Lo chữa hen suyễn, không ngờ trẻ bị hẹp khí quản bẩm sinh

31/08/2023 - 06:23

PNO - Nhiều trường hợp trẻ bị hẹp khí quản bẩm sinh được bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy cấp do trước đó, cha mẹ nhầm tưởng con bị hen suyễn.

Cứu sống cháu bé trước đó tiên lượng tử vong

Ngay từ khi chào đời, bé trai Đ.Q. (nay được 7 tháng tuổi, ngụ TPHCM) đã hay bị khò khè. Tuy nhiên, gia đình nghĩ bé bị viêm hô hấp do thời tiết thất thường hoặc liên quan bệnh hen suyễn. Gia đình có mua thuốc điều trị viêm hô hấp cho bé nhưng tình trạng không thuyên giảm mà diễn tiến nặng hơn. Vừa qua, bé Q. được gia đình đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, tím tái. 

Bác sĩ Nguyễn Trần Viết Tánh đang khám cho một bệnh nhi sau phẫu thuật tạo hình hẹp khí quản bẩm sinh - ẢNH: N.T.
Bác sĩ Nguyễn Trần Viết Tánh đang khám cho một bệnh nhi sau phẫu thuật tạo hình hẹp khí quản bẩm sinh - ẢNH: N.T.

Khi chụp CT, các bác sĩ đã phát hiện đường kính khí quản của bé Q. chỉ còn khoảng 1,5 - 2mm so với bình thường khoảng 4mm. Quai động mạch phổi trái vòng phía sau khí quản gây chèn ép gốc phải phế quản của bé, khiến tình trạng càng thêm trở nặng. Nếu không được phẫu thuật, bé Q. chắc chắn sẽ tử vong. Trong trường hợp phẫu thuật, tỉ lệ thành công cũng chỉ khoảng 20% và bệnh nhi vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng tái hẹp khí quản về sau. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật tạo hình khí quản, cứu sống bé. May mắn, ca mổ đã diễn ra suôn sẻ. Sau 3 ngày hậu phẫu, bé Q. đã hồi phục, cai được máy thở. 

Trước đó, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Viết Tánh - Khoa Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cũng ghi nhận bé trai H.M.N. (8 tháng tuổi, ngụ Đắk Lắk) được cơ sở y tế địa phương chuyển xuống cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng. Dù bé thở máy thông số cao nhưng nồng độ ô xy trong máu vẫn thấp và bị ứ CO2. Các bác sĩ còn phát hiện N. bị bệnh lý tim bẩm sinh (ống động mạch lớn). Trường hợp này được tiên lượng tử vong tới 100%. Khó khăn ở chỗ chưa thể lập tức phẫu thuật để sửa chữa hẹp khí quản vì bệnh nhi có những đợt ngưng tim đột ngột. Khi các bác sĩ nghĩ rằng bé N. không thể qua khỏi thì phép màu đã xảy ra, tình trạng của bệnh nhi ổn định trở lại.

Bé lập tức được đưa vào phòng phẫu thuật. Cuộc mổ kéo dài 6 tiếng. Bác sĩ vừa mổ tạo hình khí quản vừa mổ dị tật tim cho bé. 6 ngày hậu phẫu, bệnh nhi cai được máy thở. Tới ngày thứ 14 thì có thể xuất viện. Ba mẹ của bé N. vô cùng bất ngờ khi con được chẩn đoán hẹp khí quản. Ba của bé tâm sự rằng, chỉ biết con mình bị tim bẩm sinh. Mỗi lần thấy con thở khò khè, gia đình tưởng bé lên cơn hen suyễn.

Kỹ thuật mổ được cải tiến

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 phẫu thuật từ 5-7 trường hợp bị hẹp khí quản bẩm sinh. Tổng số ca hẹp khí quản bẩm sinh được mổ tính tới nay là 70 bé. Bác sĩ Nguyễn Trần Viết Tánh cho rằng, nếu các bé bị hẹp khí quản bẩm sinh được phát hiện sớm để được lên kế hoạch mổ chu đáo thì sẽ hạn chế được nguy cơ tử vong. 
Những trường hợp hẹp khí quản dưới 50%, không có biểu hiện khó thở thì chỉ cần theo dõi. Tuy nhiên, các bệnh nhi hẹp khí quản trên 50%, có biểu hiện khó thở, tím tái thì cần phải can thiệp phẫu thuật mới có cơ hội sống sót.

Hiện nay, trên cả nước có Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện kỹ thuật mổ tạo hình khí quản cho các bé hẹp khí quản bẩm sinh. Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật mổ tạo hình khí quản này từ phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình thực hiện, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có cải tiến về đường xẻ và cách khâu khí quản giúp hạn chế hơn nữa tỉ lệ biến chứng tái hẹp sau mổ. 

Nhiều phụ huynh thắc mắc vì sao trẻ bị hẹp khí quản bẩm sinh nhưng không tử vong ngay khi chào đời. Bác sĩ Nguyễn Trần Viết Tánh giải thích, khi đó không khí vẫn đi qua, nhưng những bệnh nhi này chỉ cần nhiễm bệnh gây viêm đường hô hấp cấp, tăng tiết đàm nhớt là đường thở sẽ bị bít tắc ngay. Lúc đó, nguy cơ trẻ tử vong rất cao vì đặt nội khí quản cũng khó giải quyết được vấn đề. Do đó, nếu thấy trẻ bị khò khè kéo dài trên 6 tháng thì cần cho trẻ đi khám chuyên khoa hô hấp ngay. 

Thanh Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI