Chạm vào giấc mơ bên dòng đakrông

02/07/2020 - 07:36

PNO - Buổi sáng 13/6, sau chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Bộ đội Biên phòng TP.HCM tổ chức, họ - những người phụ nữ vùng biên giới Việt - Lào ở H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị - đã chạm vào giấc mơ.

Cả đời làm lụng, đánh vật với cái nghèo, ngay cả giấc mơ có được một con bò để đỡ khổ cực, họ cũng không dám nghĩ. Nhưng buổi sáng 13/6, sau chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Bộ đội Biên phòng TP.HCM tổ chức, họ - những người phụ nữ vùng biên giới Việt - Lào ở H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị - đã chạm vào giấc mơ đó. 

Niềm vui ở A Bung, A Ngo

Có mặt từ sáng sớm, nhiều phụ nữ người Pa Cô, Cơ Tu ở xã A Bung và A Ngo, H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị không giấu được niềm vui, bởi đã rất lâu, họ không được tụ họp kể từ thời điểm cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng không phải họ tụ họp do nông nhàn. Hôm nay, họ đi nhận quà.

Mấy chục năm rồi, cái nghèo bám riết họ. Cho nên, khi đón nhận những phần quà được bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - trao tận tay, nước mắt của những người mẹ, người chị nơi miền sơn cước Đakrông như chực rơi. Mấy chị  ở xã A Ngo nói: “Ôi, quý hơn vàng”. Hôm nay, họ được sở hữu một con bò giống để nuôi giấc mộng 
thoát nghèo. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM tặng quà cho các phụ nữ nghèo tại hai xã A Bung và A Ngo
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - tặng quà cho các phụ nữ nghèo tại hai xã A Bung và A Ngo

Khi biết mình có tên trong danh sách được nhận bò về nuôi, bà Hồ Thị Cái - ở thôn A Bung, xã A Bung - tươi cười vui sướng. Bà kể, nhà có sáu người con, tất cả người lớn trong nhà đều chăm chỉ làm ăn nhưng cả chục năm nay vẫn chưa thoát khỏi diện hộ nghèo. Cũng vì cái nghèo đeo bám dai dẳng nên ba đứa con lớn của bà phải bỏ học nửa chừng để về TP.Đông Hà phụ hồ, kiếm tiền nuôi em. “Lâu nay, nhà mẹ vất vả, làm mãi không đủ ăn, nhất là mùa hè nước sông Đakrông cạn khô, không trồng được cây gì. Hôm nay được tặng bò giống rồi, mẹ hứa với mấy chị ở Hội Phụ nữ sẽ chăm bò cho tốt, hy vọng sang năm, mọi người ghé thăm sẽ thấy bò đẻ thêm vài con nữa” - giọng mẹ như run lên.

Cùng với việc được tặng bò giống, phụ nữ thôn A La, xã A Ngo còn được tặng hệ thống cấp nước sạch, nhà đi tiêu hợp vệ sinh và cả hộp y tế sơ cấp cứu. Khi khánh thành, bàn giao công trình giếng nước cộng đồng cho 15 hộ dân thôn A La với tổng kinh phí 60 triệu đồng, nhìn những đứa trẻ được tắm mình trong dòng nước sạch mát mẻ, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - như lặng đi. Khu vực này toàn đá vôi, phải khoan sâu xuống lòng đất gần 80m mới tìm thấy mạch nước ngầm. 

“Một năm trước, khi cùng đoàn Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đi thực tế, chúng tôi thấy vào mùa nắng nóng, bà con không có nước để dùng, phụ nữ ở đây phải đi rất xa lên thượng nguồn con suối để lấy nước. Lúc đó, cùng với nhà tài trợ, chúng tôi đã bàn với già làng, trưởng thôn cách để làm được một cái giếng cộng đồng. Điểm đặt giếng nước phải ở nơi thuận lợi nhất, trẻ con đi học về đều có thể ghé tắm, hoặc người dân trong làng sau khi đi rẫy về cũng dễ dàng đến đây dùng nước sạch. Hôm nay, tôi rất vui khi nhìn thấy thôn A La có được công trình nước sạch công cộng, đảm bảo vệ sinh. Rất mong giếng sẽ được bảo quản tốt để chị em Hội LHPN TP.HCM và các nhà tài trợ có thêm động lực giúp bà con các xã vùng biên giới Việt - Lào có thêm nhiều giếng nước cộng đồng trong thời gian tới” - bà Thanh xúc động nói.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Ngay khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN TP.HCM đã tích cực triển khai chương trình tại các xã biên giới hai tỉnh Quảng Trị và Gia Lai. Hội thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức. 

Phát biểu tổng kết chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 tại tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, chương trình này tại hai xã biên giới của tỉnh Quảng Trị đã huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên phụ nữ và người dân, góp phần tạo niềm phấn khởi, động lực để phụ nữ tích cực phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp vào việc bảo vệ an ninh, ổn định vùng biên giới. 

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM tại địa điểm đặt giếng nước công cộng ở thôn A La, xã A Ngo
Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - tại địa điểm đặt giếng nước công cộng ở thôn A La, xã A Ngo

“Hội LHPN, Bộ đội Biên phòng, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM sẽ cùng nắm tay các chị em vùng biên giới đi tiếp chặng đường phía trước, không để ai bị bỏ lại phía sau, đúng như mục đích, ý nghĩa của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” - bà Trân khẳng định. 

Trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2020 tại tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 13/6 - ban tổ chức đã trao tặng bốn giếng nước cộng đồng, 20 nhà tiêu hợp vệ sinh, 10 con bò, 120 hộp sơ cấp cứu và trao tặng 300 phần quà cho gia đình chính sách, gia đình chiến sĩ, hội viên, phụ nữ nghèo hai xã A Bung và A Ngo với tổng kinh phí hơn 730 triệu đồng.

Dịp này, đoàn công tác của Hội LHPN TP.HCM đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Căn Thung ở xã A Bung. Mẹ Thung năm nay 112 tuổi, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Tính đến nay, Hội LHPN TP.HCM và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã có ba năm phối hợp thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương". Hội LHPN TP.HCM đã hỗ trợ xây dựng bảy mái ấm tình thương, 40 nhà vệ sinh, sáu giếng nước công cộng, hai mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chăn nuôi cùng phương tiện làm ăn và tặng quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo tại các xã vùng biên giới của tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.

Thuận Hóa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI