Mai này, họ lại vươn khơi

01/07/2016 - 11:14

PNO - Họ vẫn bám biển, bởi ở đó là máu thịt, là áo cơm, là thanh bình, là niềm tin; ở đó họ chính là họ - những ngư phủ chiến đấu đến tàn hơi, dẫu thành quả mang về nhiều khi là bộ xương cá...

Mai nay, ho lai vuon khoi
Họ vẫn bám biển, bởi ở đó là máu thịt, là áo cơm, là thanh bình, là niềm tin

Thủ phạm cá chết đã được lôi ra ánh sáng. Nỗi vui mừng trào lên trên gương mặt ngư dân làng biển sau ba tháng đợi chờ. Ba tháng như ba năm, như ba mươi năm dằng dặc, bởi một ngày trôi qua là trĩu nặng câu hỏi tại sao, tại ai? Họ vẫn bám biển, bởi ở đó là máu thịt, là áo cơm, là thanh bình, là niềm tin; ở đó họ chính là họ - những ngư phủ chiến đấu đến tàn hơi, dẫu thành quả mang về nhiều khi là bộ xương cá...

“Rứa hả, chú nói thiệt không? Tìm ra thủ phạm làm cá chết rồi hả?”, giọng ngư dân Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An (Phú Vang - Thừa Thiên - Huế) vỡ òa. “Chính phủ đã tìm ra thủ phạm làm cá chết hàng loạt, điều ni giống như bà con ngư dân miền Trung đã cởi được dây trói trong ruột, trong gan. Sợ nhất là tìm không ra, là tụi tôi chết đói, mà bà con trên bờ cũng đói cá, dân mình quen ăn cá rồi mà chú…”, ánh cười lấp lánh trên gương mặt sạm gió và nước biển của anh Chinh.

Không mừng sao được, những ngày u ám vừa qua, hải sản đánh bắt dù rất xa bờ cũng không tiêu thụ được tại địa phương, gia đình anh phải đôn đáo chạy bán khắp nơi để khỏi lâm vào cảnh đói ăn, nợ nần. Cơn bão cá chết gieo thảm họa trong từng bữa ăn, góc bếp các làng chài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.

Ba tháng ròng, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ treo lưới, nắng gió làm bạc thếch thân tàu. Nhưng không ít người trong số các chủ tàu vẫn cầm lòng mà ra đi. Không chỉ tìm ngư trường ngoài 20 hải lý theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, họ còn đi xa hơn nữa, bỏ tiền dầu, tiền công nhiều hơn để tạm tránh vùng biển nghi nhiễm độc. Những chuyến đi đằng đằng để mang con cá an lành về cho người đất liền chỉ bám vào hy vọng mơ hồ, mong manh rằng cá sẽ được mua, rằng vẫn có người tin vào lòng ngư phủ.

Mai nay, ho lai vuon khoi
Gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở xã Vinh Thanh đang chuẩn bị ngư cụ để tiếp tục bám biển mưu sinh

Tôi đến hơi trễ, nắng đã lên cao, trên cảng Thuận An, chủ tàu Trần Văn Chiến quyết liệt: “Cả đời đi biển, đâu có bỏ được, mấy tháng qua cứ hết đứng lại ngồi chờ tin, chừ thì biết rồi, mọi thứ đã rõ ràng, chúng tôi chỉ chờ ngày biển được làm sạch là ra khơi. Cá sạch thì mình sống thôi”.

Kéo tấm lưới qua một bên rồi ngồi xuống, ông Nguyễn Văn Tám ở xã Vinh Thanh, H.Phú Vang trầm tư: “Không phải bà con chúng tôi cứ ngồi đợi Nhà nước cho tiền đền bù mà không chịu ra khơi. Bà con chúng tôi ở đây đã bám biển bốn đời rồi, không thể trông mong mãi vào các khoản đền bù, trợ cấp. Nếu nhanh chóng có các biện pháp xử lý để biển an toàn, cá không độc, ngư dân và cả những người dân trở lại sử dụng cá là chúng tôi yên tâm ra khơi, không làm gánh nặng cho Nhà nước nữa”. Giọng người miệt biển thật thà như đếm, họ sống đâu cần dựa vào ai, mà chỉ mong sự công bằng. Lòng tự trọng của người miền biển mạnh như sóng và trong như nước…

Mai nay, ho lai vuon khoi
Ngư dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang phấn khởi trúng mẻ cá lớn

“Sướng quá chú ơi”, cái vỗ vai như trúng số của ông Võ Bảy ở xóm chài ven biển thôn Cụ Lại Đông xã Phú Hải huyện Phú Vang, khiến tôi xốn xang. Người làng chài đêm ngày như lửa đốt chờ tin, họ chờ bởi họ không thể nằm chờ chết đói, nhìn biển yên lặng mà trong nhà thì khốn khó bủa vây. Họ chờ, bởi họ cần sự công bằng, minh bạch, như biển vốn sạch tự bao đời. Ai cũng muốn Formosa đền bù thiệt hại, trả công bằng lại cho họ và cho biển, bởi đâu chỉ là áo cơm, mà còn là máu thịt của họ.

Chiều muộn, tôi gặp anh Trần Viết Tấn (42 tuổi, thôn 4, xã Gio Hải, H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đang hì hục sửa chữa lại con thuyền 90 CV đã nhiều năm theo anh vượt sóng. Con thuyền nằm phơi mình, các mảnh ván rạn ra, lớp nhựa đường chống thấm bị nắng nhiều buổi trưa nung chảy. Khi nghe nguyên nhân cá chết, anh Tấn rạng rỡ: “Ai làm cá chết, người đó chịu. Tôi đã luôn vững tin rằng Chính phủ sẽ làm rõ chuyện này, sẽ bảo vệ quyền lợi người dân tới cùng”.

Nợ nần chồng chất, kéo dài, phủ bóng ảm đạm xuống những làng chài nghèo miền Trung. Họ đã vẫy vùng trong khó khăn và không nguôi đặt niềm tin, sẽ có ngày ánh sáng công lý phơi bày tội ác. Họ kiên trì chờ đợi. Ba tháng qua với họ, như ba năm, ba mươi năm. Ông Nguyễn Văn Thông, hàng xóm của anh Tân vẫn còn vẻ mệt mỏi: “Mấy năm người ta cũng mắc nợ, nhưng ít thôi. Còn năm nay vì cá xuất đi nhưng tiêu thụ chậm nên mắc nợ tôi khá nhiều. Giờ Nhà nước cho vay vốn với mức hỗ trợ lãi suất tốt như vậy thì tôi sẽ vay thêm để duy trì sản xuất”.

Mai nay, ho lai vuon khoi
Các kho thu mua cá nục đành phải tích trữ lại vì không tiêu thụ được

Cũng là thương lái, chị Hà Thị Liên (thị trấn Cửa Việt - Quảng Trị) cho hay, từ đầu tháng Sáu đến nay đã thu mua hơn 25 tấn cá nục tươi đảm bảo các tiêu chí an toàn để đem hấp, sấy khô. “Với mức lãi suất thấp và được hỗ trợ 100% trong sáu tháng đầu thì tôi sẽ vay thêm 100 triệu đồng để sản xuất, giữ mối làm ăn lâu dài. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách dài hơi giúp nhân dân vượt qua khó khăn” - chị Liên nói.

“Chúng tôi muốn được trở lại đánh bắt như ngày xưa, chứ mong chi nữa. Từ mai là lo sửa ghe sửa thuyền mà đi chứ chờ chi nữa”, lời ngư dân Chu Văn Cẩn ở thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lời, H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa cầu mong, vừa quyết liệt. Kỳ Lời là một xã nằm sát nhà máy Formosa với hơn 90% người dân phụ thuộc vào biển. Toàn xã có gần 3.000 hộ dân thì có đến 1.500 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ.

Làng chài Hải Phong sát bên nhà máy Formosa. Giữa trưa, hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ nằm bên bờ như cá phơi khô. Ở làng này, theo ông Cẩn, sau vụ cá chết, nghề câu mực cũng thua liểng xiểng. “Không đi được là nhớ nghề chú ơi! Đi thì lỗ tiền dầu, nhưng có biết nghề mô nữa đâu, nên cứ đi”. Đi rồi về trong buồn bã.

Biển đã sạch đâu, dẫu nguyên nhân cá chết đã rõ. Ông Cẩn cũng như bao ngư dân khác đêm ngày đi biển, vì yêu nghề, nhớ nghề, trong những ngày ảm đạm nhất vẫn ra khơi, khi màu xanh của biển vẫn chưa trở lại. Sẽ còn lâu, còn lâu nữa, biển mới như biển thuở nào. Họ ra khơi khi biển chưa sạch, khi bóng ma ô nhiễm chưa tan, nhưng họ không thể ngồi im, dẫu biết đi cũng chẳng được gì, bởi họ như đứa con của biển, mà có đứa con nào không muốn sà vào lòng mẹ. Tôi hình dung những ngày ông Cẩn và bạn thuyền ra khơi trong xót xa, mới thấy khát vọng biển sạch, cho cá tôm vùng vẫy chính là yêu cầu sinh tử của lòng dân.

Những ao ước, mừng rỡ, không thiếu phẫn nộ, cả những tâm sự buồn sau bao ngày tháng mong chờ. Người dân có chờ đợi gì, ngoài giấc mơ biển sạch, cá sạch. Điều đơn giản ấy đâu chỉ cho người xứ biển, đâu chỉ cho ngư dân các tỉnh ở dải đất cong đòn gánh này, mà cả một dặm dài từ Bắc vô Nam. “Chừ xử lý nghiêm minh kẻ có tội, làm sạch biển sớm ngày nào hay ngày ấy, chỉ chờ công bố an toàn là tụi tôi ra khơi, không chần chừ nấn ná chi”. Ông Cẩn nói thêm lần nữa, đưa bàn tay chai sần bắt tay khách kèm cái nhìn gửi gắm rồi quay quả bước xuống bến.

Ngày mai đây, biển sẽ khác, lớp lớp ngư phủ lại lên thuyền. Cuộc vật lộn của những ngư dân áo rách tay oằn kia, có khác gì câu chuyện giằng co quyết liệt trong đêm đen giữa con cá kiếm khổng lồ và ông già Santiago trong tiểu thuyết Ông già và biển cả của Hemingway. Ông già một mình vật lộn câu cho bằng được con cá để rồi cá mập rỉa hết, chỉ còn lại bộ xương. Ông buồn nhưng không tuyệt vọng, bởi rồi ông sẽ lại ra khơi, vì ngoài nghìn trùng kia, còn biết bao con cá to như thế.

Tôi nhớ chuyện trên suốt dặm dài qua những làng biển, đọc trong ánh mắt ngư dân nỗi mong chờ lẫn quyết tâm bám biển. Ba tháng qua như một đêm sinh tử kinh hoàng trên biển của ông già Santiago, ngồi nhìn những bộ xương cá trơ trên cát mà đau cắt lòng, nhưng đêm rồi sẽ qua, không gì cản được niềm vui ra khơi với tôm cá đầy khoang, để nắng mai ngập tiếng cười ở bến bãi, để một điều đơn giản: áo cơm và thanh bình.

Nhóm PV miền Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI