Lấy chồng không hôn thú, tôi trắng tay khi về già

05/01/2024 - 11:29

PNO - Tôi không oán trách nhưng trong lòng rất hụt hẫng, xét cho cùng tôi và các con chồng chỉ là “người dưng nước lã” mà thôi.

Vài tuần nữa là đến lần giỗ thứ 3 của chồng. Tôi tất bật chuẩn bị bởi 2 đứa con của chồng báo sẽ đưa cả gia đình về quê làm giỗ cho cha. Ngoài mua sắm lễ, lo đặt cỗ, tôi kê thêm giường sửa soạn chăn nệm để con cháu về có chỗ ngủ tươm tất. Đã bao năm từ ngày chồng mất, con cháu mới về đông đủ, tôi muốn các con thấy ấm áp khi về nhà như lúc còn cha.

Tôi gặp chồng khi hơn 50 tuổi, còn anh qua tuổi 65, vợ mất và 2 đứa con đã trưởng thành đi làm xa. Chúng tôi đến với nhau không đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới, chỉ làm mấy mâm cỗ ra mắt họ hàng. Lúc ấy, nhiều người khuyên tôi đừng lấy chồng, có lương hưu rồi thì ở vậy cho nhàn thân. Nhưng nỗi cô đơn tuổi xế chiều đã gắn kết vợ chồng tôi với nhau.

Tôi đến với chồng khi tuổi đã xế chiều, không có hôn thú và con cái chung. (ảnh minh họa)
Tôi đến với chồng khi tuổi đã xế chiều, không có hôn thú và con cái chung (ảnh minh họa)

Tôi dọn về nhà anh ở, ngôi nhà của cha mẹ tôi giao lại cho đứa cháu trai để lo hương khói cho ông bà. Suốt 15 năm bên nhau, cuộc sống của chúng tôi trôi qua êm đềm. Tôi cùng anh lo dựng vợ gả chồng cho các con, chắt chiu dành dụm hỗ trợ khi con trai mua nhà, con gái chuyển công tác.

2 con của anh đối xử với tôi rất chu đáo, thường xuyên hỏi han và mua quà gửi về mỗi dịp lễ. Tôi cứ nghĩ đời mình hạnh phúc dẫu muộn màng nhưng lại trọn vẹn, về già có chồng, có con cháu sum vầy.

Cách đây 2 năm, chồng tôi đột ngột bị tai biến, liệt nửa người, phải nằm một chỗ. Do các con ở xa, một mình tôi chăm chồng, mỗi tháng đi viện mấy lượt. Con trai thỉnh thoảng gửi tiền về rồi gọi điện động viên tôi: “Cha đau, con biết dì vất vả. Chúng con thương dì nhiều lắm nhưng ở xa không đỡ đần được, trăm sự nhờ cả vào dì”.

Nghe con nói vậy, tôi cũng thấy ấm lòng vì con biết suy nghĩ trước sau. Chồng lâm bệnh gần 2 năm thì qua đời, từ đó một mình tôi hương khói thờ chồng, chỉ đến tết lễ, các con mới về nhà thăm. 1 năm trở lại đây, tôi thấy sức khỏe của mình yếu đi nhiều, lắm lúc bị bệnh đột ngột, ở một mình càng thấy lo lắng. Các con cũng ít về chơi hơn, tôi cứ nghĩ chúng nó bận nhiều việc.

Lần này các con đưa gia đình về giỗ cha đông đủ, tôi thấy vui và khỏe ra. Nhưng khi chuyện cỗ bàn vừa xong, họ hàng về hết, 2 con muốn nói chuyện riêng cùng tôi. Tôi đoán biết chắc chuyện nghiêm trọng nhưng không lường trước được tình huống này.

Con trai mở lời khá nhẹ nhàng: “Công ơn của dì đối với gia đình con không sao kể hết, chúng con biết ơn dì vì đã chăm sóc cha chu đáo khi bị bệnh và lo lắng chu toàn khi cha mất”. Tôi cười nói: “Sao con khách sáo vậy, dì là vợ của cha, đó là trách nhiệm của dì mà, có gì đâu mà ơn nghĩa”.

Con tiếp lời: “Dì à, ngôi nhà này, khi cha còn sống đã sang tên cho con, giờ việc làm ăn khó khăn, con muốn bán để lấy ít vốn”.

Tôi chưa kịp phản ứng thì con nói: “Bàn thờ của cha, con sẽ rước lên thành phố thờ tự. Con muốn báo trước để dì thu xếp chỗ ở, tầm khoảng 2 tháng nữa con sẽ treo biển bán nhà”.

Thấy vẻ mặt bần thần của tôi, con gái an ủi: “Việc này chúng con không muốn nhưng giờ tình thế bắt buộc, bán nhà xong sẽ gửi dì một phần để dưỡng già”. Tôi thật sự hoang mang, đôi mắt ngấn nước mà không nói được điều gì. Dẫu biết về lý, các con không sai vì nhà của cha để lại, nhưng về tình sao xót xa quá.

Tôi không biết đi đâu về đâu khi con chồng bán ngôi nhà tôi từng gắn bó 15 năm. (ảnh minh họa)
Tôi không biết đi đâu về đâu khi con chồng bán ngôi nhà tôi đã gắn bó gần 20 năm (ảnh minh họa)

Các con đi rồi, tôi ngồi trong ngôi nhà vắng, nhìn ảnh chồng trên bàn thờ khóc nức nở. Tôi không biết mình sẽ đi đâu về đâu khi con chồng bán ngôi nhà này. Anh trai tôi đã mất, ngôi nhà cha mẹ để lại cũng đã sang tên cho cháu trai, tôi về lại chỉ ở nhờ, giờ đi thuê trọ ở cũng rất vất vả.

Khi mọi người biết chuyện, họ khuyên tôi đi kiện để đòi quyền lợi, nhưng tôi không muốn gây ồn ào, gia đình xào xáo chắc chồng tôi nhắm mắt cũng không yên. Tôi tự an ủi mình, vẫn còn khoản lương hưu hàng tháng, ăn uống chẳng hết bao nhiêu, chỉ cầu mong khỏe mạnh sống qua ngày. Tôi không oán trách ai, nhưng trong lòng rất hụt hẫng, xét cho cùng tôi và các con chồng chỉ là “người dưng nước lã” mà thôi.

Thu Thanh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(15)
  • Dolphinnguyen 15-01-2024 16:11:39

    Phụ nữ hy sinh nhiều là điều
    mà người ta gọi là "hy sinh quên mình" . Còn chồng đã vậy. Chồng cũng chẳng nghĩ cho bà. Đúng là lo cho người dưng đến phí đời!

  • Văn tuấn 07-01-2024 09:48:47

    Theo tôi cô nên thương thảo lại với 2 ng con , một là chúng xẽ để lại cho cô bn - và mua cho cô 1 chỗ ở nhỏ hơn - hai là cô nhận bn đó rồi thương thảo với cháu trai xin lại 1 phần nhà đất đã cho trước đây để ở

  • Khuất Sơn Hà 07-01-2024 08:40:41

    Thôi thì cứ cho duyên phận nó vậy. Mình trả hết nợ đời, giờ vui vẻ sống nốt phần đời con lại.Mình sống không hổ thẹn với ai, làm điều tốt như vậy chắc chắn hậu vận sẽ may mắn hạnh phúc mà

  • Baby 07-01-2024 07:45:07

    Da xac dinh lay chong khi lon tuoi thi dung nghi ve cua cai , tung tuoi nay roi sao nghi đen viec quyen loi ngay ban dau , ko nghi tinh huong rui ro , thi dung buon lam chi , hay cu an phan

  • Hoàng Phương 06-01-2024 22:52:32

    Khi lấy ông ấy, bà đã suy nghĩ quá đơn giản. Như bà kể thì có lẽ bà chưa từng kết hôn cho đến khi lấy ông ấy. Vậy lẽ ra bà phải yêu cầu ông ấy làm thủ tục kết hôn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Ông ấy không đăng ký kết hôn, rồi lại bí mật sang tên nhà cửa cho con trai. Điều đó chứng tỏ ông ấy chẳng thương yêu gì bà, chỉ là lợi dụng bà để có người phục vụ ông ấy thôi. Vậy là bà đã đi ở không công ngần ấy năm trời! Bố con họ đúng là loại đạo đức giả. Về lý, bà không thể đòi chia tài sản, nhưng bà có thể kiện đòi tiền thù lao bà đã phục vụ ông ấy và thờ cúng, quản lý tài sản ngần ấy năm. Bây giờ bà hãy cứ ở lại nhà đó, không đi đâu cả và yêu cầu con ông ấy trả khoản tiền thù lao đó, tính theo giá thị trường, không chấp nhận để họ bố thí cho mình bao nhiêu tùy ý được! Nếu họ không đồng ý như vậy thì bà làm đơn kiện họ ra toà. Nhất định bà sẽ thắng kiện và được trả một khoản kha khá đấy! Hãy kiên quyết đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của mình bà nhé!

    • Tuanmac

      Bác nói chuẩn, ô chồng quá cao thủ, không đang kí kết hôn để khỏi ràng buộc, bí mật sang tên tài sản cho con mình,. bà chỉ làm ô sin không công cho nhà họ thôi.

    • Tân Nguyễn

      Bà cũng có kế hoạch của mình mà có thừa gì ô đâu, nhà của mình cũng sáng tên cho cháu r đến với ô, vả lại còn riêng cug bảo sẽ cho ít dưỡng già và bà cug có lương hưu, hiện tại với tương lai bà cũng chỉ sống 1 mình,

  • Thân vu 06-01-2024 11:10:40

    Đời còn nhiều ngang trái

  • Tống Khánh Lâm 06-01-2024 08:36:12

    Theo tôi nghĩ, trong trường hợp này tốt nhất là tìm Viện dưỡng lão tốt mà vào là phù hợp nhất. Ở đó vừa có bạn, vừa có người chăm sóc.

    • Minh

      Vấn đề đầu tiên là tiền đâu? Bạn tưởng mấy đồng lương hưu mà vào được viện dưỡng lão thì người ta vào viện dưỡng lão cả làng.

  • Hoàng anh 06-01-2024 07:44:49

    Bán nhà tổ thì chúng cũng lụi bại mà thôi.

  • Rose river 06-01-2024 07:19:23

    Chị sai lầm ngay từ đầu đó là lấy phải người chồng ko hề đơn giản, ngày từ đầu ko đăng ký kết hôn là họ đã tính toán từ trước, nói hơi tàn nhẫn là họ chỉ coi chị như người giúp việc rồi. Một bài học quá chưa xót . thương chị .

  • Hạnh 05-01-2024 21:08:27

    Đời là thế mà. May bác còn có lương hưu. Chúng bán nhà thờ tổ chắc chắn sẽ lụi bại. Còn không chúng cứ để đó để hưởng phúc hưởng lộc và cho bác ở nhờ tuổi xế chiều thì ổn hơn

    • Nguyễn Xuân

      Không ai học được chữ ngờ , con chồng đúng là bât nhân

    • Lan Hương

      Đám con này đạo đức giả và thất đức. Bán hương hoả cha ông sẽ bị tán gia bại sản. Nếu cháu trai bác tử tế đón bác về thì sẽ hưởng phúc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI