Mang thai đa ối có sao không?

04/11/2020 - 19:08

PNO - Những dị tật ở thai nhi thường gặp gây ra thai đa ối là em bé có các bất thường ở hệ tiêu hóa (hẹp hậu môn, dị tật tắc ruột…), hở hàm ếch...

Vợ chồng tôi trắc trở đường con cái, phải làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần. Lần trước, vợ tôi có thai nhưng phải đình chỉ thai kỳ vì em bé bị dị tật não úng thủy nặng. Vượt qua khó khăn về tâm lý, vợ tôi mới có thai lại. Nhưng gần đây, khi đi siêu âm (thai đã được 26 tuần), bác sĩ ghi nhận vợ tôi bị mang thai đa ối.

Bác sĩ giải thích có ba tình huống xảy ra: có thể do vợ tôi bị tiểu đường thai kỳ, thai có dị tật hoặc không rõ nguyên nhân. Thế nhưng, qua siêu âm bác sĩ chưa phát hiện bất thường ở thai nhi và kết quả xét nghiệm cho thấy vợ tôi không bị tiểu đường. Nếu em bé bị bất thường thì đa ối sẽ liên quan tới các dị tật gì? 

Phạm Minh Hoàng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, chuyên khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: 

Trước tiên, vợ chồng anh cần bình tĩnh, theo dõi thêm một thời gian. Tiểu đường thai kỳ, thai bị một số dị tật có thể gây ra tình trạng đa ối nhưng vẫn có nhiều trường hợp thai đa ối không rõ nguyên nhân.

Những dị tật ở thai nhi thường gặp gây ra thai đa ối là em bé có các bất thường ở hệ tiêu hóa (hẹp hậu môn, dị tật tắc ruột…), hở hàm ếch nên bé không uống nước ối và đi tiểu dẫn tới tình trạng nước ối bị thừa. Tuy nhiên, những dị tật kể trên không nằm trong nhóm chỉ định đình chỉ thai kỳ, sau khi em bé được sinh ra có thể phẫu thuật sửa chữa được. 

Không phải tất cả trường hợp mang thai đa ối đều nguy hiểm, nếu được chẩn đoán chỉ dư nước ối nhẹ thì không gây ảnh hưởng gì. Trong trường hợp kết quả chẩn đoán xác định mang thai đa ối nặng, thai phụ sẽ được bác sĩ tư vấn, theo dõi chặt chẽ. Trong tình huống khẩn cấp, đe dọa thai kỳ, có một số biện pháp can thiệp như phải chọc ối để rút bớt nước ối…

Trâm Anh (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI