm virus, chắc chắn thành phố sẽ phải siết chặt hơn các biện pháp an toàn, sẽ phải tiếp tục cách ly, phong tỏa và oằn mình chống chọi với đại dịch.

Chỉ một vài người thiếu ý thức thôi, bao công sức và kết quả phòng, chống dịch bấy lâu sẽ có thể đổ sông đổ biển. Thế thì, nếu một số công dân ấy không thể tự nâng ý thức, không quan tâm đến sức khỏe bản thân và những người xung quanh, nên chăng chúng ta “cách ly” họ khỏi cộng đồng để đừng trở thành nguy cơ cho người khác? Nếu mức phạt từ 1-3 triệu đồng cho hành vi không đeo khẩu trang không khiến họ e ngại, liệu có thể cứng rắn hơn với họ không?

Một mùa nghỉ tết vừa kết thúc. Người lao động từ khắp các địa phương đã quay trở lại TPHCM làm việc. Cư dân thành phố cũng đã trở về sau những chuyến du lịch. Họ đã gặp bao nhiêu người, gặp ai, dự bao nhiêu cuộc tiệc tùng… trong những ngày qua?

Bóng ma COVID-19 vẫn đang thường trực và sẵn sàng chụp xuống thành phố bất cứ lúc nào. Ta đã nỗ lực thì nay phải nỗ lực hơn. Ta đã chủ động và quyết liệt thì nay lại càng phải chủ động và cương quyết. Những người quay trở lại thành phố cần nắm rõ lịch trình đi lại, sinh hoạt của mình, chủ động khai báo y tế rõ ràng, trung thực, bởi đó là cách tốt nhất để sàng lọc nguy cơ, chủ động ứng phó. Nếu rơi vào trường hợp cần cách ly thì nên tự giác, nghiêm túc chấp hành để thành phố không phải mất thêm công sức cưỡng chế, truy tìm.

Trong những ngày tết Tân Sửu, đã có rất nhiều công dân thành phố treo status lên mạng xã hội xin lỗi người quen, thân nhân về việc họ sẽ ở yên trong nhà, miễn tiếp khách và hạn chế đi lại để góp sức phòng, chống dịch. Vậy mà, ở phía ngược lại, một bộ phận cư dân vẫn thản nhiên. Lẽ nào họ đợi bị quất roi như ở Ấn Độ mới chịu tuân thủ quy định, mới chịu bảo vệ mình và người khác? 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI