Lo cháu nội bị trầm cảm vì cha mẹ ly hôn

28/05/2025 - 18:00

PNO - Chị đã làm tốt và hãy tiếp tục là điểm tựa an toàn, bình yên của cháu.

Thưa chị Hạnh Dung,

Tôi có 2 cháu nội, khi cha mẹ các cháu ly hôn thì cháu trai mới 14 tháng và cháu gái mới sinh. Theo tòa, mẹ cháu nuôi cả 2 đứa, chồng sẽ trợ cấp tiền hằng tháng. Nhưng mẹ các cháu không đi làm, bà ngoại thì không quan tâm nên tôi đã nuôi cả hai, sau đó tôi nuôi cháu trai, cháu gái ở với mẹ.

Cháu trai ở với tôi được chăm sóc đầy đủ, cháu quyến luyến tôi từ khi mới lọt lòng. Nay cháu 9 tuổi. Tôi đã cố gắng cho cháu trai đi đá banh, học bơi, đọc sách... Mỗi lần về thăm mẹ và em, cháu khóc không muốn về khiến tôi vô cùng xót xa nhưng không biết làm sao. Nhất là cháu cứ hỏi sao tôi không đem em về nuôi cùng với cháu.

Rồi mẹ các cháu có bạn trai mới và vẫn không có công việc ổn định. Cháu gái đôi lúc phải gửi người quen chăm sóc. Cháu học rất giỏi nhưng mặt lúc nào cũng buồn buồn, ít nói...

Tôi già rồi đâu lo nổi chi phí cho cả 2 cháu. Tôi rất sợ cháu bị trầm cảm như con trai tôi trước đây. Con tôi không muốn có con nhưng vợ nó muốn vì... không muốn đi làm. Đó là một trong những lý do tan vỡ hôn nhân. Tôi làm mẹ đơn thân suốt tuổi xuân vì con, bây giờ đến cháu. Tôi phải làm sao trong những ngày sắp tới?

Loan Võ

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Chị Loan Võ thân mến,

Đọc thư chị mà lòng Hạnh Dung chùng xuống vì thương và nể phục. Chị đã hy sinh hết một thời tuổi trẻ cho con, giờ đây lại hy sinh luôn cả tuổi già cho cháu.

Ở tuổi này, chắc chắn sức khỏe và điều kiện kinh tế của chị không còn được như xưa. Cho nên, dù đã cố gắng hết sức nhưng trước những mong ước, đòi hỏi ngây thơ, những buồn vui của cháu và nhất là nỗi ám ảnh vì con trai từng bị trầm cảm, lòng chị hẳn rất ngổn ngang.

Hạnh Dung nghĩ rằng chị đã lo lắng, nuôi dạy và mang đến cho cháu mình tất cả những gì tốt nhất có thể. Vì thế, chị không nên cảm thấy có lỗi khi không thể nhận nuôi cả hai cháu. Những mong muốn của cháu trai có thể làm chị buồn nhưng đó là tín hiệu tốt: Cháu chia sẻ với chị những gì mình nghĩ và muốn. Như vậy, chị cũng có cơ hội để trò chuyện, nói cho cháu hiểu chị và hoàn cảnh của hai bà cháu.

9 tuổi, cháu còn là một đứa trẻ nên chưa thể hiểu hết mọi chuyện. Vậy nhưng Hạnh Dung tin cháu cảm nhận được rằng chỉ có bà nội mới mang đến cho cháu đủ đầy tình thương và sự an toàn, ổn định.

Làm sao với cháu đây? Câu hỏi của chị như một tiếng thở dài lo âu và xót xa. Hạnh Dung mong chị hãy bình tâm. Chị đã làm tốt và hãy tiếp tục làm như thế: là điểm tựa an toàn và bình yên của cháu. Hãy tiếp tục cho cháu chơi đá bóng, bơi lội, đọc sách... Hãy trò chuyện nhiều hơn, lắng nghe để cháu không cô đơn, hoang mang, bối rối.

Hạnh Dung chưa hiểu lý do cha cháu không cùng chị chăm sóc con. Nhưng dù với lý do nào chăng nữa, chị nên cố gắng giúp cháu có những cảm nhận tốt đẹp về cha mẹ mình.

Hãy giải thích rằng vì hoàn cảnh, cha mẹ các cháu cần có cuộc sống riêng nhưng họ vẫn yêu thương và quan tâm đến các con. Cha mẹ cần có thời gian thu xếp và họ cũng tin rằng cháu sống với bà hạnh phúc, đủ đầy.

Chị đừng quá lo lắng, băn khoăn về những điều mình không thể kiểm soát hay thay đổi mà cần yêu thương, chăm sóc bản thân nhiều hơn; không chỉ vì chị đang phải chăm lo cho cháu nội mà vì chị xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI