Luật... chạy theo không kịp Sử Hộ Vương

10/10/2019 - 12:23

PNO - Dự án Sử Hộ Vương như thời gian qua đặt ra dấu hỏi về việc thẩm định cấp phép bản quyền hình ảnh liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.

Đây là một dấu chấm hỏi lớn đối với sự phát triển của thị trường game hiện nay. Không chỉ là những quy chế để vận hành, mà còn là vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Chưa kể, với những tranh cãi liên quan đến tạo hình nhân vật của dự án Sử Hộ Vương như thời gian qua đặt ra dấu hỏi về việc thẩm định cấp phép bản quyền hình ảnh liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng - vốn dễ gây động chạm đối với dư luận hoặc một cộng đồng người nào đó. 

Trong Exploring Day 7 /Ranh giới của những giới hạn diễn ra mới đây tại TP.HCM, một lần nữa, nhóm dự án Sử Hộ Vương vẫn không làm công chúng cảm thấy thuyết phục khi nói về những tạo hình gây tranh cãi của mình. Trước đó, nhóm này cũng khiến nhiều người sửng sốt khi giới thiệu trò chơi tại chương trình Thương vụ bạc tỷ.

Ranh giới của những giới hạn

Sử Hộ Vương là trò chơi thẻ bài huyền sử Việt Nam, được kết hợp giữa thẻ bài vật lý (hay còn gọi là thẻ bài giấy) và ứng dụng trên điện thoại. Theo giới thiệu, cốt truyện được truyền cảm hứng từ những thần tích, truyền thuyết, những giai thoại hào hùng xuyên suốt dòng lịch sử hơn 4.000 năm. Với góc tiếp cận này, Sử Hộ Vương từng được kỳ vọng trở thành một hình thức giải trí thú vị dành cho giới trẻ. Bằng chứng là, trong hoàn cảnh làng game Việt còn ở dạng manh nha, nhiều khó khăn, chỉ trong vòng 24g, nhóm này đã nhận được sự ủng hộ lên tới 25,6 triệu đồng, phá vỡ kỷ lục của tất cả chiến dịch crowdfunding (gọi vốn từ cộng đồng - PV) của Việt Nam từ xưa đến giờ. 

Luat... chay theo  khong kip Su Ho Vuong
Tạo hình nhân vật Hồ Xuân Hương trong phiên bản Ánh trăng ma quỷ

Tuy nhiên, ngay khi công bố, tạo hình nhân vật của Sử Hộ Vương lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí làn sóng chỉ trích dội thẳng vào những người lập ra dự án: “Lạc Long Quân nhìn “giang hồ”, giống găng-tơ quá”, “Sao nhà thơ Hồ Xuân Hương lại hở hang, phản cảm thế”... Những điều đó tạo ra mâu thuẫn trong việc truyền cảm hứng sử và phản sử. 

Thông báo của sự kiện Exploring Day 7/Ranh giới của những giới hạn cho biết, hai người sáng lập của dự án là Hồ Phương Thảo và Phạm Vĩnh Lộc sẽ cùng nhau thảo luận và đối thoại về chủ đề khai phá chất Việt, đâu là ranh giới của những giới hạn? Đồng thời, một cách rạch ròi và sòng phẳng nhất, Hồ Phương Thảo và Phạm Vĩnh Lộc sẽ có những chia sẻ sâu sắc và rõ ràng nhất về việc tạo hình và nội dung đích thực của Sử Hộ Vương.

Ngoài ra, sự kiện cũng trưng bày các tác phẩm thẻ bài, tham gia trải nghiệm trò chơi sưu tập thẻ bài để có một cái nhìn toàn diện nhất về một sản phẩm văn hóa gây tranh luận trong thời gian qua; cảm nhận tính hợp lý, khoa học cũng như tính thuyết phục của trò chơi trong sứ mệnh tạo cảm hứng và hiểu biết về lịch sử Việt Nam trong suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tuy nhiên, những diễn giải trong sự kiện của chủ dự án lại chưa khiến người khác cảm thấy thuyết phục. Ở đây, tính nghiêm ngắn, nghiêm túc của văn hóa, của lịch sử bị đưa ra làm cái cớ cho trò giải trí, mua vui. 

Phạm Vĩnh Lộc nói: “Để thực hiện trò chơi này, chúng tôi không thể đưa ra một thời kỳ lịch sử cố định nên phải tạo ra một thế giới mới. Đó là nơi mọi người có thể gặp nhau nhưng đặc sắc chính là những hộ thần được triệu hồi từ quá khứ về”.

Đề cập tính sáng tạo trong tạo hình nhân vật Hồ Xuân Hương, Hồ Phương Thảo cho rằng: tạo hình được cho là hở hang này khiến mọi người nghĩ rằng Sử Hộ Vương đang cố tình tạo “drama”; thế nhưng, nữ sĩ họ Hồ đương thời là người phóng khoáng, dám nghĩ dám làm, vượt ra khỏi những chuẩn mực đương thời và ghi danh đời sau. Ngoài ra, từ những vần thơ truyền cảm hứng của Hồ Xuân Hương, Sử Hộ Vương cho rằng, chính tạo hình đó mới thể hiện được tính cách nhân vật.  

Liên quan vấn đề ranh giới của những sáng tạo, Sử Hộ Vương chỉ rõ: Đầu tiên, không đổi giới tính của nhân vật. Thứ hai, mỗi nhân vật đều có một trang bị hoặc linh vật. Thứ ba, chỉ sáng tạo nhân vật từ thời kỳ Hồng Bàng, Văn Lang, Âu Lạc đến thời điểm năm 1830. Phải chăng, ngoài ba điều này, không còn ranh giới nào khác? Những người làm game mặc sức, sáng tạo, bất chấp những giới hạn về văn hóa, chuẩn mực?

Luat... chay theo  khong kip Su Ho Vuong
Tạo hình Hồ Xuân Hương trong Sử Hộ Vương

Có một mâu thuẫn bên trong chính những thông điệp truyền tải của trò chơi này. Nói về tính ứng dụng của trò chơi, Phạm Vĩnh Lộc nhấn mạnh: “Đây là game, chơi để giải trí chứ không phải học. Trong quá trình chơi game chúng ta có cảm hứng để học”. Thế nhưng, theo giới thiệu của fanpage Sử Hộ Vương, đây là một sản phẩm giải trí với thế giới giả tưởng hư cấu có dựa trên các câu chuyện huyền sử, lịch sử, không hề có mục đích nghiên cứu học thuật. Rõ ràng, việc xác định học, chơi chưa thật sự tách bạch hoặc mối quan hệ tương hỗ đã được hiểu không đúng trong trường hợp này.

Khi nhân danh văn hóa và lịch sử, khi Sử Hộ Vương gọi thẳng tên nhân vật của mình là Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Ánh, Lý Chiêu Hoàng... câu chuyện không đơn thuần là cuộc chơi của giải trí nữa.

Luật chậm so với thực tế

Trong chương trình Thương vụ bạc tỷ, khi được hỏi những tạo hình này đã được cấp phép chưa, Hồ Phương Thảo cho biết, thẻ bài là một mô hình mới ở Việt Nam nên chỉ có giấy phép kinh doanh. Khi nhóm Sử Hộ Vương đến Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM để làm thủ tục xin cấp phép phát hành, câu trả lời nhận được là: “Đã có giấy phép kinh doanh thì thôi. Do thẻ bài này mới, trong luật chưa có quy định nào liên quan nên không cần”. 

Liên hệ với nhà xuất bản Kim Đồng để hỏi về các thẻ giấy thì được biết, nhà xuất bản này chưa từng sản xuất sản phẩm thẻ bài (giấy). Duy có bộ thẻ Haikyu mà Kim Đồng phân phối là do đối tác của họ nhập về; tuy nhiên, thẻ này được đăng ký dưới dạng cờ chiến thuật, không phải là thẻ bài. Được biết, Việt Nam chưa sản xuất trực tiếp thẻ này, đa phần là nhập khẩu. 

Trong khi đó, bài tây, bài lá, bộ bài (giấy) thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, được quy định chi tiết tại thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL, doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện các quy định về thẩm định, phê duyệt nội dung và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Vì thế, khi nhập khẩu, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục thẩm định nội dung hàng hóa nhập khẩu để được cấp phép nhập khẩu (theo phụ lục 2, thông tư số 24/2018/TT-BVHTTDL. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao nơi doanh nghiệp có trụ sở đăng ký kinh doanh phải thành lập hội đồng thẩm định sản phẩm nhập khẩu.   

Tuy nhiên, những quy định cụ thể này được đặt ra chỉ áp dụng với thẻ bài nhập khẩu, còn với thẻ tự sản xuất như Sử Hộ Vương, đến nay ở ta vẫn chưa có một quy định nào. Rõ ràng, với xu thế phát triển hiện nay, nhiều loại hình thẻ game mới ra đời, chẳng hạn như thẻ bài chiến thuật Sử Hộ Vương ở trên, những quy định về pháp luật chạy theo không kịp thực tế. Hay nói cách khác, luật bị lạc hậu.  

Đây là một dấu chấm hỏi lớn đối với sự phát triển của thị trường game hiện nay. Không chỉ là những quy chế để vận hành, mà còn là vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Chưa kể, với những tranh cãi liên quan đến tạo hình nhân vật của dự án Sử Hộ Vương như thời gian qua đặt ra dấu hỏi về việc thẩm định cấp phép bản quyền hình ảnh liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng - vốn dễ gây động chạm đối với dư luận hoặc một cộng đồng người nào đó. 

Khi luật chưa hoàn thiện, muốn tham gia thị phần game đang phát triển ấy, cũng dễ bị rối tù mù. Việc Sử Hộ Vương bị chỉ trích chỉ là một mặt của vấn đề. Không có một quy định nào dẫn dắt và chỉ rõ cho họ biết, nếu làm thẻ bài liên quan đến yếu tố lịch sử văn hóa, những quy định về tạo hình, tình tiết... ra sao thì hợp “thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam”. Hiện nay chính là tình trạng thích làm gì thì làm, mạnh ai nấy làm, và dư luận sẽ làm thay công việc của những nhà quản lý, nhà làm luật. Những chỉ trích vừa qua là một ví dụ minh chứng cho điều đó. 

Cốc Vũ - Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI