Lưu giữ những điều dung dị

23/05/2023 - 07:42

PNO - “Tôi muốn mọi người đến với Huế, dành cho Huế một tình yêu sâu sắc, đằm thắm, bền vững. Tình yêu đó không chỉ được khởi nguồn từ thiên nhiên, cảnh sắc xứ Huế, lăng tẩm đền đài mà còn được lan tỏa từ những điều tử tế, dung dị trong cốt cách con người Huế thông qua cách cư xử, nếp sinh hoạt đời thường” - chị Dương Thị Thúy Hằng - Giám đốc Công ty cổ phần phát triển dịch vụ du lịch Hue Lotus - nói.

 

Chị Dương Thị Thúy Hằng
Chị Dương Thị Thúy Hằng

Từ một cô gái rặt Huế

Gia đình chị Dương Thị Thúy Hằng (phường Thủy Xuân, TP Huế) có “truyền thống phong kiến đậm đặc”. Cố chị là thượng thư bộ Lễ, bà là thái hoàng thái hậu, ông nội là phó chánh văn phòng ngự tiền Chính phủ, bà nội là người thường dạy về phép tắc lễ nghĩa và chuẩn bị ngự thiện cho nhà vua. 

Là con gái duy nhất trong gia đình có 3 anh em, chị Hằng được cả nhà dồn tâm sức để nuôi nấng và dạy dỗ mọi phép tắc, lễ nghi mà một người con gái Huế cần có. Chị kể: “Ngoài kiến thức, đạo đức, bà, mẹ và các mợ, dì trong gia đình tập trung dạy tôi nữ công gia chánh. Tôi được dạy dỗ nghiêm khắc về công - dung - ngôn - hạnh, thấm nhuần tư tưởng con gái phải học ăn, học nói, học gói, học mở. Việc chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười hay ra ngoài giao tiếp mà ăn mặc, cư xử không nền nếp, chỉn chu là điều cấm kỵ”.

Có một câu bà dạy mà đến tận bây giờ, Thúy Hằng vẫn không quên và chính nó đã đi theo, trui rèn chị suốt mọi chặng đường: “Quân tử ư hử thì đau. Tiểu nhân vác đá ném đầu quản chi”. Đã làm người, dù con trai hay con gái vẫn luôn phải sửa mình, tự rèn luyện mình; chỉ một động thái nho nhỏ như tiếng “ư hử” hay một cái nhíu mày của người bên cạnh cũng phải khiến bản thân xem xét lại mình đã làm sai ở đâu, từ đó tu dưỡng, hoàn thiện mình.

Chính cái nôi gia đình đậm chất kinh kỳ sang trọng, gia giáo và đầy truyền thống ấy đã tôi đúc chị Thúy Hằng thành người con gái Huế đầy nữ tính, nhẫn nại nhưng cũng rất bản lĩnh, kiên cường.

Năm 2018, khi bước sang tuổi 36, chị Dương Thị Thúy Hằng tạo bước ngoặt cuộc đời: từ một kỹ sư hóa có vị trí công tác đáng ao ước tại một nhà máy bia, chị chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực du lịch. 

Chị tâm sự: “Tình yêu với Huế đã ăn sâu vào máu thịt từ khi tôi còn nhỏ. Tôi luôn mong muốn được đóng góp một phần tâm huyết của mình để quảng bá nét đẹp, con người xứ Huế. 18 tuổi, tôi chọn ngành yêu thích là hướng dẫn viên du lịch để thi đại học. Tuy nhiên, tôi không nhận được sự đồng ý từ gia đình do cho rằng nghề đi đây đi đó không phù hợp với phụ nữ. Thuận theo mọi người, tôi đành chọn hướng đi mới. Suốt thời gian sau đó, dù công tác ở vị trí nào, làm việc gì thì đam mê, tình yêu với Huế vẫn đeo đuổi tôi, ngày càng lớn và mãnh liệt hơn. Tôi biết đã đến lúc mình phải vươn vai, bùng khỏi cái kén an toàn”. 

Đến nữ doanh nhân “không gì là không thể”

Những trải nghiệm thú vị dành cho các bạn nhỏ khi tham quan, khám phá tại Hue Lotus
Những trải nghiệm thú vị dành cho các bạn nhỏ khi tham quan, khám phá tại Hue Lotus

Để theo đuổi giấc mơ làm du lịch, lan tỏa tình yêu về Huế, Thúy Hằng phải đi qua một hành trình dài và khó khăn. Ngoài mảnh đất rộng hơn 4.000m2 giăng thép gai, cỏ mọc hoang hóa gia đình cho phép sử dụng nhờ, xuất phát điểm của chị là “5 không”: không vốn, không kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, không đủ kiến thức chuyên môn về kinh doanh, không có các mối quan hệ và không có nguồn khách hàng. Nhưng, trên tinh thần “không gì là không thể”, chị lần lượt biến mỗi cái không thành có.

Thúy Hằng bắt đầu viết dự án Mô hình du lịch lưu trú - Trải nghiệm văn hóa địa phương - Hue Lotus Homestay. Chị đưa dự án tham gia cuộc thi Ươm tạo khởi nghiệp do Vườn Ươm Songhan Incubator tổ chức tại Đà Nẵng. Dự án của chị lọt top 6 trong gần 70 dự án tham dự. Kết quả, chị đã thuyết trình gọi vốn thành công với số tiền ban đầu 300 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn được Songhan Incubator chọn để đào tạo những kỹ năng, kiến thức về quản trị du lịch trong 1 năm.

Năm 2019, Thúy Hằng trở về Huế, chính thức thành lập Công ty cổ phần Phát triển dịch vụ du lịch Hue Lotus với 12 thành viên. 

Chị kể: “Để phát triển công ty, tôi tiếp tục gọi vốn, bắt đầu xây dựng mối quan hệ, mở rộng tìm kiếm khách hàng bằng cách tham gia các hội nhóm, chương trình khởi nghiệp ở địa phương mà mình biết. Tôi trở thành thành viên các tổ chức như Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội CEO Huế, Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp thành phố Huế…; tham dự nhiều hội nghị, meeting về khởi nghiệp”. 

Với số vốn gọi được khá khiêm tốn so với nhu cầu, Thúy Hằng xây dựng mọi thứ trên tinh thần siêu tiết kiệm. Chị đã nhờ sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình khâu giải phóng mặt bằng khu đất. Các bạn nhân viên thì tự đi mua sắt từ kho cũ, nhổ cây trên đồi, xin hoa cỏ khắp xóm để cải tạo, thiết kế, tạo sinh cảnh cho khuôn viên dự án.

Chia sẻ về thời điểm khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp, Thúy Hằng kể: “Năm 2019, cũng là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Công ty Hue Lotus chỉ mới trong giai đoạn chạy thử được 4 tháng. Tất cả chương trình xây dựng cho khách hàng và đối tác đến trải nghiệm đều bị đóng băng. Số vốn gọi được đã sử dụng hết, chưa kể âm nợ. Lúc đó, tôi không có tiền trả lương nhân viên, đến 1 triệu đồng để mua máy ép trái cây cũng không có. Bạn bè, người thân quay sang nghi ngờ, gây áp lực tinh thần. Có lúc mệt mỏi, kiệt quệ, tôi muốn ngủ một giấc dài mãi mãi nhưng lần nữa, tôi bật dậy. Tôi tổ chức họp gia đình, bàn với mọi người tận dụng mặt tiền của khu đất để mở quán cà phê, dịch vụ ăn uống nhằm có đồng ra đồng vào trang trải. Sau đó, nhờ sự nhẫn nại của bản thân, đội ngũ và sự hỗ trợ của các nhà đầu tư thiên thần (những nhà đầu tư với cái tâm, không cần hoàn vốn, trả lãi ngay), Hue Lotus tiếp tục sống”. 

“Lotus” có nghĩa là hoa sen. Nó không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa là quốc hoa, là sự yêu mến cội nguồn dân tộc mà còn thể hiện mong muốn của giám đốc Hue Lotus: “Mô hình sẽ kết nối được sự chung tay của cộng đồng và đem đến nhiều lợi ích cho xã hội, đạt được mục tiêu thiện lành như chính ý nghĩa của loài hoa này”.

Hiện tại, Hue Lotus hoạt động trên 2 lĩnh vực chính: lưu trú và các tour trải nghiệm dịch vụ, trải nghiệm nghề truyền thống Huế. Riêng về mảng trải nghiệm làng nghề truyền thống, Thúy Hằng đã liên kết, xây dựng được 7 gian hàng gắn với 7 nghề truyền thống của địa phương: làm hoa giấy, gốm sứ, thư pháp, trầm hương, vẽ tranh giấy dó, làm đồ chơi dân gian, múa rối. Mỗi ngành nghề được các nghệ nhân cố đô tận tay hướng dẫn cho du khách cùng làm và trải nghiệm, sau đó có sản phẩm mang về làm kỷ niệm.

Trong gần 5 năm hoạt động, dự án đã đón gần 100 đoàn khách với gần 6.000 học sinh đến từ các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Khi đến đây, các bạn nhỏ không chỉ được vui chơi, khám phá, sống hài hòa với thiên nhiên mà còn được truyền tải những kỹ năng sống, bài học đạo đức, cách cư xử tử tế thông qua việc tìm hiểu những công cụ lao động, vật dụng gia đình hay các câu chuyện về nền nếp sinh hoạt trong những gia đình Huế xưa.

“Khi mới thành lập, mục tiêu chính của chúng tôi là quảng bá tài nguyên, văn hóa địa phương đến khách du lịch thông qua các tour thưởng thức ẩm thực, tham quan, trải nghiệm làng nghề. Bây giờ, điều chúng tôi nhận ra và tập trung hướng đến là giá trị giáo dục. Tôi muốn lưu giữ, lan tỏa và làm sống lại những điều nhỏ bé nhưng giàu giá trị về cốt cách, đạo đức - sự duyên dáng, tận tâm, ân cần của con người xứ Huế. Chính điều này mới là đặc sản giúp Huế được biết đến, được yêu thương nhiều hơn, lâu dài hơn” - Thúy Hằng chia sẻ. 

Diệu Thông

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI