Lo toan cho cả... người dưng

06/07/2020 - 06:14

PNO - Cả đời bà Chính nhọc nhằn, quen tay làm, chân đi, ngồi không một ngày là bứt rứt. Đã qua sườn dốc bên kia đời người nhưng bà vẫn còn thầm lặng lo toan cho người thân và cả người dưng.

Bà là Nguyễn Thị Chính - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.Cát Lái, Q.2. 

Tuổi 62, sáng chạy xe ôm, chiều giúp việc nhà

Là chị đầu trong gia đình có 6 chị em, từ hồi 7-8 tuổi, ở ngoài Thái Bình, Chính đã đi cấy lúa, giữ trâu. Lớn lên đôi chút, Chính đạp xe chở gà ra Hải Phòng bán, rồi mua bánh kẹo chở ngược về quê bán lại kiếm lời. Hồi ấy, cha đi bộ đội, mẹ là công nhân mỏ Quảng Ninh, chuyện nhà, chuyện chăm em đều một tay Chính lo liệu. Một lần đi cấy vần công về, Chính hốt hoảng thấy cô em gái thứ ba Nguyễn Thị Chuyên đang ngồi cạo đất vách nhà ăn. Và câu chuyện ấy, đến giờ chị em thỉnh thoảng vẫn nhắc lại rồi ôm nhau khóc. 

13 tuổi, Chính cùng cậu bạn Nguyễn Văn Chắn ở gần nhà rủ nhau đắp lò, nhào đất, đóng gạch. Sức vóc trẻ con, vừa đi học, vừa chăm em lại còn buôn gánh bán bưng, vậy mà sau hai năm, Chính đã có đủ số gạch và tự tay xây được căn nhà tường nho nhỏ. Trong dòng hồi tưởng, bà Chính bật cười: “Cha mẹ tôi đã rất ngạc nhiên, nghĩ rằng sau khi đóng vài chục viên gạch thì con gái sẽ mệt nhừ và từ bỏ ý định làm gạch xây nhà. Nhưng, tôi đã nói là làm. Như căn nhà này đây, vợ chồng tôi xây hết, không thuê một nhân công nào”.

Bà Chính (phải) và chị Phạm Thị Hải, hai người bạn chợ đồng cam cộng khổ cùng nhau
Bà Chính (phải) và chị Phạm Thị Hải, hai người bạn chợ đồng cam cộng khổ cùng nhau

Căn nhà mà bà Chính nói nằm trong hẻm 260 đường Lê Văn Thịnh, Q.2, có khoảng sân rộng rãi, thêm mấy căn phòng lồi ra chia cho các con đã lập gia đình. Ở đây, bà tậu xe trái cây với xoài, bưởi, ổi, mận, hai vợ chồng thay phiên nhau bán. Mỗi ngày của bà được tiếp nối bởi các công việc: đẩy xe trái cây ra chợ, ra đường kiếm vài cuốc xe ôm, chạy sang P.Thảo Điền, Q.2 giúp việc nhà… Tuổi 62 không thể “làm khó” được cường độ làm việc đáng kính nể ở bà. 

Thiếu thốn vật chất nhưng cái tình lúc nào cũng tràn đầy

Chợ Cây Xoài - nơi đã chứng kiến bao bận nổi trôi trong kiếp sống tha hương, giờ đây không chỉ có góc nhỏ mưu sinh mà còn là chỗ để bà Chính và những người bạn “cũng nghèo trớt” làm điều họ cho là phải. Từ đầu năm 2019, nhà bà Chính thành “đại bản doanh” cho bếp cơm chay từ thiện vào những ngày mồng Một và 15 âm lịch mỗi tháng với số lượng lên đến 500-700 phần. Kinh phí do nhiều người hùn họp. 

Mới đây, khi vào bệnh viện thăm cháu ngoại, bà Chính nghe cô con gái buồn rầu: “Mẹ ơi, bên kia có em bé tội lắm, bệnh quá trời, nếu không chữa kịp sẽ bị mù”. Bà Chính lại thăm đứa bé 6 tháng tuổi bị viêm giác mạc và nhiễm trùng máu, rồi vét túi được mấy triệu đồng đưa cho người thân của bé lo thuốc men. 

Ở khu phố 1 có em Dương Nhật Minh Thư, 23 tuổi, mắc bệnh thiếu máu huyết tán, cơ thể xanh xao, gầy yếu. Thương cảnh nhà nghèo, cha làm công nhân vệ sinh, mẹ làm tạp vụ, nhà có hai em… mấy năm qua, tháng nào bà Chính cũng phụ giúp 500.000 đồng cho Minh Thư truyền máu. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, 59 tuổi, thuê trọ tại P.Cát Lái suốt mười mấy năm nay, xuýt xoa khi nghe tôi hỏi về bà Chính: “Bả mới cho tôi chục ký gạo với thùng mì gói, nhận hoài cũng ngại, nhưng mình khó quá…”. 

Chị Chính sống chân chất, bình dị, tự lực vươn lên, luôn chủ động san sẻ với người khó hơn trong khả năng. Ở chị toát ra nguồn năng lượng tích cực khiến người xung quanh cảm thấy bình yên, ấm áp khi tiếp xúc. Dù bận rộn mấy chị cũng tranh thủ tham gia phong trào phụ nữ, tận dụng chai lọ, thùng xốp trồng rau thủy canh tại nhà, cùng chị em biến bãi rác thành vườn rau sạch rồi bán gây quỹ hỗ trợ người khó. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội LHPN Q.2

Tôi ghé nhà lúc bà Chính đang chuẩn bị đẩy xe trái cây ra chợ. Hỏi sao ra chợ trễ quá, bà Chính chỉ mấy thùng mì, nước mắm, dầu ăn bảo phải lo sắp xếp để ai cần là có giúp liền. Nhà bà lúc nào cũng có gạo, mắm để dành cho… người dưng. Chị Phạm Thị Hải - một tiểu thương ở chợ Cây Xoài - kêu ca: “Tôi không biết chạy xe, đi mua trái cây về bán phải nhờ bà Chính chở dùm, nhưng bà ấy không chịu lấy tiền. Rồi thì vốn liếng, khi khó khăn, bả cũng giúp. Bả thiếu thốn vật chất, còn cái tình thì lúc nào cũng đầy”. 

Trước đây, bà Chính theo học kỹ thuật sửa chữa tàu. Sau đó bà vào Sài Gòn làm việc tại Nhà máy X51 (H.Nhà Bè) để có tiền gửi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Năm 1986 bà lập gia đình, đến năm 1992 thì nghỉ mất sức, chuyển hẳn về Q.2 sinh sống. Và sự gian truân của bà thật sự bắt đầu từ đây. Bốn người con lần lượt chào đời, bà phải làm đủ nghề như làm ruộng, nuôi heo, nuôi vịt, nhận sửa chữa nhà, phụ hồ, rồi bán rau muống bào ngoài chợ… để kiếm sống và nuôi con.

Cậu con trai thứ ba Nguyễn Quốc Quang của bà bây giờ là giảng viên đại học. Nhắc đến Quang, bà lại nhớ chuyện xưa, hồi con mới một tháng tuổi, được mẹ đặt vào giỏ xe đạp phía trước chở theo trên đường đi bán truyện tranh ở trường tiểu học.

Cả đời bà Chính nhọc nhằn, quen tay làm, chân đi, ngồi không một ngày là bứt rứt. Tâm nguyện “thà mình khổ còn hơn để người mình thương quý khổ”, nghe giản đơn mà sao nặng trĩu. Đã qua sườn dốc bên kia đời người nhưng bà vẫn còn thầm lặng lo toan cho người thân và cả người dưng. 

Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI