Lấy cảm hứng từ phim “Star Wars” tạo ra da nhân tạo có cảm giác

03/08/2020 - 18:39

PNO - Các nhà nghiên cứu Singapore đã phát triển một loại “da điện tử”, có khả năng tái tạo xúc giác, một phát minh họ hy vọng sẽ cho phép những người dùng chân tay giả phát hiện vật thể, cũng như cảm nhận về bề mặt, hoặc thậm chí nhiệt độ và đau đớn.

Tiến sĩ Benjamin Tee, Phó Giáo sư Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), trình diễn cách thiết bị của ông có thể phát hiện bề mặt một quả bóng căng mềm tại phòng thí nghiệm ở NUS - Ảnh: Reuters
Tiến sĩ Benjamin Tee - Phó giáo sư Khoa học và kỹ thuật vật liệu tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - trình diễn cách thiết bị của ông có thể phát hiện bề mặt một quả bóng căng mềm tại phòng thí nghiệm ở NUS - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, thiết bị, được đặt tên là ACES, hoặc Da điện tử mã hóa không đồng bộ, được tạo thành từ 100 cảm biến nhỏ và có kích thước khoảng 1cm2 (0,16 inch vuông).

Các nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, da điện tử có thể xử lý thông tin nhanh hơn hệ thần kinh của con người, có thể nhận ra 20 đến 30 bề mặt khác nhau và có thể đọc chữ nổi Braille với độ chính xác hơn 90%.

Trưởng nhóm nghiên cứu Benjamin Tee cho biết, “con người cần động tác trượt để cảm nhận được bề mặt, nhưng trong trường hợp này, da điện tử chỉ cần một cú chạm duy nhất là có thể phát hiện sự thô ráp khác nhau của các bề mặt”. Ông giải thích, thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép thiết bị học hỏi nhanh chóng.

Một cuộc biểu diễn cho thấy thiết bị có thể phát hiện một quả bóng (da) căng mềm và xác định một quả bóng nhựa cứng.

Tiến sĩ Tee cho biết, “khi bạn mất xúc giác về cơ bản bạn sẽ bị tê, và những người sử dụng chân tay giả phải đối mặt với vấn đề đó”. Vì vậy, bằng cách tái tạo một phiên bản nhân tạo của da cho chân tay giả, họ có thể dùng tay nắm và cảm nhận sự ấm áp, cảm thấy vật mềm, hay cứng, ông Tee giải thích.

Ông Tee cho biết khái niệm này được lấy cảm hứng từ một cảnh trong bộ ba phim Star Wars, trong đó nhân vật Luke Skywalker bị mất tay phải và được thay thế bằng một robot, nó khiến anh ta dường như có thể có lại xúc giác.

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng đã thu hút được sự quan tâm, đặc biệt là từ cộng đồng y tế.

Các bằng sáng chế tương tự được nhóm tiến sĩ Tee phát triển bao gồm một lớp da trong suốt có thể tự lành khi bị rách và một vật liệu phát sáng dùng cho các thiết bị điện tử có thể mang theo người.

Hòa Ninh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI