Lưu giữ tiếng đờn ca xưa giữa lòng phố thị

06/04/2025 - 07:54

PNO - Như thường lệ, đúng 18g thứ Sáu, tiếng đờn dìu dặt lại phát ra từ văn phòng liên khu phố 6-10-11-16-20, phường Phú Mỹ (quận 7, TPHCM) - điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Giao duyên.

Giao duyên giữa lòng phố thị

Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử Giao duyên là nơi tập hợp những người đam mê đờn ca tài tử cùng nhau giao lưu, thưởng thức những bài ca cổ tưởng đã bị lãng quên trong nhịp sống hiện đại. Nhiều người chưa biết hát nhưng yêu loại hình nghệ thuật này cũng đến để tập nhịp, tập ca.

Các thành viên Câu lạc bộ  Đờn ca tài tử Giao duyên
Các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Giao duyên

Kết thúc công việc, anh Đàm Văn Thắm vội ghé lại điểm sinh hoạt, kéo ghế ngồi phía dưới thưởng thức những giai điệu, lời ca ngọt ngào về quê hương đất nước. Đợi các cô chú lớn tuổi hát xong, anh đăng ký hát 1 bài đang tập và chưa thuộc lời. Anh vừa dứt câu vọng cổ, mọi người vỗ tay cổ vũ.

Anh Thắm hiện đang làm điều hành tour cho một công ty du lịch. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nơi có nghệ thuật hát chèo và chầu văn ngấm sâu vào máu, thế nhưng, anh Thắm lại “phải lòng” đờn ca tài tử khi vào TPHCM lập nghiệp. Thích nhưng anh không nghĩ mình sẽ ca được bởi chất giọng miền Bắc đặc sệt. Mãi đến khi ngành du lịch đóng băng bởi dịch COVID-19, thất nghiệp, anh Thắm thường ghé lại nhà người bạn yêu ca cổ ở quận 8 để nhờ bạn hướng dẫn những nhịp cơ bản. Chỉ mất vài buổi học, anh đã có thể bắt chước và hát theo. Từ đó đến nay, anh dần yêu thích và cũng hát được vài bài.

Trong những buổi sinh hoạt của CLB, lúc nào cũng có mặt ông Nguyễn Văn Ngôn - 81 tuổi, người được các thành viên gọi là chú Sáu. Quê ở Cần Giuộc (Long An) nên không khí đờn ca tài tử đã thấm đẫm tâm hồn, tuổi thơ ông. Vì mê, ông đã tìm đến 1 danh cầm nổi tiếng để học và biết đờn ca từ năm 14 tuổi. Đến nay, sau bao đổi dời, điều kiện sống cũng không còn thuận lợi để chơi đờn ca tài tử bài bản, thế nhưng tình yêu của ông dành cho môn nghệ thuật này vẫn chưa bao giờ suy suyển. Hiện, ông là chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè). Tha thiết mong loại hình nghệ thuật này “sống lại”, nên dù tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn, nhưng nghe ở đâu có CLB đờn ca tài tử, ông đều đến giao lưu để truyền trao, tiếp lửa.

Để tiếng đờn, lời ca vang vọng khắp nơi

CLB Đờn ca tài tử Giao duyên của phường Phú Mỹ được thành lập vào tháng 10/2024, nhưng những hoạt động giao lưu bắt đầu hơn 1 năm trước đó, do bà Hương Nguyền - 1 cư dân của phường đặt nền móng. Bà Hương Nguyền vốn là thành viên CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa quận 1, hiện vẫn sinh hoạt hằng tuần. Với mong muốn phát triển loại hình này tại địa phương để nhiều người biết hơn, bà Hương Nguyền đã “rủ rê” bà Đỗ Thị Kim Hoa - cũng là một người rất yêu đờn ca tài tử - tổ chức những buổi giao lưu. Hoạt động nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của nhiều cán bộ khu phố. Sau một thời gian, thấy hoạt động đã tạo sân chơi lành mạnh cho cư dân tại địa phương, những người yêu đờn ca tài tử đề nghị lãnh đạo địa phương cho phép thành lập CLB.

Bà Hương Nguyền (trái) và bà Đỗ Thị Kim Hoa (phải)  là những người đặt nền móng cho sự ra đời của câu lạc bộ
Bà Hương Nguyền (trái) và bà Đỗ Thị Kim Hoa (phải) là những người đặt nền móng cho sự ra đời của câu lạc bộ

Giải thích về cái tên Giao duyên, chị Nguyễn Thị Tường Vy - Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Mỹ - khẳng định, cái tên gửi gắm mong muốn CLB không chỉ của phường, mà là nơi sẵn sàng đón nhận, mời gọi những ai yêu đờn ca tài tử đến tham gia, với mục đích cuối cùng là để tiếng đờn và lời ca vang vọng khắp nơi.

Đờn ca tài tử có thể được xem là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ từ những ngày đầu mở đất. Nơi đó gửi gắm hơi thở, tiếng lòng, sức sống mãnh liệt của dân tộc dọc dài quá trình dựng nước và giữ nước. Ngày 5/12/2013, đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Từ đây, câu chuyện bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này luôn được đặt ra cho những người làm văn hóa, nhưng cũng là trách nhiệm chung của mỗi người Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy di sản.

Hễ có thời gian là đến tham gia sinh hoạt cùng CLB, ông Huỳnh Tấn Phương - Phó chủ tịch UBND phường Phú Mỹ - nhận thấy, các buổi giao lưu của CLB không chỉ là dịp để thưởng thức âm nhạc mà còn là cơ hội để giáo dục cộng đồng về di sản văn hóa dân tộc.

Trân trọng nhiệt huyết của những người đã góp sức, chung tay gầy dựng CLB, ông Huỳnh Tấn Phương cho biết, địa phương đã cố gắng đồng hành, tạo điều kiện cho các thành viên bằng cách hỗ trợ địa điểm “cứng” để CLB sinh hoạt hằng tháng, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để nhiều người cùng biết và tham gia. Ông nói: “Mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn bởi kinh phí hoạt động không có, nhất là cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu, như dàn âm thanh chưa tốt, cũng chưa có đầy đủ nhạc cụ, thế nhưng các cô chú luôn nuôi dưỡng niềm đam mê để duy trì, lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ hết mình để duy trì và phát triển CLB”.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI