Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt

08/08/2013 - 09:01

PNO - PNO - Chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II - chủ đề “Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt – Cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh” (do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước...

Lien ket suc manh doanh nhan Viet

Doanh nhân kiều bào tiêu biểu nhận giấy khen của Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài.

 Nguồn lực doanh nhân Việt kiều

Từ trước tới nay, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá có nguồn lực mạnh, cả về vốn, công nghệ và trình độ quản lý. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - nhận định: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ đến từng doanh nghiệp trong và ngoài nước, không ít doanh nhân, doanh nghiệp đã phát huy tính năng động và tầm nhìn để biến thách thức thành cơ hội, vượt qua khủng hoảng, tiếp tục duy trì đà phát triển. Trong đó, đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài về nước tiếp tục tăng; quy mô các dự án ngày càng mở rộng, phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tài chính trong nước”.

Lien ket suc manh doanh nhan Viet

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu với doanh nhân.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay, đã có 51/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của kiều bào với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào với số vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD. Phần lớn nguồn đầu tư là từ kiều bào ở Mỹ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Hà Lan, Séc… tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản…

Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã mang nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước. Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại Việt Nam như Techcombank, VP Bank; là “đại gia” trong các lĩnh vực: VinGroup, Melinh Plaza (bất động sản, trung tâm thương mại), Furama, SunGroup, Dalat Edensee Resort (khách sạn, du lịch), Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam (xử lý rác thải), Eurowindow, Masan (lĩnh vực sản xuất)…

Cùng với đà gia tăng, phát triển đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài về nước, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng đang có nhiều gia tăng đáng kể. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt những kết quả khả quan. Bên cạnh những thị trường lân cận, quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga… thì giờ đây doanh nghiệp Việt đã đi tới cả những quốc gia vốn đang là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU… với những cái tên như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vinamilk, Viettel, Hoàng Anh - Gia Lai, Rừng Hoa - Đà Lạt…

Liên kết, hợp tác: cần sự chủ động từ cả hai phía

Doanh nghiệp kiều bào đã và đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu doanh nhân Việt, thúc đẩy quảng bá, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới. Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chủ động kết nối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kiều bào cũng mong muốn các đối tác - doanh nghiệp trong nước cũng tích cực liên kết hơn.

Ông Chu Văn Dân - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Cộng hòa Séc, bày tỏ: “Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc phân phối hàng hóa, sản xuất kinh doanh tại Séc nói riêng cũng như thị trường châu Âu nói chung. Nhưng chúng tôi cũng rất mong các doanh nghiệp trong nước chủ động hơn trong liên kết, hợp tác, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm quy chuẩn cho hàng hóa Việt Nam”.

Ở phía ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước thời gian qua cũng đã tăng cường liên kết với các đối tác “đồng hương” từ nước ngoài về. “Hợp tác, liên kết giữa các doanh nhân là kiều bào và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong nước là cơ hội, nhu cầu, đồng thời là trách nhiệm của các bên” - ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chia sẻ.

“Chúng ta có thể nhận thấy điều rõ ràng là các doanh nhân kiều bào ta chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của ta như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ v.v..”.

(Ông Bùi Đình Dĩnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài).

Theo ông Nam, do nhiều nguyên nhân, quy mô và phạm vi hợp tác, liên kết, chia sẻ về vốn, công nghệ và những tri thức, kinh nghiệm trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như hoạt động thương mại thế giới giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của các bên.

Doanh nghiệp trong nước với kinh nghiệm và sự am hiểu thị trường, từ các thủ tục đầu tư, kinh doanh đến tâm lý tiêu dùng, là một thế mạnh trong liên kết với doanh nghiệp Việt kiều. Bà Nguyễn Cẩm Thùy - Giám đốc điều hành Dalat Cadasa Resort, chân tình: “Chúng tôi rất mong đón doanh nhân kiều bào từ các nước trở về Việt Nam để đầu tư, làm ăn và thăm quê hương. Với vai trò là doanh nghiệp trong nước, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, hỗ trợ các điều kiện thuận lợi để doanh nhân kiều bào có thể cùng hợp tác, đầu tư. Anh chị em doanh nhân kiều bào hãy xem như về đây là về nhà. Chúng tôi sẽ đón tiếp, chia sẻ với anh chị em như người trong gia đình”.

“Mặc dù rào cản từ thủ tục hành chính vẫn còn là một trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp, song chúng ta cũng dễ nhận thấy là các thủ tục hành chính hiện nay đã đơn giản và thời gian đã rút ngắn hơn nhiều so với trước đây. Đó là bước tiến không thể phủ định được”.

(Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam).

Thêm cơ chế, chính sách phù hợp cho doanh nhân

Chia sẻ với các doanh nghiệp Việt tại cuộc gặp gỡ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Để có cơ sở đề xuất với Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào tiến hành các hoạt động đầu tư thương mại, kinh doanh, mở rộng thị trường và xuất khẩu hàng hóa, cần đánh giá lại kết quả vận động và kết nối doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, đăc biệt từ sau chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ I (năm 2011).

Phó Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng trong quá trình hợp tác, kinh doanh và xuất khẩu hàng Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, góp phần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước cùng trao đổi các kinh nghiệm về quản lý và mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh, liên kết, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời đề xuất với Nhà nước các cơ chế, chính sách cần thiết để phát huy tốt nhất năng lực của đội ngũ doanh nhân tham gia xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, để khơi thông và phát huy có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế đất nước, vẫn còn rất nhiều việc cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai và làm tốt hơn nữa. Trong đó có việc các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục vận động doanh nhân, doanh nghiệp Việt hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

HOÀNG LAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI